Bệnh “sợ trách nhiệm” của cán bộ phải được “trị” ở cấp độ thể chế

Bệnh “sợ trách nhiệm”, không dám làm, làm gì cũng sợ sai, của cán bộ viên chức Nhà nước đã được nhiều quan chức cấp cao của Đảng, Chính phủ và Quốc hội đề cập liên tục từ năm 2019 trở lại đây.Thế nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được thực trạng này.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, bà Mai Thị Phương Hoa, phát biểu trước nghị trường hôm 2/6 về chứng “sợ trách nhiệm” của cán bộ rằng “bây giờ làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không, sai cũng không biết sai chỗ nào và thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm”.

Pháp luật chồng chéo

Bình luận về phát ngôn này của bà đại biểu Quốc hội, một luật sư không muốn nêu tên ở TPHCM cho rằng đây là một thực trạng khá “chua chát” của chính trị và pháp luật Việt Nam.
Nguyên do khiến cho nhiều cán bộ “làm gì cũng sợ sai” được luật sư này chỉ ra là vì hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay chồng chéo, mâu thuẫn với nhau.

Điều này khiến cho những người cán bộ các cơ quan hành pháp họ không biết được là họ thực hiện một nhiệm vụ nào đó là đúng hay sai. Kể cả trong trường hợp họ không làm gì đi chăng nữa thì vẫn có thể bị quy vào hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”:

“Thực ra khi tôi làm luật thì tôi thấy cái quy định về “trách nhiệm” nó cũng khá là mơ hồ, chung chung và khiến người ta không biết phải thực hiện như thế nào, và tội “thiếu trách nhiệm” có thể quàng vào bất kỳ ai, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào của cơ quan nhà nước.”

Ngoài ra, theo luật sư giấu tên, chính lối văn hoá làm việc “theo chỉ đạo chứ không theo luật pháp” cũng khiến cán bộ không dám mạnh dạn thực thi pháp luật, mà luôn phải đợi chỉ đạo từ cấp trên:

“Cứ có vụ vi phạm nào nổi cộm thì Chính phủ lại bảo là “đề nghị xử lý nghiêm”.

Luật pháp thì nó đã có sẵn như thế rồi, cơ quan hành pháp và tư pháp cứ thế nhìn vào mà áp dụng, tại sao lại phải chỉ đạo xử nghiêm? Theo tôi thì những chỉ đạo như vậy vô hình chung làm cho việc thực thi pháp luật không được đúng đắn.

Cho nên mới xảy ra trường hợp là luật rất nhiều nhưng cán bộ không dám thực hiện, bởi vì cấp trên chỉ đạo như thế này nhưng luật lại quy định khác. Nếu thực hiện theo luật thì lại trái ý cấp trên, mà thực hiện theo cấp trên thì lại trái luật.”

Ví dụ điển hình rằng các Chỉ thị 15, 16, và 19 được Chính phủ ban hành hồi năm 2021. Với lý do là phòng chống dịch COVID-19, các chỉ thị này đã ngăn cấm, hạn chế các quyền tự do cơ bản của công dân.

Luật sư giấu tên cho biết các văn bản nêu trên là không đúng theo quy định pháp luật, không có hiệu lực pháp lý. Tuy nhiên, các cấp Chính quyền địa phương đều răm rắp thực hiện theo, không một cán bộ nào dám nêu ý kiến phản biện.

Trước Quốc hội hôm 24/4, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đã nói rằng hệ thống luật  pháp Việt Nam chằng chịt, giẫm lên nhau, gây ra nhiều thiệt hại: “Luật rừng là có hại, nhưng một rừng luật với hiệu quả, chất lượng kém, chồng chéo, xung đột gây ách tắc thì thiệt hại còn nhiều hơn.”

Đảng đứng trên Pháp luật

Theo Phó Giáo sư- Tiến sỹ Hoàng Dũng, ngoài các quy định luật pháp không rõ ràng, về mặt thể chế, điều căn nguyên khiến các cán bộ nhà nước “làm gì cũng sợ” là do thực tế “Đảng đứng trên pháp luật” ở Việt Nam.

