Chích ngừa được ưu tiên xét học bổng có công bằng cho sinh viên?

Hôm 9 tháng 2 năm 2022, trang web Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) ra thông báo cho hay, sinh viên nào tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi tăng cường (mũi thứ ba) sẽ được cộng điểm rèn luyện và ưu tiên xét học bổng.

Nhiều sinh viên trong nước cho rằng như vậy là không công bằng với sinh viên, bởi xét học bổng phải dựa vào học lực và sự rèn luyện của từng sinh viên chứ không phải bằng việc chích vắc- xin. Có người còn mỉa mai rằng, sinh viên khỏi cần học, chỉ cần tiêm vắc- xin là được cấp bằng tốt nghiệp. Tất cả chỉ là thành tích!

Lên tiếng với truyền thông nhà nước, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin cho hay, việc khuyến khích tiêm mũi vắc- xin tăng cường là nhằm đạt mức kháng thể cao hơn, chuẩn bị cho sinh viên học trực tiếp trở lại vào thời gian tới.

Học bổng được xét trên khả năng học của các môn mà điểm ở mức khá, giỏi hoặc trên giỏi. Ngoài ra còn dựa trên hạnh kiểm, một số thành tích thể thao hay hoạt động xã hội… Người ta sẽ cộng vào để việc đánh giá toàn diện hơn. Nhưng tất cả các đánh giá đều phải dựa trên điều căn bản nhất là học thuật. – Thạc sĩ Đinh Gia Hưng

Một số giảng viên cho rằng, việc tiêm vắc- xin và điểm rèn luyện hay xét học bổng chẳng liên quan gì đến nhau. Giảng viên Đại học Đà Nẵng, Thạc sĩ Đinh Gia Hưng nêu quan điểm của ông với RFA:

“Tôi thấy vấn đề này nó thực sự không liên quan. Họ dùng một biện pháp như vậy để đạt được mức độ tiêm chủng, tạo sức ép chích ngừa thì bản thân tôi không đồng ý. Chích ngừa thì phải theo nguyện vọng của người chích, họ muốn hay không, chứ không thể cảm thấy bị ép buộc bởi cách thức nào đó của các tổ chức. Đây là vấn đề liên quan sức khỏe chứ không phải liên quan học thuật, học bổng hay những quyền lợi khác của sinh viên.

Học bổng được xét trên khả năng học của các môn mà điểm ở mức khá, giỏi hoặc trên giỏi. Ngoài ra còn dựa trên hạnh kiểm, một số thành tích thể thao hay hoạt động xã hội… Người ta sẽ cộng vào để việc đánh giá toàn diện hơn. Nhưng tất cả các đánh giá đều phải dựa trên điều căn bản nhất là học thuật.”

Học sinh một trường đại học ở Hà Nội đeo khẩu trang phòng dịch dự lớp học hôm 2/3/2020. AFP

Ông Đinh Kim Phúc, từng giảng dạy tại Trường Đại học Mở TP.HCM nhận định:

“Cái vấn đề của các đại học của Việt Nam là từ trước đến giờ họ quy định rất nhiều thứ để cộng điểm rèn luyện; để tính vào kết quả học tập trong bốn năm chứ không chỉ chuyện chích ngừa vắc- xin ngừa COVID-19.

Nhưng mà, đã gọi là một trường đại học, tức là một nơi tập trung những tri thức, một nơi đào tạo ra những trí thức trong tương lai, mà lại quy định giữa phòng ngừa bệnh, là một vấn đề chết sống của con người, và đưa vô rèn luyện thì .. bó tay!

Không hiểu là Ban Giám hiệu của Trường Đại học Công nghệ Thông tin họ nghĩ như thế nào khi nó là tự nguyện, không có trường hợp bắt buộc. Ở Việt Nam có khẩu hiệu “sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật”, và khi Hiến pháp và Pháp luật không bắt buộc phải chích vắc-xin thì không ai được quyền gài vấn đề đó vào trong tinh thần thi đua, điểm thi đua trong quá trình đào tạo sinh viên. Nhưng mà ở mặt khác, nếu anh không chích vắc xin và bị bệnh và lây cho người khác thì vẫn có luật để chế tài cá nhân đó.

Do đó, phải nghĩ rằng một cái trường đại học mà ra một cái thông báo như thế thì rất là “ngộ”. Tôi dùng cái từ “rất là ngộ”. Đúng sai thì tôi không dám đánh giá”.

