Có cần thêm thời gian chuyển đổi để hoàn toàn loại bỏ hộ khẩu?

Quốc hội Việt Nam ngày 21/10 tiếp tục thảo luận một số nội dung khác nhau của  Dự thảo Luật Cư Trú sửa đổi, trong đó có phần  loại bỏ hình thức quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu để chuyển qua phương án quản lý tinh gọn hiện đại hơn.

Từ tháng 2/2020, Bộ Công An đã đề xuất sửa đổi Luật Cư Trú theo hướng bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để quản lý dân cư thông qua hình thức mã số định danh cá nhân. Việc thay đổi này được Bộ Công an cho là sẽ giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.

Tại cuộc họp vào ngày 21/10, đa số đại biểu Quốc hội tán thành việc thay thế sổ hộ khẩu bằng phương thức quản lý cư trú mới và quy định luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021 như đề xuất của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Công An, ông Tô Lâm, cũng cam kết đủ điều kiện bỏ sổ hộ khẩu bắt đầu ngày 1/7/2021.

Trong lúc nhiều đại biểu quốc hội tán thành kế hoạch gọi là kết thúc nhiệm vụ lịch sử của hộ khẩu, một số khác đề nghị duy trì việc sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022. Lý do được đưa ra là khi chưa đảm bảo các điều kiện thì cá nhân bên ngoài hệ thống các cơ quan nhà nước, người dân vẫn phải có giấy tờ nhất định để chứng minh về nơi cư trú của mình.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, bà Trần Thị Dung, trong giai đoạn hiện nay điều kiện kỹ thuật cho phép kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia với các bộ ngành, vẫn còn trong giai đoạn xây dựng, chưa được hoàn thiện nên sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để quản lý và chứng minh thông tin về nơi cư trú vẫn là điều cần thiết.

Ông Hoàng Thanh Tùng – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đồng ý nên tiếp tục duy trì quản lý sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong một khoảng thời gian nhất định đến cuối tháng 12 năm 2022, nhằm đảm bảo tính khả thi và quá trình chuyển đổi để không gây xáo trộn quá lớn trong dân.

Hình minh hoạ. Quốc hội Việt Nam nhóm họp tháng 10/2018
Hình minh hoạ. Quốc hội Việt Nam nhóm họp tháng 10/2018
AFP

Đại biểu Phạm Văn Hòa thì cho rằng việc lùi thời điểm bỏ sổ hộ khẩu không ảnh hưởng đến quyết tâm của Chính phủ.

Bỏ sổ hộ khẩu là cần thiết, bàn tới bàn lui đã nhiều, đến lúc phải làm thôi nhưng nếu thủ tục hành chính rườm rà nặng nề quá thì dân lại thêm lo, là ý kiến của ông Hồ Bảo, một cư dân Nghệ An:

Quan  trọng nhất là thời gian chứ còn tiền bạc thì không lo. Bỏ hộ khẩu rồi làm căn cước gắn chip, chuyển đổi thì phải thay đổi toàn bộ như vườn đất rồi con cái học hành rồi những quyền lợi trong đó. Rắc rối nhất là thời gian, nay họp, mai bàn, mốt hủy … Tôi ớn cái chuyện này lắm”.

Cư dân Hà Nội Đặng Ngọc Sơn, cho rằng loại bỏ hộ khẩu là điều trông đợi từ lâu, công việc có trình tự, có chuẩn bị kỹ càng:

Thông tin mà em biết thì đấy là đề xuất chờ thông qua, cái áp dụng cũng là một kho dữ liệu và một lộ trình qui hoạch lại các thứ chứ không phải ngày một ngày hai được. Thay vì một quyền sổ dày thì bây giờ mọi thứ chỉ là  một “enter” thôi”.

“Thực ra việc thu thập thông tin về hộ khẩu, về tạm trú tạm vắng, cơ sở dữ liệu phần mềm thì bên công an người ta đã tiến hành 10 năm nay rồi, họ đã chuẩn bị rất vững rồi. Em nghĩ khoảng đầu Quí 3 của năm 2021, tức rơi vào tầm tháng Bảy, thì làm được”.