Theo tiến sỹ Hoàng Dũng, lẽ ra nếu cán bộ có một hành động bị cho là vi phạm pháp luật thì lập tức các cơ quan thi hành pháp luật phải tiến hành điều tra, xét xử theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng ở Việt Nam, họ phải chờ quyết định của các thang bậc bên Đảng rồi mới dám thi hành. Đảng quyết thế nào thì tòa phải xử thế ấy, chứ không dựa vào luật pháp để ra phán quyết cuối cùng:

“Chẳng hạn như Ủy viên Trung ương đảng Chu Ngọc Anh hay Nguyễn Thanh Long vừa rồi, theo nguyên tắc của Việt Nam là những người thuộc Trung ương đảng có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật, sau đó pháp luật mới nói sau. Như vậy thì rõ ràng rằng là Đảng đứng trên pháp luật.

Khi Bộ chính trị đã kết luận, Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng đã thi hành kỷ luật đuổi anh ra khỏi đảng, như Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long thì đố cái tòa án nào dám xử khác. Nên nhớ rằng ở Việt Nam tòa án cũng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Toà án đâu có độc lập.”

Tất cả những cái đó cho thấy rằng không chỉ những người làm sai khuấy, mà ngay cả những người tử tế, trong những trường hợp như vậy họ cũng biết thân biết phận, họ không dám làm quá.

Mặc dù đã hô hào rằng phải khuyến khích những người dũng cảm đi đầu, nói như thế nhưng đến khi mình đi đầu thì lại bị trừng trị, thì chả biết thế nào được.”

Bộ Chính trị hồi năm 2021 có ban hành Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Theo đó, cán bộ dám nghĩ, dám làm nếu không đạt, đạt một phần mục tiêu đề ra sẽ được miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Phải giải quyết vấn đề từ cấp Thể chế

Hôm 24/5, ông Nguyễn Văn Cảnh, đại biểu đoàn Bình Định phát biểu rằng muốn có đột phá tăng trưởng mà vẫn tuân thủ Hiến pháp thì cần có soan thảo và thông qua Luật Bảo vệ người dám nghĩ dám làm.

Cả hai người mà Đài RFA phỏng vấn đều khẳng định rằng chỉ có luật hóa chủ trương bảo vệ cán bộ “dũng cảm, dám nói, dám làm”… cũng không giải quyết được thực trạng cán bộ làm gì cũng sợ.

Tiến sỹ Hoàng Dũng nói nút thắt của toàn bộ vấn đề nằm ở thể chế. Do đó, cần phải giải quyết từ thể chế. Cần phải có tam quyền phân lâp, tòa án phải độc lập để bảo vệ được cán bộ liêm chính theo đúng Hiến pháp và pháp luật:

“Phải giải quyết ở cấp độ thể chế. Nhưng mà Nhà nước đã công khai rằng ở Việt Nam không có tam quyền phân lập thì giải quyết thế nào được. Tất cả đều dưới sự lãnh đạo của Đảng, khi Bộ Chính trị đã kết luận thì những người liên quan họ chỉ có thể bó tay đầu hàng thôi.

Tôi không bênh vực ông Chu Ngọc Anh hay Nguyễn Thanh Long; nhưng mà tôi muốn nói rằng bất kỳ ai oan hay không oan, đến mức đó là hết cãi được.

Bởi vì phải luôn nhớ rằng ở Việt Nam không có một tòa án nào dám kết luận khác đi với kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cả!”

Theo quan điểm của vị luật sư giấu tên thì với hệ thống, thể chế như hiện tại thì không thể sửa chữa được, chỉ có nghiên cứu tìm tòi ra một hệ thống, thể chế mới phù hợp với văn hóa, lối sống của người Việt Nam.

Thể chế đó phải có tam quyền phân lập, có sự phản biện của công dân, của báo chí, của các tổ chức xã hội dân sự thì mới có thể xây dựng một xã hội tốt hơn.

Related posts