Chuyên gia: chuyến thăm của Putin không làm xấu đi mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ

Dù rất muốn hợp tác nhiều hơn với Nga trong lĩnh vực năng lượng và vũ khí, nhưng Việt Nam cũng rất e ngại các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây. Đó là nhận định của nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế, Thạc sĩ Hoàng Việt từ thành phố Hồ Chí Minh, sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Putin.

Thấy gì qua Tuyên bố chung

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã rời sân bay Nội Bài vào lúc 11 giờ đêm 20/6, kết thúc chuyến thăm Việt Nam.

Tân Chủ tịch nước Việt Nam – Tô Lâm, đã chủ trì lễ đón Tổng thống Nga – Putin nghi thức cấp nhà nước, với 21 loạt đại bác chào mừng. Trong chưa đầy 24 giờ đến Việt Nam, với lịch trình dày đặc, ông Putin đã gặp gỡ, làm việc với cả ba người còn lại trong tứ trụ Việt Nam, gồm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và tân Chủ tịch Quốc Hội Trần Thanh Mẫn.

Trước khi rời Việt Nam, hai ông Putin và Tô Lâm cùng nhau chứng kiến lễ ký kết Tuyên bố chung Việt Nam – Nga cùng 11 văn kiện hợp tác.

Thạc sỹ Hoàng Việt, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế, từ TPHCM, nhận định với RFA rằng những văn kiện mà hai bên đã ký kết chỉ nêu chung chung các lĩnh vực sẽ hợp tác trong tương lai chứ không nêu cụ thể cách thức tăng cường hợp tác.

Ông Hoàng Việt cho rằng Nga là bên có nhiều lợi ích hơn nhưng nhìn chung cả Việt Nam cũng đã đạt được kỳ vọng riêng của mình về chuyến thăm lần này. Ông nhận xét:

“Trong Tuyên bố chung thì thấy là một mặt Việt Nam ủng hộ Nga, nhưng mặt khác thì cũng đã nêu cao những vấn đề mà Việt Nam đã thống nhất từ trước đến nay. Trong đó nêu cao vai trò của Liên Hiệp Quốc, của luật pháp quốc tế và vai trò của công ước Luật Biển… thì đó cũng là những cái đáng ghi nhận.” 

Tuyên bố chung, được truyền thông Nhà nước loan, nêu rằng hai nước sẽ tiếp tục “trao đổi, tiếp xúc các cấp được duy trì thường xuyên, tạo nền tảng vững chắc cho việc củng cố và mở rộng hơn nữa quan hệ song phương; thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế – thương mại trên cơ sở Liên minh kinh tế Á – Âu; củng cố hợp tác trên các lĩnh vực dầu khí, năng lượng, công nghiệp, công nghệ số…; tăng cường hợp tác, tiếp xúc theo kênh đảng và tổ chức xã hội, thành lập các cơ chế và khuôn khổ hợp tác mới khi cần thiết.

Nhà hoạt động chính trị Nguyễn Tiến Trung, từ nước Đức, đánh giá các tuyên bố giữa Việt Nam và Nga có phần mang tính tuyên truyền lừa dối lẫn nhau. 

Ông Trung lấy ví dụ việc Nga ủng hộ giải quyết tranh chấp trên biển Đông một cách hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế nhưng trên thực tế là Nga chưa bao giờ lên án Trung Quốc độc chiếm biển Đông, giết hại hoặc khủng bố ngư dân Việt Nam, cũng như quân sự hóa các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở biển Đông. Ngược lại, Nga vẫn tiếp tục bán vũ khí cho Trung Quốc:

“Trước việc Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Cộng để duy trì nền kinh tế và cuộc xâm lược phi pháp ở Ukraine, tôi tin là chế độ Putin lên tiếng về biển Đông chỉ là chót lưỡi đầu môi.” 

Ngoài ra, một điểm khác trong Tuyên bố chung làm ông Trung lo ngại là việc hai bên hợp tác trong lĩnh vực an ninh thông tin quốc tế:

“Tôi tin rằng chế độ Putin sẽ giúp Đảng Cộng sản Việt Nam các công nghệ tin học để theo dõi giới bất đồng chính kiến, làm tường lửa, tung tin giả để người dân Việt Nam mất niềm tin vào chế độ dân chủ,… như Putin đang làm với người dân Nga.”

Thế khó của Việt Nam

000_34XL7NJ.jpg
Thổng thống Nga Putin và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh AFP

Theo ông Hoàng Việt, dù Việt Nam rất muốn tăng cường hợp tác với Nga nhiều hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí và đặc biệt là vũ khí. Tuy nhiên, Việt Nam lại không muốn bị trừng phạt bởi các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây dành cho Nga, sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014. Ông Việt giải thích:

“Đây cũng là thế khó của Việt Nam. Không chỉ đơn giản là chuyện muốn đi thăm hoặc không đi thăm mà Việt Nam còn rất nhiều thứ phải phụ thuộc vào Nga.

Đơn giản nhất là toàn bộ hệ thống thống vũ khí của Việt Nam gần như là mua của Nga, trước đây là 80% và bây giờ là trên 60%. Như vậy thì Việt Nam cũng phải nhường nhịn nhau rất nhiều đó là cái thế của Việt Nam.” 

