Canh tác theo phương pháp thẳng đứng: có thể phát triển đại trà?

Công ty cổ phần Orlar Việt Nam đang áp dụng công nghệ canh tác vườn thẳng đứng trong trồng trọt ở Tây Nguyên. Mục tiêu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm tươi, an toàn và sản phẩm địa phương.

Mô hình canh tác vườn thẳng đứng là phương pháp trồng trọt thường không sử dụng đất hoặc ánh sáng tự nhiên, cây được trồng trên các trụ hoặc các khay xếp theo chiều thẳng đứng và được đặt trong một tòa nhà với môi trường được kiểm soát.

Mô hình này hiện tại có thể sản xuất 20 tấn rau cao cấp trên mỗi héc-ta mỗi tháng. Trong đó, công nghệ sử dụng các hệ thống tháp trồng gồm khoảng 14.000 tháp trong nhà kính rộng 1,1 ha.

Có tất cả hơn 26 loại cây trồng chủ yếu gồm rau diếp, rau cải thìa, hoa ăn được, rau thơm, cà chua, cải xoăn và dâu tây.

Chia sẻ về phương pháp canh tác hiện đại này, anh Vĩnh Phú, quản lý Nông trại Orlar, giới thiệu với phóng viên RFA về những mặt tiến bộ so với phương pháp khác:

“Về sử dụng nguồn tài nguyên ít hơn thủy canh, về mặt năng lượng, lượng nước sử dụng tối ưu gần như thủy canh, ưu điểm của nó là sử dụng ít năng lượng hơn thủy canh, sử dụng ít máy bơm hơn.

Ưu điểm thứ hai của hệ thống về công nghệ là môi trường bên trong giá thể sạch, kiểm soát bệnh tật dễ hơn, không có bệnh rễ. Môi trường giá thể sử dụng một loại đá có thể giữ được chất dinh dưỡng tốt hơn từ đó cho ra những sản phẩm giàu dinh dưỡng hơn, giữ được tài nguyên sau khi thu hoạch lâu hơn.”

Orlar sử dụng hệ thống được thiết kế để loại bỏ hoặc giảm đáng kể việc sử dụng các đầu vào khác nhau như chất nền, hóa chất tổng hợp và ánh sáng nhân tạo. Công ty không sử dụng phương tiện trồng trọt dùng một lần, thu giữ 100% chất dinh dưỡng, sử dụng nước hiệu quả gần 100% và sử dụng 0,05% năng lượng của các hoạt động canh tác thẳng đứng khác.

Công nghệ giúp kiểm soát dư lượng hóa chất, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước và sử dụng ít diện tích đất hơn so với phương pháp truyền thống.

Ông Dương Đăng Khoa, kỹ sư nông nghiệp, hiện đang công tác tại Hậu Giang, nhận định về tiềm năng của mô hình này trong tương lai, ông nói.

“Mô hình này áp dụng để sản xuất thì phải cỡ nhà kính như Đà Lạt mới đủ để hòa vốn có lời. Đầu tiên nghe qua thì rất tiềm năng nhưng để ứng dụng thì hơi khó.

Phải áp dụng quy mô công nghiệp mới có lời do đầu tư nặng vốn ban đầu, đòi hỏi kỹ thuật chuyên canh. Nếu áp dụng cho vùng miền Tây có thể gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí lỗ nặng.”

Một nông dân (giấu tên) tại huyện Củ Chi, TP.HCM, cho biết ý kiến khi được hỏi  về một phương pháp mới như thế:

“Hồi đợt thì có qua vườn nhà người ta, thấy có trồng kiểu giống vậy, trồng trên sân thượng bọc bạt lại. Mà trồng ít ít ở nhà chơi thôi, người ta có bán sẵn túi dung dịch trồng pha sẵn với hệ thống bơm, đèn đồ luôn. Thấy tốn kém với kỳ công lắm. Không biết áp dụng quy mô lớn thì làm sao.”

Quản lý nông trại Orlar tỏ ra tự tin về khả năng phát triển của phương pháp canh tác rau mới của công ty.  Ông tiết lộ có nguồn vốn dồi dào từ nước ngoài đang tập trung phát triển vào các tỉnh như Gia Lai và vùng Đồng bằng sông Cửu Long:

“So với những nông dân bên ngoài, nó sẽ cho sản lượng cao hơn mặc dù số tiền đầu tư ban đầu cũng khá là nhiều. Tuy nhiên nó có thể trồng được những cây như dâu, hoặc là những cây có giá trị cao hơn như hoa, mấy cây đó có thể kết hợp với công nghệ làm rễ đang phát triển để đưa những cây đó xuống những vùng thách thức giống như Đồng bằng sông Cửu Long, những vùng đang bị nhiễm mặn với lại ngập mặn.”

Orlar Việt Nam là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đến từ Úc thành lập năm 2017, hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ hiện đại để sản xuất rau quả sạch và không gây phát thải nhà kín.

Các sản phẩm của Orlar được cung cấp cho hơn 280 khách sạn, nhà hàng, hơn 90 siêu thị, cửa hàng tạp hóa và các nhà phân phối. Đồng thời, Orla cũng đang có dự định mở rộng mô hình đến Đồng bằng sông Cửu Long.

Tháng 10 vừa qua, Đài Loan cũng vừa áp dụng mô hình tương tự tại thành phố Đài Bắc của nước này bằng cách biến các ga tàu điện không sử dụng thành các trang trại thông minh.

Phương pháp canh tác thẳng đang được thế giới đánh giá là phương pháp canh tác “xanh” phù hợp trong tình hình biến đổi khí hậu.

Related posts