‘Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng’ có thể thay đổi hành vi ứng xử người dùng?

Tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ tại Quốc hội hôm 9 tháng 11 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng sẽ được ban hành trong năm 2020.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, đã tự giải thể, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 9 tháng 11 năm 2020 từ Hà Nội, nói:

“Tôi cũng không hiểu Bộ quy tắc ứng xử bao phủ những lĩnh vực gì? Bởi vì một Bộ quy tắc ứng xử có ý nghĩa khuyến nghị, hướng dẫn về mặt đạo đức, cách ứng xử… Nếu một cái hội nào đấy, hội của người sử dụng internet chẳng hạn, họ đưa ra Bộ quy tắc như thế để khuyên người dùng thì có vẻ hợp lý. Còn Bộ TT&TT mà đưa ra như thế thì có vẻ rất là khiên cưỡng, vì đấy chẳng phải là luật, mà cũng chẳng phải là nghị định, mà cũng không phải là thông tư… đó là những cái mà theo luật, Bộ đấy giỏi nhất có thể làm là ra một cái thông tư gì đấy. Đó là quy định về pháp lý, còn đưa ra lời khuyên như thế thì một Bộ đưa ra là hơi vô duyên.”

“Cụ thể hóa Luật An ninh mạng”

Nếu một cái hội nào đấy, hội của người sử dụng internet chẳng hạn, họ đưa ra Bộ quy tắc như thế để khuyên người dùng thì có vẻ hợp lý. Còn Bộ TT&TT mà đưa ra như thế thì có vẻ rất là khiên cưỡng.
-TS.Nguyễn Quang A

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông khi trả lời Quốc hội về lý do chậm trễ ban hành, giải thích Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng đã có từ tháng 4 năm 2020, nhưng chậm trễ vì vướng mắc thẩm quyền ban hành.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong bộ quy tắc ứng xử này Chính phủ yêu cầu nhà cung cấp nội dung tôn trọng pháp luật Việt Nam và tôn trọng quyền con người, trong đó có quyền trẻ em…

Vì sao có luật an ninh mạng lại phải ban hành thêm ‘Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng’?

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 9 tháng 11 năm 2020 từ Sài Gòn, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam cho rằng, Luật an ninh mạng năm 2018 có những điều chưa được rõ, ví dụ như là những việc tung tin giả, thì phải xử lý hình sự. Hay ví dụ như liên quan đến Covid-19, có người đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, thì lúng túng trong xử lý. Ông giải thích thêm:

“Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng là những quy định pháp luật, vì Luật An ninh mạng có giao cho chính phủ xây dựng, hướng dẫn, thực hiện Bộ quy tắc ứng xử, nó giống như quy tắc hướng dẫn đạo đức nghề nghiệp. Ví dụ khi sử dụng không gian mạng không được xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, không xâm phạm đời tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của một người nào đó… không được lợi dụng không gian mạng để xúc phạm, phỉ báng người khác… Do vậy phải có Bộ quy tắc ứng xử để khi xử lý, ví dụ như một cán bộ công chức, hay xử lý vi phạm hành chính với một công dân thì sẽ thuận lợi hơn, tức nó sẽ cụ thể hóa Luật An ninh mạng.”

Luật An ninh Mạng của Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2019, sau khi được thông qua tại Quốc hội Việt Nam vào tháng 6 năm 2018. Luật này tăng cường sức mạnh cho chính phủ trong biện pháp giám sát hệ thống thông tin và truyền thông ở Việt Nam, chặn và xóa nội dung dữ liệu trực tuyến.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
RFA Edited

Việt Nam nằm trong số các quốc gia ở Đông Nam Á thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường kiểm soát internet. Những thay đổi chính sách trong lĩnh vực quản trị mạng được chính phủ đưa ra với nhiều lý do, bao gồm mong muốn được cho là để bảo vệ đất nước tốt hơn, loại trừ các mối đe dọa an ninh mạng từ nước ngoài, buộc dữ liệu được lưu trữ trong nước để thúc đẩy sáng kiến nội địa… Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, tất cả đều là mong muốn kiểm duyệt internet dễ dàng hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định thêm:

“Tôi nghĩa thật sự ở đây có hai vấn đề thật sự khác biệt nhau. Một là làm sao để giáo dục người dân có ứng xử trên mạng một cách văn minh. Thí dụ như phải cân nhắc khi chia sẻ những thông tin mà mình không kiểm chứng được, hoặc né đưa ra những nhận xét, xác nhận mà không có cơ sở. Tôi đấy là những việc nên làm và xã hội dân sự phải đóng góp. Còn về vấn đề người ta lợi dụng Luật An ninh mạng để đàn áp bắt bớ những người bất đồng chính kiến là chuyện hoàn toàn khác. Bởi vì những người nêu chính kiến của mình một cách độc lập, nhưng nếu họ không thích thì họ vinh vào chuyện đụng đến an ninh quốc gia. Và thật sự họ muốn bắt bất kể ai là họ chụp lên đầu người đấy những điều luật mơ hồ như vậy.”

