Chỉ thị bí mật và các cuộc đàn áp làm tê liệt xã hội dân sự ở Việt Nam

Những năm gần đây, Bình đã quen sống trong trạng thái sợ hãi thường trực. Giống như nhiều người làm việc trong lĩnh vực xã hội dân sự ở Việt Nam, người phụ nữ 44 tuổi này luôn ám ảnh rằng: Cô có thể bị bắt giam vào một ngày bất kỳ nào đó, đơn giản chỉ vì đi làm.

“Tất cả mọi người bây giờ đều trở nên cảnh giác” – cô nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong một cuộc trao đổi qua điện thoại vào tháng 11 vừa qua. “Những người tôi biết đã bị bắt giữ vì những lý do không rõ ràng”. 

Bình, người đã yêu cầu chúng tôi sử dụng tên giả vì lý do an ninh, đã làm việc hơn 20 năm trong lĩnh vực trợ giúp nhân đạo cho một số tổ chức cả trong nước và quốc tế ở Việt Nam. Ở mỗi tổ chức này, cô đều đã tránh được sự dọa nạt và đàn áp của Đảng Cộng sản (ĐCS) cầm quyền ở Việt Nam. Nhưng gần đây, tình hình đã trở nên tồi tệ một cách rõ rệt. 

Mặc dù làm việc cho một tổ chức phi chính phủ (NGO) quốc tế, Bình cho hay cứ ba tháng một lần, toàn bộ nhân viên của cơ quan cô thường bị triệu tập lên văn phòng Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam – cơ quan quản lý các tổ chức NGO quốc tế – để được “phỏng vấn”. 

“Họ thường hỏi chúng tôi đã đi đâu gần đây và chúng tôi đang làm gì. Điều này rất kỳ cục. Rõ ràng là họ muốn chúng tôi biết là chúng tôi đang bị giám sát” – cô nói. 

Bình cho biết, một số lần khác, công an đã theo dõi cô và đồng nghiệp khi họ xuống làm việc tại cơ sở. 

Vietnam-crackdown-directive-24-secret-order-02.jpg
Cảnh sát đứng gác bên ngoài các tòa nhà chính phủ ở Hà Nội, ngày 22 tháng 8 năm 2024. (Allegra Mendelson/RFA)

Thậm chí các cơ quan của Liên Hợp Quốc cũng bị “giám sát chặt chẽ” và o ép  – Bình, người có kinh nghiệm cộng tác với một số cơ quan của Liên Hợp Quốc (LHQ), cho biết. 

“Có những lúc người ta cắt điện và yêu cầu chủ nhà không cho họ thuê văn phòng nữa” – cô nói.

RFA đã liên lạc với Văn phòng Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam – nơi quản lý các cơ quan của LHQ  tại Việt Nam – để yêu cầu bình luận về thông tin này nhưng đã không nhận được phản hồi. 

Bình đã làm mọi thứ có thể để bảo vệ bản thân và cho đến nay những biện pháp này vẫn tỏ ra có hiệu quả. Tuy nhiên những người khác, trong đó có cả những đồng nghiệp và bạn thân của cô, đã không được may mắn như vậy. 

Theo Dự án 88, một tổ chức nhân quyền Việt Nam, trong bốn năm qua, gần một chục nhân viên của các tổ chức NGO đã bị bắt hoặc giam giữ chỉ vì làm công việc của họ. Dự án 88 cũng cho biết ít nhất bốn người trong số này hiện vẫn còn đang bị tù đày cùng với hơn 175 nhà hoạt động khác. 

Những cuộc bắt giữ này – nhiều trường hợp được tiến hành với cáo buộc trốn thuế hoặc các cáo buộc khác mà các nhà giám sát luật pháp nói là có động cơ chính trị – là một phần của một cuộc đàn áp rộng lớn hơn do chính phủ tiến hành nhằm hạn chế xã hội dân sự ở Việt Nam. 

Hàng loạt các quy định mang tính bóp nghẹt, rất nhiều trong số đó được giấu kín, đã tạo cơ sở cho nỗ lực thắt chặt quyền lực của ĐCS.

Một trong số đó và có thể xem là hà khắc nhất, là Chỉ thị 24 – được ban hành tháng 7/2023. Trong bối cảnh Việt Nam đang gia tăng toàn cầu hóa, văn bản này lại coi tất cả các hoạt động hợp tác với nước ngoài là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. 

Chỉ thị bí mật mà Dự án 88 tiếp cận được vào hồi đầu năm 2024 này chưa bao giờ được chính quyền Việt Nam công bố. Văn bản này cung cấp thông tin chi tiết về sự phản đối của nhà cầm quyền Việt Nam với quyền tự do biểu đạt, viện trợ quốc tế, công đoàn và thậm chí với việc đi nước ngoài. Theo giới chuyên gia, tác động của chỉ thị này là việc hình sự hóa một cách hiệu quả các hoạt động vận động chính trị, xã hội. 

