COP26 – Việt Nam cam kết chấm dứt chặt phá rừng vào năm 2030: làm sao để không hứa suông?

Việt Nam cùng hơn 100 quốc gia vừa cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. Cam kết vừa nói được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước của LHQ về biến đổi khí hậu – COP26, diễn ra tại Glasgow, Scotland hôm 2/11/2021.

Các quốc gia tham gia cam kết này đại diện cho hơn 85% rừng toàn cầu, nhấn mạnh vai trò quan trọng và phụ thuộc lẫn nhau của các loại rừng, đa dạng sinh học và sử dụng đất bền vững trong việc giúp thế giới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Hơn 100 quốc gia trong đó có Việt Nam cam kết làm việc chung để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030 đồng thời mang lại phát triển bền vững và thúc đẩy chuyển đổi nông thôn toàn diện. Tăng cường nỗ lực chung để bảo tồn rừng và các hệ sinh thái trên cạn khác, tạo thuận lợi cho các chính sách thương mại không làm mất rừng, phát triển nông nghiệp bền vững và công nhận nhiều giá trị của rừng, bảo tồn và phục hồi rừng, đồng thời hỗ trợ người bản địa và cộng đồng địa phương…

Hiện Việt Nam bảo vệ rừng như thế nào và thực trạng phá rừng tại nước này ra sao?

Nói về rừng ở VN thì chuyện rất dài, thật ra thì số liệu dựa vào ảnh vệ tin cho thấy diện tích rừng bao phủ ở VN có vẻ như tăng lên, nhưng cái tăng này chủ yếu là rừng trồng và rừng sản xuất, còn rừng tự nhiên đang có khuynh hướng giảm đi.
-Tiến sĩ Lê Anh Tuấn

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên – Môi trường, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do cho rằng, chủ trương chung của Việt Nam cần khẳng định là phải giữ rừng. Bên cạnh đó, cũng có thể trong những trường hợp nhất định, mà thật sự cần thiết cho nhu cầu canh tác của dân tại một vùng nào đó, thì cũng có thể chuyển một số diện tích rừng, nhất là những cánh rừng hiện nay rơi vào tình trạng nghèo kiệt không thể làm gì nữa. Ô Võ nói tiếp:

“Con số rừng của Việt Nam mà mọi người vẫn nói tới là vẫn giữ được 14,6 triệu hecta rừng, thì tôi cho rằng con số thật. Bởi vì đây là con số khi kiểm tra đất đai, đất rừng cũng có phản ảnh. Nhưng điều đáng buồn là chất lượng rừng trong 14,6 triệu hecta đất rừng này, thì chất lượng cực kỳ kém. Theo tôi nhớ, đã có đến 70% rơi vào tình trạng rừng trung bình kém, nghèo kiệt… Trong 14,6 triệu hecta đó, thì 10,3 triệu hecta là rừng tự nhiên, còn rừng trồng là 4,3 triệu hecta. Tất nhiên rừng trồng là rừng sản xuất thì việc xem xét có thể nhẹ nhàng hơn. Nhưng trong 10,3 triệu hecta rừng tự nhiên, thì tỷ lệ rừng kém chất lượng chiếm rất cao.”

Theo số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố ngày 13/4/2021, hiện trạng rừng tại Việt Nam tính đến ngày 31/12/2020 như sau: Diện tích đất có rừng bao gồm cả rừng trồng chưa khép tán là 14.677.215 hecta; trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 10.279.185 hecta và rừng trồng là 4.398.030 hecta. Trong đó, tỷ lệ che phủ là 42,01%.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu tại Đại học Cần Thơ, khi trả lời RFA hôm 9/11 cho rằng, rừng trồng và rừng sản xuất không thể thay thế rừng tự nhiên:

“Nói về rừng ở VN thì chuyện rất dài, thật ra thì số liệu dựa vào ảnh vệ tin cho thấy diện tích rừng bao phủ ở VN có vẻ như tăng lên, nhưng cái tăng này chủ yếu là rừng trồng và rừng sản xuất, còn rừng tự nhiên đang có khuynh hướng giảm đi. Những rừng trồng tập trung ở rừng ngập mặn ven biển, và lâm trường. Mà chúng ta biết rừng trồng không thể bằng rừng tự nhiên, vai trò sinh thái của rừng tự nhiên cao hơn nhiều trong việc chống sạt lở. Tuy nhiên trong vai trò VN bây giờ thì đây cũng là tín hiện chứng tỏ người dân biết đến vai trò của rừng nhiều hơn. Nhưng tôi nghĩ VN cần phải nỗ lực hơn nữa để bảo vệ rừng cho đất nước.”

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù có tiến bộ, nhưng nếu tính từ năm 2016 đến năm 2020 mỗi năm Việt Nam vẫn mất hơn 2.500 hecta rừng. Bộ này cũng thừa nhận tình trạng phá rừng tự nhiên trái pháp luật tại một số địa phương còn diễn ra phức tạp, nguyên nhân chủ yếu là người dân thiếu đất sản xuất; di dân tự do; chuyển đất rừng sang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp; khai thác gỗ tại một số khu rừng tự nhiên còn gỗ quý.