‘Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng’ sẽ gây khó cho dân?

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng khi thông báo ‘Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng’ sẽ được ban hành trong năm 2020… đã không nhấn mạnh đến vấn đề an ninh quốc gia như Luật An ninh mạng. Ông Hùng chỉ nhấn mạnh việc người dùng mạng xã hội và nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải hướng dẫn trẻ em và trẻ vị thành niên dùng mạng xã hội an toàn, lành mạnh…

Tuy nhiên dư luận trên mạng xã hội lo ngại, với nhiều quy định ngày càng cự thể, chi tiết… sẽ gây khó khăn cho người sử dụng cũng như nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội.

Ông Diệp Quang Văn, giám đốc một công ty công nghệ tin học, sở hữu trang mạng xã hội Việt Nam Ta, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 9 tháng 11 năm 2020 từ Việt Nam, cho biết ý kiến về việc này:

“Đưa ra Bộ quy tắc ứng xử như vậy nhưng cũng chưa biết rõ nội dung ra sao. Nói chung lời nói đó cũng hơi chung chung, chưa biết cụ thể nó sẽ ra sao, mình cũng đang ngóng nhưng chưa biết phán đoán thế nào? Nói về sự ràng buộc thì trong một giới hạn nào đó cũng sẽ có sự ràng buộc. Ví dụ như người sư dụng bị bắt buộc khi tham gia phải đang ký nhiều thứ thì đương nhiên sẽ bị hạn chế, đối tượng tham gia sẽ ít đi, có những cái người ta không vào được chẳng hạn…”

Những người nêu chính kiến của mình một cách độc lập, nhưng nếu họ không thích thì họ vinh vào chuyện đụng đến an ninh quốc gia.
-TS. Nguyễn Quang A

Với câu hỏi, liệu có phải chính phủ Việt Nam ngày càng gia tăng kiểm soát internet vì lo ngại sự phát triển của mạng xã hội. Một người dân ở Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an ninh, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, cho biết cô nghi ngờ về nguồn gốc của những thông tin sai lệch trên mạng xã hội:

“Căn bản Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền nhưng bị phản tác dụng với dân, nên vừa rồi khi ra dự luật An ninh mạng người ta phản đối rất nhiều. Thêm nữa họ (chính phủ) lên mạng tung những bài báo nói là dùng mạng xã hội lừa đảo, cắt cổ, những thông tin sai lệch thế này thế kia nhưng thực sự ra thì bây giờ là thời buổi 4.0, bất kỳ ai cũng có thể là nhà báo, đó là lý do vì sao mạng xã hội phát triển.”

Vào ngày 23/6/2020, Tổ chức phi chính phủ về nhân quyền có tên Dự án 88 (Project 88) đã công bố báo cáo cho biết, chính quyền Việt Nam trong năm 2019 đã gia tăng việc đàn áp, kết án tù với nhiều người chỉ vì họ bày tỏ ý kiến một cách ôn hoà trên mạng về các vấn đề kinh tế và xã hội.

Báo cáo còn cho biết trong năm 2019, có 41 người ở Việt Nam bị bắt giữ vì các hoạt động ôn hoà của họ. Con số này thấp hơn con số 148 người bị bắt giữ trong năm 2018 khi nổ ra những cuộc biểu tình lớn tại nhiều nơi ở Việt Nam để phản đối dự luật Đặc khu và luật An ninh mạng.

Theo Project 88, trong số 41 người bị bắt giữ trong năm 2019, 22 người bị bắt giữ với các cáo buộc liên quan đến bày tỏ ý kiến, 19 người bị bắt vì các hoạt động chống tham nhũng, tiếp theo là các cáo buộc khác liên quan đến dân chủ, nhân quyền.

Điểm đáng chú ý là trong số những người bị bắt giữ trong năm 2019 có cả những người vốn không có bề dày hoạt động xã hội hay tham gia bất cứ tổ chức hay đảng phái nào mà chỉ đơn thuần là những người bày tỏ ý kiến của mình trên mạng. Đây là điểm khác biệt lớn so với những năm trước đây.

Vấn đề hành vi ứng xử của con người không thể ngày một ngày hai mà hình thành được. Đó là kết quả của quá trình giáo dục từ khi còn nhỏ trong gia đình và qua môi trường giáo dục nhà trường, trong cộng đồng, xã hội mà người đó được dự phần.

Related posts