Tháng 10 vừa qua, chính phủ đã củng cố những biện pháp này bằng Nghị quyết 126 – một văn bản đã bổ sung thêm những hạn chế đối với việc thành lập bất kỳ loại hình hội nhóm nào ở Việt Nam. 

Đàn áp được triển khai cùng với chiến dịch chống tham nhũng rộng khắp khiến phần lớn xã hội dân sự rơi vào bế tắc. Bầu không khí sợ hãi gia tăng, vì vậy, các chính trị gia không sẵn sàng thông qua các dự án và kinh phí. 

Trong bốn tháng qua, RFA đã trao đổi với hơn một chục nhà hoạt động, nhân viên các tổ chức NGO, các nhà tài trợ quốc tế, các nhà ngoại giao và các chuyên gia để tìm hiểu xem các chỉ thị, mệnh lệnh của chính quyền và các cuộc đàn áp sau đó đã được tăng cường như thế nào và ảnh hưởng của chúng đối với những người làm việc trong lĩnh vực xã hội dân sự ở Việt Nam. 

Lo sợ về ảnh hưởng của nước ngoài

Xã hội dân sự không phải lúc nào cũng là mục tiêu đàn áp của chính phủ Việt Nam. Một thập kỷ trước, rất nhiều người đã có cái nhìn lạc quan hơn nhiều. 

Nguyễn Tiến Trung, một nhà hoạt động dân chủ hiện sống tại Đức, từng bị bắt vào năm 2009 vì chống đối ĐCS. Ông nói rằng ông được ra tù 5 năm sau đó – vào thời điểm mà sự hỗ trợ đối với xã hội dân sự khác xa so với hiện nay. 

“Khi tôi được ra tù vào năm 2014, các tổ chức xã hội dân sự mọc lên như nấm ở Việt Nam. Rất nhiều tổ chức, cả đã đăng ký và không đăng ký [hoạt động] với chính quyền cộng sản Việt Nam, đều hoạt động tự do thoải mái” – ông Trung nói. 

Vietnam-crackdown-directive-24-secret-order-04.jpg
Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung, trong một bức ảnh không ghi ngày tháng. (Trung Nguyen Tien)

Nhưng vào khoảng năm 2016, tình hình bắt đầu thay đổi. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố nghỉ hưu và ông Nguyễn Phú Trọng, người khi đó là Tổng Bí thư ĐCSVN, tái đắc cử cho nhiệm kỳ thứ hai. Ông Trọng đã qua đời vào giữa năm nay. 

Không giống như ông Dũng – người tương đối  thiện cảm với xã hội dân sự – ông Trọng có một cách tiếp cận rất khác. Ông không đồng tình với các mối quan hệ nồng ấm, thân thiện mà ông Dũng đã xây dựng với phương Tây và bắt đầu triển khai một loạt các biện pháp để hạn chế ảnh hưởng của nước ngoài. 

Việt Nam có mạng lưới các tổ chức hoạt động ở nhiều cấp độ khác nhau, từ các nhóm không chính thức, không đăng ký ở cấp địa phương tới những tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGOs) lớn như Save the Children hay Oxfam. 

Hầu hết các tổ chức NGO quốc tế đăng ký hoạt động với Bộ Ngoại giao trong khi các tổ chức NGO trong nước lại đăng ký với Bộ Khoa học và Công nghệ. Những biện pháp được đưa ra dưới thời ông Trọng nhắm vào mục tiêu tăng cường sự quản lý giám sát của chính phủ đối với các tổ chức này. 

Bắt đầu từ năm 2020, chính phủ Việt Nam đã đưa ra một loạt các nghị định và quyết định để ngăn chặn tiếp cận đối với các nguồn tài trợ nước ngoài và gia tăng việc kiểm soát thông qua cái mà hai báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc gọi là “những đòi hỏi nặng nề quá đáng” cho các hoạt động. 

“Các lãnh đạo ĐCS muốn duy trì sự độc quyền về quyền lực của họ. Họ lo ngại rằng  ảnh hưởng của nước ngoài có thể làm mất ổn định quyền kiểm soát của họ. Các tổ chức NGO quốc tế và các thể nhân/tổ chức nước ngoài thường quảng bá, thúc đẩy các giá trị dân chủ và nhân quyền – điều mà ĐCS xem là những mối đe dọa đối với chế độ độc đảng cầm quyền của mình” –  ông Trung, nhà hoạt động dân chủ nói. 

