Câu chữ mơ hồ lại xuất hiện trong văn bản Nhà nước

Định tính hay định lượng?

Sự việc mới đây nhất xảy ra hôm 23 tháng sáu năm 2021, khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký Quyết định số 758/QĐ-BNV ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ.

Mục đích Bộ quy tắc này được cho là nhằm nâng cao văn hóa công vụ, hình thành phong cách ứng xử chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ. Đó cũng được coi là cơ sở để mỗi cá nhân cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tự điều chỉnh hành vi của mình nhằm đạt tới các giá trị văn hóa.

Tuy nhiên, ngoài quy định về trang phục, tác phong, lề lối, nơi làm việc, cũng như những quy định trong ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là phải ‘tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; không vướng vào tư duy nhiệm kỳ’, còn có cách ứng xử của công chức, viên chức và người lao động không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Với đối tượng này, bộ qui tắc qui định ‘không được lợi dụng việc phát biểu ý kiến, việc góp ý, phê bình làm tổn hại đến uy tín của cán bộ lãnh đạo, quản lý và đồng nghiệp; không nịnh bợ cấp trên lấy lòng vì động cơ không trong sáng’.

Lần này, trong quy định của công chức về cách ứng xử cũng mang tính định tính thôi chứ cũng chưa mang tính định lượng nên nó cũng chỉ mang tính nhắc nhở hoặc tạo nên dư luận để ngăn chặn, hạn chế những biểu hiện đó, chứ thực ra những vấn đề như ‘tư duy nhiệm kỳ’ hay ‘nịnh bợ cấp trên’ thì rất khó để phát hiện hay quy kết – Ông Lê Văn Cuông

Câu chữ xác định hành vi vi phạm trong Bộ qui tắc bị cho là cảm tính. Ông Lê Văn Cuông – nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa hôm 28 tháng sáu giải thích về điều này với RFA:

“Nhìn chung, những vấn đề phát sinh trong cuộc sống nó tạo ra nhiều thứ khiến người dân không đồng tình và yêu cầu các cơ quan Nhà nước phải nghiên cứu để hạn chế những biểu hiện mà phát luật chưa cụ thể hóa và chế tài để ngăn chặn.

Lần này, trong quy định của công chức về cách ứng xử cũng mang tính định tính thôi chứ cũng chưa mang tính định lượng nên nó cũng chỉ mang tính nhắc nhở hoặc tạo nên dư luận để ngăn chặn, hạn chế những biểu hiện đó, chứ thực ra những vấn đề như ‘tư duy nhiệm kỳ’ hay ‘nịnh bợ cấp trên’ thì rất khó để phát hiện hay quy kết nhưng nó lại là những bức xúc trong cuộc sống hiện nay.”

Theo ông Lê Văn Cuông, có những vấn đề xảy ra trong xã hội nhưng để đưa vào quy định thì cần phải có những nghiên cứu kỹ hơn hoặc phải có những quy định mang tính chất lượng hóa, tránh trường hợp mang tính định tính như một số quy định trong văn bản vừa được Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà ký ban hành và có hiệu lực ngay từ ngày ký.

Còn chuyện ‘tư duy nhiệm kỳ’ là thứ không thể nhìn thấy nên cũng rất khó mà phê bình, nhắc nhở hay kỷ luật vị cán bộ nào mang tư duy như thế.    

Cùng vấn đề trên, Bác sĩ Đinh Đức Long, đứng ở góc độ là một người lao động, nhận định:

“Có lẽ những nội dung đấy chưa bao giờ có trong văn bản chính thức của Nhà nước cả. Nó hoàn toàn mang tính chất cảm tính chứ không lượng hóa. Nó phải cụ thể, có những tiêu chí thế nào là nịnh.

Thí dụ ông đại biểu quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Trí, trước làm Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương khen ông Nguyễn Phú Trọng thì có bị coi là nịnh không? Rất khó xác định mà phải lượng hóa bằng những tiêu chí cụ thể.

Thứ hai, chính những cái mơ hồ này dễ bị lợi dụng để quy chụp người khác. Cùng một sự việc có thể bị cho là nịnh, cũng có thể được cho là phản ánh khách quan, đúng hiện thực. Cho nên, từ ngữ càng mơ hồ thì càng dễ cho người lãnh đạo muốn làm gì cũng được. Họ làm theo ý họ và họ diễn giải theo ý họ. Làm sao biết thế nào là nịnh, thế nào là không?!”

Câu khen ngợi ông Trọng của ông Trí hôm 29 tháng ba năm 2021, tại phiên thảo luận, cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 như sau: “Cảm động vô cùng với một vị Tổng bí thư, Chủ tịch nước có “mái đầu bạc trắng hiên ngang”, với “gánh sơn hà nặng trĩu hai vai”, là trung tâm đoàn kết, là ngọn cờ tập hợp, là người khơi nguồn tự hào dân tộc. Nhân dân đã vô cùng cảm kích khi nghe báo cáo và biết được những công việc đối nội và đối ngoại mà Chủ tịch nước đã làm được trong thời gian qua.”

Tại thời điểm đó, câu nói của ông Trí bị dư luận cho là ‘đỉnh cao của nịnh nọt’.

Đã từng xuất hiện

Có thể nói, đây không phải lần đầu những câu chữ, khái niệm mơ hồ hiện diện trong các văn bản, quyết định của Chính phủ.

Đơn cử, trong năm 2017, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về các sai phạm liên quan đến vụ ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giúp bà Quỳnh Anh thăng tiến thần tốc có đưa ra khái niệm “nâng đỡ không trong sáng”.  

Cụm từ này được ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương gọi là thuật ngữ. Ông giải thích, không trong sáng tức là đen tối. Tức là mờ ám. Mà những việc làm mờ ám là những việc làm xấu xa. Nói như thế cũng là cách diễn đạt một cách tinh tế thôi. Không trong sáng có nghĩa là đen tối, xấu xa.

Cùng một sự việc có thể bị cho là nịnh, cũng có thể được cho là phản ánh khách quan, đúng hiện thực. Cho nên, từ ngữ càng mơ hồ thì càng dễ cho người lãnh đạo muốn làm gì cũng được. Họ làm theo ý họ và họ diễn giải theo ý họ. Làm sao biết thế nào là nịnh, thế nào là không?! – Bác sĩ Đinh Đức Long

Với các câu nói bị cho là ngớ ngẩn của các quan chức Chính phủ, hay những câu chữ mang tính cảm tính, mơ hồ trong các văn bản của Nhà nước những năm qua, nhiều người cho rằng, một phần do trình độ của các quan chức có hạn, một phần đó là cái bẫy vô hình để kết tội ai đó khi cần thiết.

Một ví dụ là Điều 331, tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” trong Bộ Luật hình sự 2015 (tức Điều 258 tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” trong Bộ Luật Hình sự cũ). Đây là  điều luật bị quốc tế lên án là mơ hồ, thường dùng để kết tội những người dám chỉ trích chính quyền.

Trong xã hội Việt Nam hiện nay, người dân không được tự do lựa chọn người có năng lực quản trị đất nước. Bầu cử chỉ là hình thức. Khi thiết chế dân chủ không được xác lập mà còn duy trì “đảng cử dân bầu” thì hiện tượng các quan chức phát biểu những câu thiếu suy nghĩ, phát biểu như cái máy sẽ còn tồn tại.

Related posts