30 CDC các tỉnh xin giảm án cho giám đốc CDC Hà Nội tham nhũng nói lên điều gì?

Trước phiên tòa phúc thẩm, lãnh đạo các Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) của 30 tỉnh, thành phố, cùng một số tổ chức liên quan ngành y tế, 42 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ cùng 430 bác sĩ… đã có thư cùng xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Nguyễn Nhật Cảm – nguyên Giám đốc CDC Hà Nội vì vi phạm đấu thầu thiết bị y tế.

Trong số các đơn xin giảm nhẹ cho ông Nguyễn Nhật Cảm được truyền thông nhà nước Việt Nam đăng tải, Giáo sư Phạm Ngọc Đính – nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Giáo sư Vũ Sinh Nam – nguyên Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, do quan liêu, do lỗ hổng cơ chế, pháp luật đã tạo kẽ hở cho vụ nâng giá khống thiết bị y tế để chia hoa hồng.

Hai giáo sư này còn dẫn chứng việc ông Nguyễn Nhật Cảm là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Y khoa tâm huyết với nghề, dám nghĩ, dám làm và đã có nhiều đóng góp, thành tích đối với ngành y tế Hà Nội nói riêng cũng như hệ thống y tế dự phòng cả nước nói chung… nên đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho ông Cảm.

Vì sao một hành động tham nhũng đáng bị lên án của một quan chức y tế trong khi diễn ra đại dịch COVID-19… thì các quan chức khác lại xin giảm án cho ông này?

Về phương diện pháp lý, căn cứ theo điều 51 Bộ luật hình sự đã dẫn trên, thì những đơn thư này không thuộc 1/22 tình tiết giảm nhẹ do luật pháp quy định. Cho nên, chúng không có giá trị như là tình tiết giảm nhẹ.
-Luật sư Đặng Đình Mạnh

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, hiện đang sinh sống ở Hà Nội, khi trả lời RFA hôm 25/6 cho biết, việc có nhiều đồng nghiệp xin giảm án cho Nguyễn Nhật Cảm nói lên 3 điều:

“Thứ nhất là ông Cảm tuy phạm tội tham nhũng nhưng vẫn được nhiều đồng nghiệp thương xót. Suy ra hàng ngày ông ấy có những biểu hiện tốt trong công việc và quan hệ. Một cán bộ “tốt” như vậy mà có dịp là tham nhũng, không nghĩ tới những tác hại. Điều này chững tỏ tham nhũng đã trở thành “bệnh dịch” đối với người có chức. có quyền.

Thứ hai, những người xin giảm án đã xem tội tham nhũng của ông Cảm là khá nhẹ, có thể tha thứ phần nào vì họ đã quen, rất quen với thói “Hễ có điều kiện tham nhũng được là tham nhũng ngay, không bỏ lỡ cơ hội”. Chẳng phải ông Cảm mà nhiều người đã làm và sẽ làm trong những vụ mua bán khác. Xét về đạo đức thì tội ông Cảm là nặng, nhưng trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện tại thì tham nhũng vài ba tỷ đã được xem là chuyện nhỏ.”

Thứ ba, theo ông tình đồng nghiệp vẫn còn. Trong việc này Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, có thể có hoặc không có một sự vận động nào đó. Dù có vận động hay không mà có được một số lượng rất đáng kể yêu cầu giảm án cho ông Cảm và một số người liên quan đã chứng tỏ sự không bỏ rơi đồng nghiệp trong hoạn nạn. Giáo sư Nguyễn Đình Cống nói tiếp:

“Tuy có nhiều đơn thư yêu cầu, nhưng hình như không có một tác dụng gì đối với Tòa án. Vì sao vậy? Phải chăng Tòa lập ra cho có hình thức để tuyên một “Án bỏ túi” mà không cần xét xử gì cả.”

Trước đó, theo bản án sơ thẩm, lợi dụng tình hình dịch COVID-19 diễn ra từ tháng hai năm 2020, ông Nguyễn Nhật Cảm cùng cán bộ cấp dưới của mình đã câu kết thỏa thuận gian lận, nâng giá mua bán thiết bị xét nghiệm, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước hơn 5,4 tỉ đồng. Do đó, toà sơ thẩm diễn ra tháng 12/2020 đã tuyên phạt ông Cảm 10 năm tù, chín người khác có liên quan nhận mức án từ ba năm tù treo đến sáu năm sáu tháng tù giam cùng về tội ‘Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’.

Ông Trần Bang, một người bất đồng chính kiến khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 25/6, nói:

“Các cán bộ cấp cao đã nói đùa với nhau rồi, tôi nhớ có vị cỡ cấp trung ương cũng nói ‘kính thưa các đồng chí chưa bị lộ’… Thế bây giờ ông Cảm ở CDC Hà Nội bị bắt, bị truy tố, bị kết án khá nặng vì tội giao thầu, chỉ định thầu không đúng quy định, dẫn đến chênh lệch giá, thất thoát tài sản nhà nước… thật sự nếu đụng đến chỗ nào cũng có thể ra ‘bệnh’ tức là soi đâu cũng có ‘vi trùng’… ‘Kính thưa các đồng chí chưa bị lộ’ là vì thế.”