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, các quan ngại đặc biệt tập trung vào những ảnh hưởng của phương Tây trong khi các nước, ví dụ như Trung Quốc và Nga là “những hình mẫu cho Đảng Cộng sản [Việt Nam] noi theo”. 

Các  bộ ngành quản lý các tổ chức NGO ở Việt Nam đã không hồi đáp những đề nghị bình luận của RFA cho bài viết này. 

Không gian bị bóp nghẹt

Trong môi trường hoạt động này, vô số tổ chức phi chính phủ đã phải đóng cửa trong những năm gần đây. 

Trong số đó có Towards Transparencey, một chi nhánh của tổ chức Transparency International toàn cầu, đã phải đóng cửa vào cuối năm 2021 do những quan ngại về an ninh. Không lâu trước đó, chính quyền thành phố Hà Nội đã tước tên miền trang web của tổ chức này – điều mà nhiều người xem là một động thái đe dọa sau khi website này đăng tải một tấm bản đồ thiếu các đảo ở Biển Đông [mà Việt Nam, Trung Quốc và một vài nước trong khu vực] đang tranh chấp chủ quyền. 

Vietnam-crackdown-directive-24-secret-order-03.jpg
Hội nghị triển khai Chỉ thị 24, tại Hà Nội ngày 21/12/2023. (Bộ Công an Việt Nam)

Trung tâm Phát triển Cộng đồng LIN – một mạng lưới mang tính đầu mối của 400 tổ chức phi lợi nhuận đã công bố sẽ đóng cửa vào tháng 1/2023 mà không nêu lý do cụ thể và Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ (SENA) đã buộc phải giải thể vào tháng 7/2023 – một năm sau khi giám đốc của họ bị bắt và cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” vì đã gửi các góp ý xây dựng ĐCS. 

Chính quyền cũng nhắm vào các cá nhân, tiêu biểu bằng việc sử dụng luật thuế. Luật lệ xung quanh vấn đề chiếm dụng thuế hiện khá mơ hồ và có thể bị lợi dụng để truy tố bất cứ ai mà chính quyền muốn ngăn chặn – ông Trung nói. 

Kết quả là “nỗi sợ hãi bị bắt giữ bởi cáo buộc ‘trốn thuế” đã tạo ra sự cẩn trọng, nếu không muốn nói là sự tê liệt hoàn toàn trong lĩnh vực này” – ông nói. 

Một trong những vụ án nổi nổi bật nhất trong những năm gần đây là việc bắt giữ nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng vào tháng 5/2023. Cô đã bị kết án 3 năm tù về tội trốn thuế nhưng đã được thả sớm vào tháng 9 năm nay. 

Dự án 88 phát hiện ra rằng “Chính phủ Việt Nam có truyền thống sử dụng cáo buộc trốn thuế để truy tố những người bất đồng chính kiến mà họ không thể buộc tội một cách thuyết phục theo các điều khoản về an ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự.” 

Ông Nguyễn Quang A – một nhà hoạt động nhân quyền nổi bật ở Việt Nam đồng thời là cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển đã giải thể – nói với RFA rằng ông đã bị bắt về tội trốn thuế “ít nhất bốn hay năm lần” nhưng lý do đó thực ra luôn là cái vỏ bọc cho các vấn đề liên quan đến bất đồng chính kiến. 

Vietnam-crackdown-directive-24-secret-order-05.jpg
Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam. (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam)

Các luật khác cũng đã được vũ khí hóa. Tháng 4 năm nay, ông Nguyễn Văn Bình, khi đó là Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đã bị bắt và truy tố vì bị cho là đã tiết lộ bí mật nhà nước. 

Ông đã nỗ lực hỗ trợ nhằm mang đến cho người lao động quyền được thành lập công đoàn – một loại hình tổ chức vốn bị cấm ở Việt Nam trừ một ngoại lệ là công đoàn trực thuộc nhà nước. 

Ông Bình được xem là “đồng minh” của các tổ chức như Stitch – một tổ chức phi lợi nhuận của Hà Lan hoạt động trong lĩnh vực về quyền lao động ở Việt Nam. Việc ông bị bắt giữ được xem là “một tín hiệu cho thấy hướng mà ông đã đi không phải hướng để đi” – một nguồn tin cấp cao quen thuộc với tổ chức này nói.

Sau khi ông Bình bị bắt giữ, Stitch đã dừng hoạt động ở Việt Nam. 

“Người ta cũng lo sợ về những tác động tiêu cực vì tín hiệu đó là dành cho những người liên quan đến Stitch” – nguồn tin này cho biết.