Dự án Nhà máy thủy điện Bạch Đằng ở huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, chỉ có công suất 5MW nhưng cũng lấy đi 46,96ha rừng. Courtesy tainguyenmoitruong.vn

Thạc sĩ lâm nghiệp Nguyễn Huỳnh Thuật, người sáng lập Rừng Gọi và Nhóm Yêu Quí Động Vật Cát Tiên ở Đồng Nai, khi trả lời RFA nói:

“Rừng khắp nơi của Việt Nam bị tàn phá bởi các công trình xây dựng, khai khoáng hoặc thủy điện. Cái thứ hai là mở đường đi xuyên, thứ ba là xây dựng các chuỗi nhà hàng khách sạn, thứ tư là làm cáp treo, thứ năm là việc khai thác cát và thứ sáu là chuyển đổi những khu rừng nguyên sinh để làm rừng công nghiệp như vườn cao su và cà phê chẳng hạn. Nếu làm thủy điện ở những vùng có rừng thì mình sẽ phá rừng, các dòng sông làm thủy điện có độ dốc tương đối cao. Nếu làm như vậy mình phải hy sinh môi trường, đặc biệt là đa dạng sinh học.”

Trong khi cần hạn chế chuyển đổi đất rừng, thì vào trung tuần tháng 10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã đại diện Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất cho phép Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các dự án mà không phải trình Thủ tướng chấp thuận.

Theo quy định pháp luật đất đai hiện hành, thẩm quyền quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa hai vụ trở lên với quy mô từ 10 hecta đến dưới 500 hecta và đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô trên 50 hecta thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch thuộc về Thủ tướng Chính phủ.

Trở lại cam kết của chính phủ Việt Nam về việc chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại vấn nạn tham nhũng, hay việc các tập đoàn kinh tế lấy đất rừng phát triển du lịch… sẽ cản trở Việt Nam thực hiện cam kết này.

Đơn cử như hoạt động tàn phá môi trường tại Vườn quốc gia Bà Nà và Tam Đảo của tập đoàn Sun Group bị báo chí phanh phui thời gian qua. Hay dự án sân golf, khu phức hợp tại rừng thông thuộc thị trấn Đắk Đoa, xã Tân Bình và xã Glar, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai của Tập đoàn FLC. Trong đó thực hiện chuyển mục đích sử dụng 155,93 hecta rừng sản xuất sang mục đích khác để thực hiện dự án.

Đã có rất nhiều cam kết của VN, nhưng đôi khi thực hiện không như mong muốn lúc cam kết. Cũng có nhiều dự án của chính phủ và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ cộng đồng địa phương trồng lại rừng… nhưng tôi lo ngại tốc độ trồng rừng và tốc độ phá rừng không cân bằng với nhau.
-Tiến sĩ Lê Anh Tuấn

Liên quan vấn nạn này, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết:

“Nhiều nhà khoa học rất lo ngại đôi khi chủ trương chung của nhà nước là bảo vệ rừng, nhưng thực tế các địa phương có những dự án của những tập đoàn hay của những nhà đầu tư khác nhau, khi khai thác đất ảnh hưởng đến diện tích rừng. Mặc dù về luật cho phép khi lấy đất rừng có xin phép và phải trồng bù đủ lại diện tích rừng, nhưng chúng tôi cho là đây không phải là giải pháp tốt. Bởi vì như tôi đã nói, rừng trồng không thể bằng rừng tự nhiên, do đó những nhà bảo vệ môi trường và các nhà khoa học tiếp tục phản ảnh chính phủ về thực trạng này… Yêu cầu chính phủ phải rất thận trọng trong việc cấp phép những dự án động chạm đến tự nhiên.”

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết, ngay cả bản thân ông cũng phản đối rất mạnh mẽ những dự án động đến rừng nhiều như dự án làm sân gofl chẳng hạn, ông Tuấn cũng không muốn tiếp tục những dự án thủy điện ảnh hưởng đến diện tích rừng… Tiến sĩ Lê Anh Tuấn muốn các nhà khoa học kết hợp với truyền thông để thức tỉnh chuyện này, để các quan chức địa phương hiểu hơn vấn đề nhận cái lợi rất nhỏ nhưng cái hại về xả hội và tự nhiên rất lớn, không thể bù đắp được. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nói tiếp:

“Đã có rất nhiều cam kết của VN, nhưng đôi khi thực hiện không như mong muốn lúc cam kết. Cũng có nhiều dự án của chính phủ và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ cộng đồng địa phương trồng lại rừng… nhưng tôi lo ngại tốc độ trồng rừng và tốc độ phá rừng không cân bằng với nhau. Hoặc đôi khi bên này phá, rồi trồng lại bên kia, nhưng ở nơi phá lại gây nguy hại nhiều hơn. Cái này tôi cũng đã khuyến cáo các tổ chức chính phủ hoặc phi chính phủ khi tài trợ phải buộc chính quyền địa phương cam kết sau khi dự án hoàn tất phải tiếp tục bảo vệ và mở rộng diện tích trồng rừng. Thì lúc đó mới gọi là bền vững được, chứ nếu không khi dự án hết vòng đời, rút đi mà không có biện pháp tiếp theo thì sẽ không đạt mục tiêu mà chính phủ mong muốn ban đầu.”

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), phá rừng ở Việt Nam là một trong những vấn nạn ở nước này. Nguyên nhân mất rừng do sự yếu kém và tham nhũng trong công tác bảo vệ rừng, sự thông đồng, cấu kết, tiếp tay, chia chác của các giới chức hữu quan cũng như lực lượng kiểm lâm đã tiếp tay cho lâm tặc chặt phá rừng.

Related posts