Nhưng mà, đã gọi là một trường đại học, tức là một nơi tập trung những tri thức, một nơi đào tạo ra những trí thức trong tương lai, mà lại quy định giữa phòng ngừa bệnh, là một vấn đề chết sống của con người, và đưa vô rèn luyện thì .. bó tay!…Do đó, phải nghĩ rằng một cái trường đại học mà ra một cái thông báo như thế thì rất là “ngộ”. Tôi dùng cái từ “rất là ngộ”. Đúng sai thì tôi không dám đánh giá. – Ông Đinh Kim Phúc

Chuyện chích mũi vắc- xin COVID-19 tăng cường được cộng điểm rèn luyện hay được ưu tiên xét học bổng, được coi là thêm một ‘chuyện tréo ngoe’ trong nhiều chuyện tréo ngoe từ trước đến nay trong môi trường giáo dục ở Việt Nam. Có thể nêu một ví dụ cụ thể, tối 19 tháng 9 năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin cả nước có 61 thí sinh đạt trên 29,5 điểm, tức sát điểm tối đa cho ba môn thi đại học, nhưng vẫn không đậu vào Học viện Chính trị công an nhân dân do chỉ tiêu quá ít. Trong khi đó, một số thí sinh khác lại đậu dù điểm thấp hơn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích rằng, các trường công an, quân đội có cách tính điểm xét khá phức tạp, cùng với nhiều tiêu chí, điều kiện khác nên việc đậu hay rớt ở đây không có nhiều ý nghĩa.

Cách đây hơn ba năm, trường Đại học Tài chính – Marketing ở TP.HCM ra một nội quy bị cho là lạ lùng, cách chế tài cũng lạ lùng không kém: Yêu cầu sinh viên khi đến trường phải mặc áo sơ mi, áo thun có cổ hoặc trang phục truyền thống của trường, mặc quần tây hoặc quần jeans lịch sự, váy dài đến gối, đi giày hoặc dép có quai hậu. Ngoài ra, nội quy cũng cấm sinh viên nhuộm tóc màu nổi, cạo trọc (trừ sinh viên là tu sĩ hoặc có bệnh về tóc). Sinh viên vi phạm nội quy, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị trừ điểm rèn luyện.

Những quy định riêng lẻ từ các trường đại học như thế bị nhiều người đánh giá có nguyên nhân từ căn bệnh thành tích trong giáo dục. Căn bệnh này lan tràn từ chuyện thi cử cho đến chuyện chích vắc xin.

Tại cuộc họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực vào chiều ngày 23 tháng 9 năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi: “Thi tốt nghiệp Trung học phổ thông hàng năm học sinh cả nước đậu với tỷ lệ 97-98%, liệu chúng ta có nên tiếp tục tổ chức thi?”. 

Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét:

“Về mặt toán học mà nói thì 98% đậu hay 100% đậu cũng giống nhau. 2% không có nghĩa gì cả bởi một sự sàng lọc bình thường cũng có thể cho sai số 2%. Vì thế, từ rất lâu Giáo sư Hoàng Tụy đã đề nghị bỏ thi. Nếu thi mà cứ đậu 98% thì không cần phải thi nữa. Nếu bỏ thi thì chúng ta sẽ có được rất nhiều cái lợi, tiết kiệm được hàng ngàn tỷ chứ không ít.

Nhưng ở Việt Nam thì việc bỏ thi hay không cũng sẽ tới nhưng nó tới chậm. Từ trước đến nay mọi sự thay đổi như vậy đến rất chậm. Đó là đặc trưng của xã hội. Không chỉ trong chuyện thi cử này đâu mà trong tất cả mọi thứ đều nước đến chân mới nhảy. Cái nhìn dài hạn rất hiếm”.

Căn bệnh cố hữu của giáo dục là bệnh thành tích, sính bằng cấp. Cái vòng lẩn quẩn của căn bệnh này sẽ đưa đến việc học giả bằng thật hoặc học thật, bằng thật nhưng trình độ giả. Bên cạnh đó là biết bao chuyện ‘tréo cẳng ngỗng’, ‘cười ra nước mắt’, ‘bất hợp lý’ mà một người với suy nghĩ bình thường không thể nghĩ đến chứ đừng nói đưa ra thành chủ trương tại một cơ sở giáo dục như trường đại học.

Related posts