Chống biến đổi khí hậu ngoài vấn đề ngân sách lớn còn cần gì nữa?

Việt Nam cần 368 tỷ đô la để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2040?

Thông tin vừa nêu được Ngân hàng Thế giới WB đưa ra tại Lễ công bố Báo cáo khí hậu Việt Nam của cơ quan này tổ chức tại Hà Nội hôm 14/7/2022.

Theo Báo cáo, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới bởi biến đổi khí hậu do có đường bờ biển dài 3.260 km và nhiều vùng trũng, thấp, phân tán khắp lãnh thổ.

Những khu vực chịu tác động nhiều nhất theo Ngân hàng Thế giới là các khu đô thị, khu công nghiệp, thành phố Hồ Chí Minh và khu vực xung quanh; Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)…

Nếu không có 368 tỷ USD từ nay đến năm 2040 thì VN sẽ đối mặt hiểm họa như thế nào? Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, thuộc Viện Nghiên cứu Biển đổi Khí hậu, Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên – Đại Học Cần Thơ, giải thích với RFA hôm 15/7/2022:

“Tôi chưa biết Ngân hàng Thế giới căn cứ vào cái gì? Nếu mà nói từ đây cho đến năm 2030 thì VN sẽ chịu tác động bởi biến đổi khí hậu đối với ngành sản xuất nông nghiệp khá rõ, hay đánh bắt thủy sản… Còn những ngành khác thì cũng có nhưng mà không lớn lắm, nhưng một số nơi hơi thổi phồng lên. Ví dụ như ngành sản xuất lúa có thể đến năm 2030 – 2050 thì Việt Nam sẽ không còn đủ sức để sản xuất gạo bán ra thế giới, mà cao lắm chỉ đủ ăn trong nước. Khi đó nhu cầu sử dụng gạo cũng không cao nữa vì có thể có những thực phẩm khác thay thế. Ngoài ra, có một số cơ sở hạ tầng hay đất đai sẽ chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nhưng kéo dài chứ không phải tức thời.”

Nếu mà nói từ đây cho đến năm 2030 thì VN sẽ chịu tác động bởi biến đổi khí hậu đối với ngành sản xuất nông nghiệp khá rõ, hay đánh bắt thủy sản… Còn những ngành khác thì cũng có nhưng mà không lớn lắm, nhưng một số nơi hơi thổi phồng lên.
-Tiến sĩ Lê Anh Tuấn

Phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo khí hậu Việt Nam, ông Darryl J. Dong, quyền quản lý quốc gia về Việt Nam tại International Finance Corporation, chi nhánh khu vực tư nhân của World Bank Group cho rằng: ‘Việc thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu sẽ không dễ dàng. Cần có nguồn tài chính lớn.’

Báo cáo của WB cũng chỉ rõ, Việt Nam thiệt hại khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP, do các tác động của khí hậu. Tổng chi phí kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra có thể lên tới 523 tỷ USD vào năm 2050. Hơn 70% diện tích đất của một số tỉnh, thành phố có thể bị ngập trong vòng 80 năm nữa.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm, nguyên Trưởng khoa Quản lý Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên – Đại học Cần Thơ, khi trao đổi với RFA liên quan vấn đề này cho biết:

“Ở Việt Nam cũng đã có kịch bản về biến đổi khí hậu. Tức là mực nước biển dâng thì ví dụ khoảng 30% đất đai ven biển sẽ bị ngập, nếu mà nó ngập đúng như kịch bản như vậy thì tình hình dân mình sẽ như thế nào để có thể ứng phó. Với lại điều kiện thay đổi như vậy, ví dụ về mặt nông nghiệp phải ra sao, về thuỷ sản như thế nào, rừng như thế nào, và con người thì sao? Nói chung chuyện đó bây giờ là chuyện chung, gặp nhau thì nói rất nhiều về biến đổi khí hậu, nhưng mà cụ thể ra sao thì sự thật mà nói là cũng đang chuẩn bị thôi.”

Báo cáo của WB cũng ước tính giá trị đầu tư thêm vào các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2040 lên đến 6,8% GDP của Việt Nam mỗi năm. Nếu không có các biện pháp thích ứng kịp thời, biến đổi khí hậu có thể khiến 1 triệu người Việt Nam rơi vào cảnh cùng cực vào năm 2030.

Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, nếu phải đưa ra một con số thiệt hại thì đến nay chưa có một nhà khoa học nào ở Việt Nam thực hiện công trình này. Chủ lực của Việt Nam là sản xuất nông nghiệp, nhưng theo ông Tuấn tiên đoán, đến lúc nào đó Việt Nam sẽ không còn mạnh về nông nghiệp nữa do biến đổi khí hậu. Ông Tuấn cho biết thêm về những hỗ trợ cần thiết cho người nông dân:

“Người nông dân cần những hỗ trợ có thể từ chính phủ hay các tổ chức phi chính phủ để họ có thể đối phó biến đổi khí hậu. Nhưng theo điều tra của tôi thì biến đổi khí hậu chỉ là một phần, cái khó nhất của người nông dân là tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho những nông sản mới. Cái đó đôi khi vượt qua tầm của người nông dân, những cái này đòi hỏi hỗ trợ từ chính phủ, doanh nghiệp hoặc của các nhà kinh tế nông nghiệp. Hiện nay, như khu vực ĐBSCL mới quy hoạch tích hợp kinh tế xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2050… nhưng đòi hỏi đầu tư của chính phủ tương đối lớn, đầu tư đó còn thay đổi theo tuần từng giai đoạn, tùy theo tình hình thực tế vì có nhiều tố mình không thể chắc chắn trước như thị trường, dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh…”

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước của LHQ về biến đổi khí hậu – COP26, diễn ra ở Glasgow, Scotland hôm 2/11/2021. AFP.

Ông Alfonso Garcia Mora, Phó Chủ tịch Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Công ty Tài chính Quốc tế khi phát biểu tại Hội nghị hôm 14/7 được truyền thông nhà nước dẫn lại cho rằng, Việt Nam muốn đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao và phát thải carbon ròng bằng 0 trong 30 năm tới… thì Việt Nam phải huy động một lượng lớn vốn tư nhân. Theo ông Mora, ngoài nghiên cứu, ban hành thuế carbon hoặc các quy định liên quan tới mua bán khí thải, thì Việt Nam cần ‘xanh hóa’ lĩnh vực tài chính, thúc đẩy các dự án tăng trưởng xanh trên nhiều lĩnh vực. Ông Mora cho rằng, đây sẽ là chìa khóa để Việt Nam đạt được mục tiêu kép về phát triển và khí hậu.

Nếu ngân sách không thể đáp ứng, cũng như không thu hút được nguồn lực tư nhân… thì Việt cần những điều kiện gì để có thể có được số tiền này từ các tổ chức quốc tế?

Những tài trợ từ nước ngoài đòi hỏi Việt Nam phải có vốn đối ứng, tùy theo dự án. Ví dụ những dự án công trình đòi hỏi nhiều hơn. từ 20 đến 25%, tùy theo thỏa thuận. Còn những dự án mang tính nâng cao nhận thức người dân, hay thay đổi một số mô hình canh tác… thì thường ít hơn.
-Tiến sĩ Lê Anh Tuấn

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết thực tế ông biết:

“Những tài trợ từ nước ngoài đòi hỏi Việt Nam phải có vốn đối ứng, tùy theo dự án. Ví dụ những dự án công trình đòi hỏi nhiều hơn. từ 20 đến 25%, tùy theo thỏa thuận. Còn những dự án mang tính nâng cao nhận thức người dân, hay thay đổi một số mô hình canh tác… thì thường ít hơn. Thứ hai là VN phải thỏa mãn một số điều kiện, tùy theo cộng đồng hay các nhà khoa học đưa ra. Theo tôi được biết thì có những khoản tài trợ họ ràng buộc liên quan đến các dự án giảm phát thải khí nhà kính và những chi phí này thường lại lớn hơn chi phí mà người nông dân thích ứng được.”

Theo Tổ chức Công ước và Khung Hành động về Biến đổi Khí hậu thuộc Liên Hợp Quốc, Việt Nam có tên trong danh sách các nước đang tăng gia sử dụng nhiệt điện than. Những nước đang phát triển như Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Việt Nam hiện vẫn tiếp tục sử dụng nguyên vật liệu rẻ là than để sản xuất điện cung ứng cho nhu cầu năng lượng trong nước.

Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới đề xuất Việt Nam nên chuyển đổi mô hình phát triển bằng cách kết hợp hai lộ trình quan trọng là xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon để giúp cân bằng các mục tiêu phát triển với rủi ro khí hậu ngày càng tăng.

Phó Chủ tịch WB phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, bà Manuela Ferro khi phát biểu tại Hội nghị hôm 14/7 cho rằng, để giảm phát thải khí nhà kính, cũng như thực hiện cam kết phát thải carbon ròng bằng ‘0’ vào năm 2030, Việt Nam phải hành động mạnh mẽ ở các lĩnh vực phát thải nhiều khí nhà kính như năng lượng, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp chế biến…

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước của LHQ về biến đổi khí hậu – COP26, diễn ra tại Glasgow, Scotland hôm 2/11/2021, Việt Nam cam kết chấm dứt phá rừng vào năm 2030, giảm 30% lượng khí thải mêtan và chấm dứt mọi hoạt động đầu tư vào sản xuất điện than mới, mở rộng quy mô triển khai năng lượng tái tạo và loại bỏ điện than vào những năm 2040. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để tuyên bố này không phải là lời hứa suông.

Related posts