Áp lực nào khiến giáo viên, giảng viên bỏ nghề?

Hàng loạt giáo viên nghỉ việc ở các thành phố lớn trên cả nước trong hai năm qua. RFA liên hệ phỏng vấn một số giáo viên, giảng viên hiện đang công tác tại các trường phổ thông và đại học ở Việt Nam, về thực trạng này và Chính phủ cần phải làm gì để giữ các nhà giáo ở lại với nghề.

Hàng loạt giáo viên bỏ việc

Tính từ đầu năm 2020 cho đến nay, theo báo chí trong nước, TPHCM có hơn 5.500 viên chức nghỉ việc. Trong đó, khối ngành giáo dục chiếm hơn 2400 người.

Tương tự, ở Đồng Nai, từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022, có 1.218 giáo viên nghỉ việc. Cũng trong khoảng thời gian này, tỉnh Bình Dương có 527 giáo viên xin nghỉ.

Do đó, Bình Dương được báo cáo hiện đang thiếu hơn 3.102 giáo viên. Tình trạng thiếu hụt giáo viên cũng xảy ra ở Thanh Hoá. Đại din Sở GD&ĐT tỉnh này cho biết, trong năm học 2021-2022, toàn tỉnh thiếu 8.968 giáo viên. Dự tính đến năm học 2022-2023 sẽ thiếu 10.276 giáo viên các cấp học.

Hà Nội, Gia Lai … cũng báo cáo nhiều trường hợp giáo viên nghỉ việc.

Lương thấp hơn lao động phổ thông

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa từ Hà Nội nói với RFA rằng nguyên do chính khiến nhiều giáo viên phải bỏ nghề là do đồng lương quá thấp. Giáo viên trẻ mới ra trường lương chỉ hơn bốn triệu mỗi tháng, tính ra là thua cả lương công nhân hay lao động phổ thông không cần bằng cấp:

“Sau một năm thì mới được thêm phụ cấp, thế thì mỗi giáo viên được khoảng bốn triệu một tháng. Chính nó là nguyên nhân ăn để cho các giáo viên người ta bỏ để chuyển sang một lĩnh vực khác có thu nhập cao hơn.”

Thục Linh, một giảng viên trẻ ngành luật, hiện đang làm việc ở một trường đại học ở miền Trung, cho biết mức lương cơ bản của giảng viên mới vô ngành, có bằng thạc sỹ là khoảng 3 triệu 8 trăm ngàn đồng, sau đó công thêm phụ cấp 1 triệu hai. Tổng cộng mỗi tháng lương được nhận khoảng năm triệu đồng. Linh cho rằng mức lương này chỉ vừa đủ trang trải, chứ không thể dư nổi:

“Tính ra tụi em không làm nghề tay trái hay có kinh doanh riêng thì làm mấy cũng vẫn là giáo nghèo thôi. Lương thầy cô thâm niên đi dy lâu cũng tầm 11-13 triệu thôi à.

Giảng viên dù không làm theo giờ hành chính nhưng phải đảm bảo mỗi năm năm học 270 giờ dạy và 600 giờ nghiên cứu khoa học.

Giảng viên trẻ áp lực nhiều vì còn lo các việc vặt không tên, rồi áp lực học lên để có bằng cấp, nâng cao chuyên môn…

Nói chung việc cần chất xám nhiều. Thời gian được linh hoạt nhưng tính ra là phải mang việc về nhà.”

Áp lực chỉ tiêu, cấp trên o ép

Bà Đào, một giảng viên ngành ngôn ngữ tại một trường đại học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, trả lời RFA nhưng không muốn nêu rõ danh tính vì lý do an toàn. Bà nói giáo viên, viên chức nghỉ việc đặc biệt nhiều hơn trong hai năm gần đây.

Theo bà đánh giá, có lẽ là do áp lực công việc mà giáo viên, giảng viên phải chịu quá lớn, nhất là trong hai năm dịch bệnh, biến động kinh tế xã hội nên đã vượt quá ngưỡng chịu đựng của họ:

“Đa số những người nghỉ việc là trong nhóm người không có quyền lực và không được hưởng lợi trong hai dịch bệnh năm vừa rồi.

Họ bỏ ra công sức làm việc còn nhiều hơn công nhân làm việc ở trong khu công nghiệp. Bởi vì công nhân họ chỉ bận cái tay thôi chứ họ không bận về đầu óc, nhưng mà giáo viên làm trong hệ thống trường công, những viên chức quèn thì vừa bận chân tay vừa bận đầu óc, mà lương thì không cao hơn công nhân là bao.”

