Chính quyền thực tâm lắng nghe dân khi trả lại lư hương của Đức Thánh Trần?

Sáng sớm ngày 17 tháng 3 năm 2022, ngày diễn ra lễ khánh thành ‘Dự án chỉnh trang công viên Mê Linh và công viên bến Bạch Đằng’, người ta thấy chiếc lư hương trước tượng đài Đức Trần Hưng Đạo bị cẩu đi vào rạng sáng ngày 17 tháng 2 năm 2019 đã được trả về vị trí cũ.

Truyền thông Nhà nước cho hay, việc ‘cung thỉnh’ lư hương về chỗ cũ được thực hiện vào khuya 16 rạng sáng 17 tháng 3.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, một trong những trí thức đầu tiên lên tiếng khi chiếc lư hương bị cẩu đi cách đây hơn ba năm nêu quan điểm của ông với RFA:

Theo tôi được biết, sau khi chỉnh trang, tôn tạo xong công viên Mê Linh và tượng ĐứcThánh Trần thì chính quyền thành phố đã tổ chức cung thỉnh lư hương một cách rất trân trọng và đưa về đặt vào vị trí như đã được đặt trước đây để buổi sáng làm lễ khánh thành. Vấn đề trả lại vào ban đêm hay ban ngày thì theo tôi là không quan trọng, mà cách thức cung thỉnh lư hương và trả lư hương về chỗ cũ mới là chuyện phải nói.

Nhân đây tôi cũng nói rằng, vấn đề quan trọng nhất là thành phố đã lắng nghe nguyện vọng chính đáng của nhân dân và phản biện của các nhân sĩ, trí thức. Đây là điều rất được người dân thành phố tôn trọng và hoan nghênh.”

Hôm 17 tháng 2 năm 2019, khi một số nhà hoạt động tới tượng đài Đức Thánh Trần ở công viên Mê Linh dâng hương tưởng niệm 40 năm ngày Trung Quốc xâm lược Việt Nam thì thấy chiếc lư hương đã bị cẩu đi mất. Bí thư thành ủy TP.HCM lúc bấy giờ là ông Nguyễn Thiện Nhân.

Vấn đề trả lại vào ban đêm hay ban ngày thì theo tôi là không quan trọng, mà cách thức cung thỉnh lư hương và trả lư hương về chỗ cũ mới là chuyện phải nói. – Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc

Trả lời với truyền thông Nhà nước, Bí thư Quận ủy Quận 1 Trần Kim Yến lúc đó lý giải, việc đặt lư hương giữa công viên để thờ phụng là không đúng với tâm linh của người dân nên việc dời lư đi là bình thường. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cũng đồng tình với việc dời lư hương đi vì theo ông, “không thể để một xã hội thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề, chỗ nào cũng hương khói. Một xã hội nghi ngút hương khói là một xã hội nhộn nhạo”.

PGS-TS Hoàng Dũng nói với RFA tối 17 tháng 3 năm 2022:

“Ông Bí thư mới Nguyễn Văn Nên đã làm được việc hợp lòng dân là đặt lại lư hương trước tượng Đức Thánh Trần. Thực sự là người lãnh đạo họ cũng phải vượt qua nhiều khó khăn lắm họ mới làm được chuyện này, cho nên đầu tiên là tôi hoan nghênh. Tuy nhiên, khi họ cẩu lư hương vào đêm trước ngày 17 tháng 2 năm 2019 thì bây giờ khi trả lại họ cũng trả vào ban đêm. Cẩu đi vì lo sợ lòng yêu nước của người dân. Khi trả về, một việc làm chính đáng, cũng vào ban đêm thực ra cũng vì sợ người dân.

Tôi biết chắc chắn quyết định này đã có trước từ lâu nhưng họ không trả trước ngày 14 tháng 3, ngày tưởng niệm Gạc Ma, cho nên trong cái cử chỉ rất đáng hoan nghênh đó nó vẫn có một chút gì thật ra cũng không đường hoàng lắm.