Một trường hợp điển hình được nhà nghiên cứu này đưa ra là vụ Tập đoàn Power Machines của Nga đã thắng kiện Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) từ tháng 11 năm ngoái và phía công ty Nga đòi khoản tiền bồi thường khoảng 500 triệu USD.

Yếu tố chính của tranh chấp giữa Power Machines và PVN nảy sinh khi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ loại bỏ các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu), nhằm ngăn chặn việc giải quyết tài chính giữa Power Machines và PVN. Qua đó, ông Việt nhận định:

“Câu chuyện này nói để giải thích một điều là hai bên rất muốn phát triển về năng lượng. Nga muốn bán năng lượng khi mà Mỹ và phương Tây đang tìm cách cấm vận Nga. Việt Nam cũng có thể tranh thủ mua được nguồn năng lượng với giá rẻ nhưng mà thật sự tiến hành như thế nào lại là một chuyện khó. Bởi vì lệnh cấm vận nó sẽ tác động rất nhiều. 

Trung Quốc mạnh như vậy mà cũng không bao giờ muốn công khai vi phạm lệnh cấm vận để phương tây trừng phạt cả và đối với Việt Nam thì còn tệ hơn như thế.”

Theo ông Tiến Trung, về vấn đề năng lượng, các mỏ dầu khí của VN đang liên doanh với Nga trên biển Đông nằm trong vùng Trung Cộng tuyên bố chủ quyền cũng sẽ được tiếp tục. Trong ngắn hạn, Nga sẽ không vì sức ép từ Trung Cộng mà từ bỏ các liên doanh dầu khí với Việt Nam.

“Tuy nhiên, về trung hạn và dài hạn thì câu chuyện sẽ rất khác vì Nga đang dần trở thành chư hầu của Trung Cộng, phụ thuộc hoàn toàn vào  Trung Cộng để phá vỡ thế cấm vận của phương Tây.”

Quan hệ với Mỹ và phương Tây sau chuyến thăm

Trước khi ông Putin đến Hà Nội, người phát ngôn của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội nói với Reuters rằng Không quốc gia nào nên tạo cho Putin một diễn đàn để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta và mặt khác cho phép ông ta bình thường hóa hành vi tàn bạo của mình… Nếu ông ấy có thể đi lại tự do, điều đó có thể bình thường hóa những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế trắng trợn của Nga”.

Dù Mỹ lên tiếng bày tỏ quan ngại, nhưng theo ông Hoàng Việt, quan hệ Việt – Mỹ hay với các nước phương Tây sẽ không bị ảnh hưởng bởi chuyến thăm này:

“Chắc chắn là Mỹ sẽ lên tiếng để thể hiện rằng thái độ của Mỹ đối với chuyến thăm này của Putin, nhưng mà chuyện này có thể làm xấu đi mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ hay không thì tôi nghĩ là không. 

Bởi vì mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã từng trắc trở hơn rất nhiều qua bao nhiêu năm mới phát triển lên được tới ngày hôm nay và chắc chắn là Mỹ cũng hiểu được cái thế khó của Việt Nam.”

Hơn nữa, theo Thạc sĩ Hoàng Việt, Việt Nam cũng thể hiện rõ là không muốn bước chân vào liên minh bao gồm Nga, Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên, dù Nga có ý lôi kéo Việt Nam tham gia:

“Thực chất là Nga có lôi kéo, chỉ có điều là Việt Nam không dại gì mà bước chân vào cái nhóm này. Đối với Liên minh Nga, Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên thì Việt Nam hoàn toàn không thể tham gia. Đây là điều chắc chắn. Bởi vì Việt Nam đã chọn chính sách không liên minh và liên kết với một bên nào.

Đương nhiên phía phương Tây sẽ cảm thấy không hài lòng nhưng mà tôi chắc chắn là phía Việt Nam cũng sẽ cố gắng để giải thích để các quốc gia phương Tây hiểu hơn.”, ông Hoàng Việt nhấn mạnh.

Ngay sau khi Tổng thống Nga rời Hà Nội, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương – ông Daniel Kritenbrink, cũng là cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, có kế hoạch đến Hà Nội trong hai ngày 21 và 22/6 để khẳng định cam kết của Mỹ với Việt Nam trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và thúc đẩy khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do.

Nói về chuyến thăm của ông Kritenbrink, nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung cho rằng Mỹ vẫn kiên nhẫn với chính sách “ngoại giao cây tre” nước đôi của Việt Nam. Phía châu Âu cũng lên án Putin nhưng tránh nhắc trực tiếp đến Việt Nam cũng cho thấy điều tương tự:

“Đảng Cộng sản không thể “bắt cá hai tay” mãi khi xung đột giữa khối độc tài và khối dân chủ trên thế giới ngày càng dữ dội. 

Tôi tin rằng một khi có lựa chọn chiến lược tốt hơn Việt Nam trong vấn đề chống sự bành trướng của Trung Cộng trên biển Đông và nguồn cung đất hiếm thì Mỹ, các nước châu Âu, và phương Tây, sẽ bỏ qua Việt Nam.”

Related posts