Về phần anh Trần Thiện Tùng, ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh, dự án số hóa hộ khẩu  sắp tới khiến anh nhớ lâu nay bản thân đã ‘chểnh mảng’ về giấy tờ tùy thân của mình:

Ngay như Chứng Minh Thư Nhân Dân mà theo qui định  là 15 năm phải đổi thì thậm chí là em cũng chưa đi đổi bởi vì nó cũng chưa bắt buộc. Nhưng sắp tới chuyển sang mã số công dân tích hợp chip thì em mới theo dõi và thấy nếu bỏ được cái sổ hộ khẩu thì tiện cho người dân trong những thủ tục hành chính liên quan đến cư trú hoặc các thủ tục khác. Mong rằng điều đó sớm được tiến hành vì chắc chắn người dân đợi cũng lâu rồi. Nhà Nước muốn có thuận lợi trong quản lý thì bản thân người dân cũng sẽ ủng hộ nếu việc cải thiện ấy thuận lợi cho họ”.

Giải đáp những băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc Hội về thời điểm áp dụng phương thức quản lý cư trú mới, bộ trưởng Bộ Công An là ông Tô Lâm cho rằng nếu không dứt khoát được thời điểm thì sẽ rất phiền phức cho người dân cũng như cho hoạt động quản lý của các cơ quan.

Mục tiêu Luật Cư Trú sửa đổi này phải đảm bảo là không ngăn chặn quyền tự do cư trú của công dân. Luật phải xác đinh vị trí của công dân trên lãnh thổ Việt Nam, không phiền hà, phúc tạp cho người dân. – LS Nguyễn Văn Hậu

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ctịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, từng nhiều lần góp ý về vấn đề bỏ hộ khẩu, nhận định rằng Dự thảo Luật Cư Trú sửa đổi, trong đó có phần loại bỏ sổ hộ khẩu, là xu thế tất yếu của một chính phủ điện tử mà Việt Nam đang nhắm tới nên sẽ sớm được thông qua:

“Mục tiêu Luật Cư Trú sửa đổi này phải đảm bảo là không ngăn chặn quyền tự do cư trú của công dân. Luật phải xác đinh vị trí của công dân trên lãnh thổ Việt Nam, không phiền hà, phúc tạp cho người dân. Chính vì vậy khi đưa ra thảo luận thì phải dứt khoát qui định có hiệu lực về việc bỏ hộ khẩu. Do đó Bộ Công An đưa ra ngày 1/7/2021 là như vậy”.

Loại bỏ hộ khẩu tồn tại mấy chục năm là mong đợi của người dân, Luật sư Nguyễn Văn Hậu khẳng định, và khi thay đổi phương thức quản lý thì cả một hệ thống phải thay đổi, nhiều qui định khác phải đi theo chứ không chỉ có hộ khẩu.  Đây cũng là thách thức cho ngành Công An  trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý Nhà Nước:

“Bỏ hộ khẩu là xu thế tất yếu mà trong giải trình của Bộ Công An cũng nói rồi. Trong Luật cũng đã có qui định bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân. Số liệu, thống kê theo tôi được biết là Bộ Công An đã làm 90% rồi, chỉ cần khi quyết là có hiệu lực, thí dụ ngày 1/7/2020, là sớm đi vào cuộc sống”.

“Đây là nỗ lực thể hiện, xác định rõ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hộ khẩu, là cải cách rất lờn trong bộ máy hành chính Việt Nam. Luật Cư Trú trong đó có phần loại bỏ hộ khẩu sẽ chóng được thông qua”.

Tin tức trên báo chí trong nước hôm 21/10, là ngày Quốc Hội  thảo luận Dự thảo Luật Cư Trú sửa đổi bên cạnh việc loại bỏ hô khẩu, cho thấy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cũng thống nhất không nên kéo thời gian cấp căn cước công dân  quá ngày 1/7/2021.

Thường vụ Quốc Hội còn nhấn mạnh rằng Chính phủ Điện tử đã có quy định Quốc hội giới hạn thời gian 1/7/2021, bắt buộc các cơ quan quản lý đều phải phối hợp với nhau thực hiện theo đúng lộ trình đề ra.

Related posts