Ông Trần Bang dí dỏm ‘Những đứa chưa bị lộ xin giảm án cho đứa bị lộ’… điều này giống như là cho phép đạp lên pháp luật và dư luận để bảo vệ lợi ích nhóm. Theo ông Bang tội phải càng nặng vì lúc đang chống dịch như chống giặc, tức là người chiến sĩ trên mặt trận, mà phạm tội phá hoại thì phải xử bắn mới đúng. Nếu không sẽ tạo tiền lệ xấu cho tội phạm nâng giá thiết bị.

Theo ông Trần Bang, việc mua sắm thiết bị y tế, thiết bị chuyên dùng, chỉ người trong cuộc mới biết giá, nên dễ kênh giá rất cao. Ông Bang cũng cho biết rất nhiều người trên mạng xã hội muốn biết tên của các nhà khoa học, bác sĩ, tên lãnh đạo CDC 30 tỉnh đã đề nghị giảm án cho giám đốc CDC Hà Nội.. để quyết định có nên vào phòng khám hay dự lớp học của họ hay không, liệu họ có xứng đáng với chức danh và nghề nghiệp đang có?

Ông Trần Bang cho rằng, bênh vực cái xấu còn xấu hơn cả cái xấu. Điều này nói lên sự suy đồi, không cần che đậy!

Hình minh hoạ: nhân viên y tế bên ngoài một khu nhà bị cách ly do có người nhiễm COVID-19 ở Hà Nội hôm 29/1/2021. Reuters.

Để tìm hiểu thêm về mặt luật pháp, RFA hôm 25/6 liên lạc Luật sư Đặng Đình Mạnh ở Sài Gòn, và được ông giải thích:

“Ông Nguyễn Nhật Cảm, nguyên là Giám đốc CDC Hà Nội cùng với các đồng sự bị truy tố với tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 222 Bộ luật hình sự. Trong vụ án, cơ quan truy tố xác định số tiền của Nhà nước bị thất thoát lên đến hơn 5,4 tỷ đồng, do đó, tòa án cấp sơ thẩm tuyên hình phạt đối với ông ấy 10 năm tù là hoàn toàn có cơ sở pháp lý.

Vì lẽ, căn cứ theo khoản 3 điều 222, phạm tội gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên, thì mức hình phạt đã có mức khởi điểm là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Trong khi đó, ông Nguyễn Nhật Cảm và đồng sự gây thiệt hại gấp 5,4 lần con số 1 tỷ đồng mà chỉ bị tuyên hình phạt ở mức khởi điểm của khung hình phạt là 10 năm tù đã là thấp. Chắc chắn, cấp sơ thẩm đã vận dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ hình phạt thì ông ấy mới được mức hình phạt như thế.”

Theo Luật sư Mạnh, trong trường hợp ông ấy kháng cáo bản án sơ thẩm, xin giảm nhẹ hình phạt, thì tòa án cấp phúc thẩm sẽ xem xét lại, cân nhắc những tình tiết giảm nhẹ. Hiện nay, căn cứ theo điều 51 Bộ luật Hình sự, thì có 22 tình tiết được quy định là những tình tiết giảm nhẹ hình phạt. Luật sư Mạnh nói tiếp:

“Tại phiên xử phúc thẩm, đã có các đơn thư được gửi từ CDC của 30 tỉnh, thành, một số tổ chức liên quan ngành y tế và các nhà khoa học, của 42 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ cùng 430 bác sĩ cùng xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Nguyễn Nhật Cảm.

Tuy nhiên, về phương diện pháp lý, căn cứ theo điều 51 Bộ luật hình sự đã dẫn trên, thì những đơn thư này không thuộc 1/22 tình tiết giảm nhẹ do luật pháp quy định. Cho nên, chúng không có giá trị như là tình tiết giảm nhẹ.”

Tuy có nhiều đơn thư yêu cầu, nhưng hình như không có một tác dụng gì đối với Tòa án. Vì sao vậy? Phải chăng Tòa lập ra cho có hình thức để tuyên một “Án bỏ túi” mà không cần xét xử gì cả.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống

Điều đáng nói nhất theo Luật sư Đặng Đình Mạnh là về phương diện đạo đức xã hội, hành vi phạm tội của ông Nguyễn Nhật Cảm đích thị là hành vi tham nhũng, là vấn nạn đang gây thiệt hại nặng nề nhất về nhiều mặt mà Việt Nam đang phải đối diện. Ông Mạnh nhận xét:

“Thay vì lên án, thì việc nhiều người trong ngành y khoa cùng lên tiếng xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Nguyễn Nhật Cảm khiến công chúng cảm thấy khó hiểu !? Không lẽ, họ tán thành hành vi tham nhũng ? Hay những hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội đã phổ biến đến mức khiến họ cảm thấy bình thường, theo đó, sự chế tài từ luật pháp là bất thường khiến họ phản ứng?”

Không chỉ với tư cách là một luật sư, mà với tư cách công dân, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết ông không tán thành việc xin giảm nhẹ hình phạt từ những người có đơn, thư gởi đến phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án ông Nguyễn Nhật Cảm.

Sau một ngày xét xử, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội vào chiều tối ngày 24/6 đã tuyên giữ nguyên án sơ thẩm ngày 12/12/2020 của Tòa án Nhân dân Hà Nội đã tuyên với ông Nguyễn Nhật Cảm và các đồng phạm.

Related posts