Và một điểm nữa là sáng nay, khi diễn ra lễ khánh thành, tập trung khá nhiều lãnh đạo nhưng vắng ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư thành ủy và bà Trần Kim Yến, đương kim bí thư quận 1. Hai người này chịu trách nhiệm trong việc cẩu cái lưu hương đi. Hai người nên đến để vừa cầu cho quốc thái dân an, vừa tạ lỗi với Đức Thánh Trần và tạ lỗi với nhân dân TP.HCM. Người dân họ bao dung và Đức Thánh Trần cũng sẽ tha thứ nếu họ tạ lỗi thật lòng.”

Chính quyền luôn có cái lý của họ và người dân cũng có cái lý của mình. Nhiều người dân dẫn chứng, hàng loạt nơi có tượng cụ Hồ có lư hương trước mặt và nhiều quan chức chính phủ đến sì sụp khấn vái. Chẳng lẽ cụ Hồ thì được phép có lư hương mà Đức Thánh Trần thì không? Cho nên những lập luận của chính quyền để lý giải việc cẩu lư hương lại được coi là trò hề để dân cười.

Khi chiếc lư hương được trả lại vị trí cũ vào ban đêm, một số người dân bày tỏ trên mạng xã hội rằng đây là việc làm lén lút, không minh bạch của chính quyền thành phố.

Ông Bí thư mới Nguyễn Văn Nên đã làm được việc hợp lòng dân là đặt lại lư hương trước tượng Đức Thánh Trần. Thực sự là người lãnh đạo họ cũng phải vượt qua nhiều khó khăn lắm họ mới làm được chuyện này, cho nên đầu tiên là tôi hoan nghênh. – PGS-TS Hoàng Dũng

Cô Tuyết, người làm việc tại trung tâm quận 1 nhiều năm qua nêu ý kiến của mình với RFA:

“Họ lấy đi thì dân chúng đã chửi họ rồi nên bây giờ họ phải âm thầm trả vào ban đêm khi dân còn ngủ. Trả vào ban ngày dân chúng họ chửi chết vì cái lư hương người ta thờ phượng từ hồi nào đến giờ, mắc mớ gì nó đem đi rồi giờ nó đem về. Nó coi như trò đùa vậy đó không ngờ cộng đồng mạng họ chửi quá. Đúng ra là ông Nguyễn Thiện Nhân phải đến thắp nhang để tạ tội với Đức Thánh Trần vì ổng là người ra lệnh cẩu cái lưu hương đó đi mà.”

Truyền thống người Việt Nam vốn trọng nhân nghĩa và lễ nghĩa. Trong một bài viết khi chiếc lư hương bị cẩu đi, nhạc sĩ Tuấn Khanh đã viết rằng: “Từ năm 2019, rộ lên tin đồn về chuyện chính quyền hiện nay muốn thủ tiêu các tượng đài, miếu đền… do chế độ cũ dựng nên, bởi muốn dứt điểm quá khứ. Chuyện dời lư hương và bỏ mặc như vậy, chỉ là nằm trong chuỗi hành động… Trả lại lư hương là cách chứng minh những lời đồn tồi tệ đó không có thật, và cũng để chứng minh rằng trong chế độ hôm nay, không có chuyện quyền lực cá nhân hay sĩ diện của một quan chức có thể ngồi xổm trên linh hồn tổ tiên, và của một cộng đồng dân cư đã sống với giá trị tâm linh đó suốt bao nhiêu năm nay.”

Sau khi chiếc lư hương được trả về vị trí cũ, dưới tượng Đức Thánh Trần, rất nhiều người dân đã có mặt sau buổi lễ khánh thành để thắp nhang thể hiện lòng thành kính. Báo Thanh niên dẫn lời một người dân: “Hồi xưa tôi làm việc ở gần đây, chiều nào cũng chạy xe qua đây và thường xuyên thắp hương cho Ngài. Tuy nhiên từ ngày lư hương được chuyển đi, tôi hụt hẫng và thấy thiếu thiếu điều gì đó. Hôm nay có lại lư hương rồi, tôi ra đây thắp trong ngày đặc biệt này, cầu mong cho Sài Gòn mình luôn bình an, người Sài Gòn vượt qua mọi khó khăn, chướng ngại”.

Related posts