Biển Đông: Ngư dân Việt Nam tiếp tục bị bắn, các nước cần có thỏa thuận về vùng đánh cá chung

Một ngư dân Việt Nam bị thương nặng trong một vụ nổ súng. Vụ việc này cho thấy rõ tình thế bấp bênh của ngư dân trong khu vực Biển Đông đang có tranh chấp.

Ông Võ Minh Quân ở Bình Châu, một làng chài lâu đời ở tỉnh Quảng Ngãi nói với báo chí Việt Nam rằng thuyền của ông đã bị tấn công vào đêm ngày 9/9/2022 bởi một nhóm người nước ngoài có vũ trang. Họ cũng cướp đi cá và trang thiết bị trên tàu.

Tàu của ông neo đậu cách phía Đông Nam của Đảo đá Tiên nữ (Pigeon Reef), một tiền đồn của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, khoảng 40 hải lý (74 km).  Sau khi bị bắn, người đàn ông 52 tuổi này được chuyển đến đảo Phan Vinh (Pearson Reef), một đảo đá lớn hơn mà Việt Nam chiếm đóng từ năm 1978. Tại đó, ông được sơ cứu rồi đưa vào đất liền.

Đó là vùng biển Việt Nam”-  ông Bùi Duy Tân, thuyền trưởng cho biết. “Đó là ngư trường truyền thống của chúng tôi và chúng tôi thường xuyên đánh bắt cá ở đây” – ông nói với báo Người Lao Động.

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã mở cuộc điều tra về vụ nổ súng nhưng các thuyền viên của tàu cá cho biết sự việc xảy ra quá nhanh, trời tối nên họ không thể đoán biết được quốc tịch của những kẻ tấn công. Sự việc xảy ra không xa đảo Palawan của Philippines cũng như bang Sabah của Malaysia. Địa điểm xảy ra vụ việc cũng có thể dễ dàng tiếp cận từ một bãi đá do Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa.

Vào thời điểm này không thể nói những kẻ tấn công đến từ đâu” – ông Vũ Thanh Ca, một cựu cán bộ cao cấp của Chính phủ, người đã dành cả sự nghiệp của mình để nghiên cứu về Biển Đông. “Họ thậm chí có thể là cướp biển.”

Viên đạn đã xuyên vào chân Quân và ông sẽ phải trải qua một số cuộc phẫu thuật và có thể sẽ phải giã từ nghề đánh cá.

Trong một vụ việc khác cách đây hai năm gần bang Kelantan của Malaysia, một ngư dân Việt Nam đã chết sau khi bị lực lượng bảo vệ bờ biển Malaysia bắn. Các thuyền viên khác trên tàu của ông đã bị Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia giam giữ với cáo buộc đánh bắt cá trái phép, nhập cảnh trái phép và cố ý giết người khi họ chống lại nỗ lực kiểm tra thuyền của lực lượng hữu trách Malaysia.

Malaysia bắt giữ hơn 400 ngư dân Việt Nam vào năm 2021. Vào tháng 6 năm nay, Malaysia đã bắt giữ 42 ngư dân Việt Nam và trả tự do cho họ sau ba tháng.

Năm 2016, Bộ Ngoại giao Việt Nam cáo buộc Hải quân Indonesia rượt đuổi và bắn vào các tàu đánh cá của Việt Nam, khiến ba thuyền viên bị thương. Sau đó, một trong số họ đã chết vì vết thương do đạn bắn.

Riêng năm 2021, Indonesia đã bắt giữ 42 tàu đánh cá Việt Nam, đánh chìm một số tàu và bắt giữ hơn 270 ngư dân Việt Nam.

Photo 2.jpeg
Các tàu thuyền nước ngoài đã bị tiêu hủy tại một hòn đảo của Indonesia sau khi bị cáo buộc đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển của nước này. Ảnh: Reuters

Biển Đông đầy sóng gió

Theo một báo cáo được Đại học British Columbia ở Canada công bố đầu năm nay, nghề cá trong khu vực ở Biển Đông ước tính mang lại doanh thu 100 tỷ USD mỗi năm, hỗ trợ sinh kế của khoảng 3,7 triệu người.

Các nhà phân tích cho rằng việc đánh bắt quá mức và biến đổi khí hậu có thể góp phần gây căng thẳng nghiêm trọng và thậm chí là xung đột vũ trang trong khu vực.

John Quiggin, Giáo sư kinh tế học tại Đại học Queensland (Úc) cho biết: “Nếu các quốc gia trong khu vực thực sự quan tâm đến thủy sản, họ sẽ đàm phán một thỏa thuận hợp lý để quản lý chúng một cách bền vững”.

Ông Quiggin tin rằng các tranh chấp và tình trạng vô luật pháp gây áp lực to lớn lên nguồn cá và các cuộc xung đột chưa được giải quyết sẽ làm tăng nguy cơ đánh bắt quá mức và cạn kiệt.

Một số quốc gia giáp Biển Đông, chẳng hạn như Trung Quốc và Việt Nam, cũng thúc đẩy đánh bắt cá như một biện pháp để củng cố tuyên bố chủ quyền của họ và điều này càng làm phức tạp thêm vấn đề.

Nếu nhìn vào các khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia trên Biển Đông, quý vị sẽ thấy các tranh chấp về quyền đánh bắt liên quan trực tiếp đến các tranh chấp về tuyên bố lãnh thổ” – nhà nghiên cứu Hoàng Việt, một chuyên gia pháp lý Biển Đông được nhiều người biết đến nói.  

“Sẽ mất nhiều năm để giải quyết các tranh chấp này” – ông nhận định.

Photo 3.jpeg
Ngư dân Việt Nam trên tàu chiến Indonesia ngoài khơi biển Natuna ở Anambas, tỉnh Kepulauan Riau, ngày 5/12/2014. Ảnh: Reuters

Sáu bên bao gồm Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan có tuyên bố chủ quyền đối với các phần của Biển Đông nhưng yêu sách của Trung Quốc bao phủ vùng diện tích rộng lớn nhất, chiếm gần 90% diện tích toàn bộ Biển Đông.

Với 800.000 tàu, cho đến nay, Trung Quốc là quốc gia có đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới. Ở Biển Đông, Trung Quốc bị cáo buộc điều hành một đội dân quân đánh cá có vũ trang để thực thi các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của họ, xua đuổi các đội tàu đánh của các nước khác.

Về phần mình, Trung Quốc đã chỉ ra cái mà họ gọi là “các hoạt động quan trọng của tàu cá Việt Nam”.

Theo số liệu theo dõi của Tổ chức Sáng kiến Điều tra Biển Đông (SCSPI) của Trung Quốc, có tổng cộng 8.140 tàu cá Việt Nam ở Biển Đông trong tháng 8/2022,  tăng đáng kể so với 6.622 trong tháng trước.

Các nhà phân tích cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần tăng cường nỗ lực để ngăn chặn tình trạng đánh bắt bất hợp pháp. Họ cũng gợi ý cần có sự hợp tác tốt hơn giữa các quốc gia ven Biển Đông để ngăn chặn các cuộc xung đột trong tương lai.

“Vì các tranh chấp về vùng đặc quyền kinh tế vẫn xảy ra nên các quốc gia láng giềng trong khu vực cần cố gắng đạt được một thỏa thuận về các vùng đánh cá chung cũng như nên tổ chức tuần tra chung để tránh hiểu lầm.” – ông Hoàng Việt nói.

Related posts