Ngoài ra, theo bà Đào, những nhân viên nào không thuộc nhóm lợi ích của lãnh đạo nhà trường thì còn bị o ép, bắt chẹt đủ đường:

“Thực sự là áp lực trong ngành giáo dục của những người công chức nhà nước không thuộc nhóm lợi ích thì từ xưa tới nay họ chịu thiệt thòi và bị o ép rất nhiều.

Những người thật sự giỏi, có kiến thức nhưng mà chẳng may không nằm trong “nhóm lợi ích” thì họ sẽ rất khổ. Bởi vì họ sẽ chịu sự ghen tức, đố kỵ của chính những người quản lý mình.”

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa nói dù không phải toàn bộ, nhưng vẫn có một số trường học ép buộc giáo viên phải thu các khoản tiền mà ông cho là “bất chính”, nếu ai không thu đủ chỉ tiêu có thể bị xếp loại “không hoàn thành nhiệm vụ”:

“Ở trường học, áp lực mà lãnh đạo dội lên đầu giáo viên là kinh khủng lắm. Họ nghĩ ra đủ trò, ví dụ như như họ ép thi đua cưỡng ép giáo viên phải thu tiền bất chính.

Anh nào mà không thu được thì họ hạ thi đua, thậm chí là không hoàn thành nhiệm vụ, mà hai năm không hoàn thành nhiệm vụ thì hiệu trưởng sẽ đuổi việc ngay.

Tôi đã từng phê phán hiệu trưởng làm việc rất trái khoáy. Nó đuổi học hơn 100 học sinh, chả theo quy định nào cả. Ai mà thắc mắc là nó trù dập luôn.

Tôi từng bị hiệu trưởng thuê xã hội đen đánh, bảy năm liền không được nâng lương, áp lực ở  trường rất kinh khủng.”

Làm sao giữ chân giáo viên, giảng viên?

Ngày 9/8, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội rằng việc cần làm ngay bây giờ là phải “tập trung thực hiện cải cách tiền lương để giải quyết vấn đề thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức vì chế độ lương nhà nước hiện nay rất thấp”.

Theo thầy Đỗ Việt Khoa, tăng lương là vấn đề cấp thiết, nhưng cũng cần phải có sự công bằng và minh bạch trong nhà trường:

“Phải nói rằng cái đầu tiên là lương, thứ hai là công bằng và minh bạch trong nhà trường. Hiệu trưởng nào côn đồ, lừa đảo, ác tâm với giáo viên và học sinh thì dứt khoát phải đuổi việc.

Nếu để sống đầy đủ một chút thì lương giáo viên bây giờ phải được tăng gấp ba gấp bốn lần.”

Thầy Khoa còn đề xuất nên giảm bớt biên chế các ngành hành chính khác không có năng lực để tập trung đầu tư cho Y tế và giáo dục:

“Xin lỗi là các ngành khác mới nên giảm biên chế. Đó là các đơn vị hành chính nhà nước. Bộ máy hành chính nhà nước hơn một triệu người khi mà để quản lý có 100 triệu dân thì quá là thừa thãi.

Một bộ nào đó chỉ cần hai thứ trưởng là đủ, nhưng mà có những bộ có đến 7-8 thứ trưởng để làm cái gì?

Đặc biệt là công an và quân đội, lương của họ lên tới hơn hai lần lương giáo dục của chúng tôi. Có lẽ lực lượng công an và quân đội là “cánh tay phải và cánh tay trái” của Đảng, cho nên người ta buộc phải nâng đỡ hai “cánh tay” này trước.”

Đồng quan điểm, giảng viên tên Đào cũng cho rằng nên giảm bớt chi tiêu cho ngành công an để nâng cấp giáo dục:

“Bây giờ cứ so sánh lương giáo viên với bên lực lượng vũ trang, bên công an  đi xem chênh lệnh ra sao. Cứ thử tăng lương cho giáo viên như công an xem mọi người có hoan hỉ ngay không!”

Theo VnExpress, giai đoạn từ 2011-2020, Việt Nam chi ngân sách cho giáo dục trung bình đạt khoảng 17-18%. Nhà nước chưa công khai ngân sách chi cho Bộ Công an.

* Một số nhân vật trong bài viết đã được đổi tên vì lý do an toàn.

Related posts