99% quần đảo Trường Sa nằm trong tầm với của Trung Quốc theo nghiên cứu mới

Báo South China Morning Post hôm 16 tháng 11 đưa tin về kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc về vai trò của Đá Chữ Thập, hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh.

Công trình nghiên cứu trên do một nhóm các nhà khoa học, thuộc Viện Khoa học Địa lý và Nghiên cứu Tài nguyên Thiên nhiên của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, công bố trong tháng này theo thông tin từ tờ báo có trụ sở ở Hồng Kông.

Kết quả nghiên cứu cho thấy căn cứ quân sự mà Trung Quốc xây dựng trên Đá Chữ Thập đã giúp nước này rút ngắn thời gian tiếp cận quần đảo Trường Sa từ 33 tiếng, xuống còn khoảng 15 tiếng.

Điều này biến Trung Quốc trở thành nước có khả năng triển khai lực lượng tới quần đảo Trường Sa nhanh nhất, hơn cả Việt Nam, Philippines, lẫn Malaysia.

Đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Đá Chữ Thập cũng cho phép các lực lượng của nước này bao quát được 99 phần trăm quần đảo Trường Sa.

Đá Chữ Thập bị Trung Quốc chiếm vào đầu năm 1988 bất chấp sự phản đối từ Việt Nam.

Từ năm 2014, Bắc Kinh đã tăng cường hoạt động bồi đắp và biến bãi đá này trở thành đảo nhân tạo, và được quân sự hóa với các cơ sở hạ tầng quân sự như sây bay, nhà chứa máy bay, hệ thống radar, và nhà chứa tên lửa.

Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á còn cho biết Trung Quốc đã bố trí pháo phòng không và các hệ thống phòng thủ khác ở đây.

Đảo nhân tạo này được đánh giá có triển vọng trở thành căn cứ quân sự hiện đại bậc nhất của Trung Quốc ở phía nam Biển Đông, và còn có thể được mở rộng thêm.

Tuy phía các nhà khoa học Trung Quốc nhấn mạnh vào vai trò tìm kiếm cứu nạn của căn cứ trên Đá Chữ Thập, do từ năm 2019, Bắc Kinh đã cho thiết lập trung tâm cứu hộ tại đây, nhưng năng lực quân sự là điều không thể loại trừ.

Related posts