Chiến dịch Đốt lò

Những sự đàn áp này chỉ là một mảng thách thức mà các tổ chức NGO ở Việt Nam phải đối mặt và vượt qua. Đốt lò – chiến dịch chống tham nhũng gây nhiều tranh cãi đã khiến việc có được sự phê duyệt của chính phủ đối với các tổ chức  xã hội dân sự trở nên khó hơn bao giờ hết, trong tất cả các vấn đề từ đi lại cho đến kinh phí. 

Vietnam-crackdown-directive-24-secret-order-06.jpg
Các cảnh sát chờ đợi bên ngoài một đồn cảnh sát ở trung tâm Hà Nội, ngày 17 tháng 8 năm 2024. (Allegra Mendelson/RFA)

Kể từ khi chiến dịch này được phát động vào năm 2013, chính phủ Việt Nam đã nỗ lực kiểm tra, bắt giữ các quan chức ở tất cả các cấp, bao gồm cả các thành viên cấp cao của Bộ Chính trị và các bộ trong chính phủ. Tính đến năm 2023, gần 200.000 đảng viên đã bị kỷ luật trong khuôn khổ chiến dịch này

Mặc dù chiến dịch này đã đưa Việt Nam từ vị trí 113 lên vị trí 83 về Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng nhưng nó cũng làm đóng băng cả những hoạt động hợp pháp – các nhà vận động chính sách cho biết. 

“Các quan chức không rõ là những hoạt động nào có thể khiến ai đó gặp rắc rối. Vì thế, tất cả mọi người đều luôn đề cao cảnh giác” – ông Minh, một nhà hoạt động lâu năm phát biểu. Ông cũng đã yêu cầu chúng tôi sử dụng tên giả vì lý do an toàn. 

“Tác động lớn nhất của chiến dịch chống tham nhũng là các quan chức chính phủ không muốn làm việc nữa, họ không muốn ủng hộ, tạo điều kiện cho xã hội dân sự. Họ thường giữ im lặng vì nói không thì dễ dàng hơn”. 

Điều đó có nghĩa là trong 3 năm gần đây, Việt Nam đã đánh mất khoảng 2,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài. Một tỷ USD nữa hiện đang chờ được thông qua. 

Phần lớn tài trợ đó đã được dành cho những thứ như các dự án phát triển và cơ sở hạ tầng, trong đó các cơ quan của Liên Hợp Quốc hoặc Liên minh Châu Âu (EU) đôi khi hợp tác với các tổ chức trong nước của Việt Nam. 

Một người từng là nhà tài trợ phương Tây cao cấp nói với RFA rằng rất nhiều tổ chức trong nước “không còn muốn nhận tiền [tài trợ của] nước ngoài vì việc này mang đến quá nhiều rủi ro” và do đó, họ buộc phải thu hẹp quy mô hoạt động. 

Tìm kiếm những giải pháp thay thế

Để hoạt động, các nhóm xã hội dân sự đã tìm đến một số giải pháp. Một trong những giải pháp này là đăng ký hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp xã hội – một dạng kết hợp giữa tổ chức từ thiện và doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận – thay vì là một tổ chức phi chính phủ. Cách này đã giúp một số tổ chức hoạt động dễ dàng hơn nhưng điều đó cũng có nghĩa là họ phải trả nhiều thuế hơn. 

“Họ không trực tiếp hối lộ chính phủ nhưng dành rất nhiều tiền của, công sức để vun đắp các mối quan hệ đó để tránh các vấn đề [có thể xảy ra]” – ông Bình nói.

Nhưng sự thanh thản, yên bình có được những lựa chọn này không phải là lý tưởng và nhiều khả năng chỉ mang tính tạm thời. Những người làm việc trong khu vực xã hội dân sự ở Việt Nam lo lắng rằng môi trường hoạt động của họ sẽ tiếp tục tồi tệ hơn. 

Sau khi ông Trọng qua đời vào tháng 7 năm nay, người kế nhiệm ông là ông Tô Lâm – một cán bộ lâu năm của Đảng đồng thời đã giữ những vị trí cấp cao trong chính phủ trong nhiều thập kỷ. 

Ở cương vị Bộ trưởng Bộ Công an, ông đã thực hiện nhiều hoạt động đàn áp đối với các tổ chức xã hội dân sự, trong đó có việc sử dụng tội danh trốn thuế như một cách để bịt miệng người bất đồng chính kiến. 

“Ông Tô Lâm đã làm cả đời trong ngành công an. Ông ta coi tất cả các tổ chức không nằm dưới sự kiểm soát của ĐCS là những kẻ thù tiềm năng” – ông Trung, nhà hoạt động dân chủ nói.

“Tôi không nghi ngờ việc ông ấy sẽ tiếp tục đàn áp các phong trào dân chủ và dân sự xã hội” – ông Trung dự đoán. 

Biên tập bởi Abby Seiff và Boer Deng.

Related posts