Đằng sau “bước thụt lùi” trong dự thảo Quy hoạch điện VIII

Bước lùi của dự thảo mới

Bộ Công thương Việt Nam đang tiếp tục lấy ý kiến các bên liên quan về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII sau khi đã thực hiện rà soát lại theo yêu cầu tại kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Đánh giá về dự thảo lần này, Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cho rằng những vấn đề tồn tại lớn được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm được VSEA tập hợp, góp ý trong ba lần kiến nghị trước đây vẫn chưa được giải quyết.

Thậm chí, VSEA cho biết bản dự thảo lần này đã có “những bước lùi” so với dự thảo hồi tháng 3-2021 khi tăng thêm điện than và giảm đi nguồn năng lượng tái tạo.

Theo đó, so với tờ trình hồi tháng 3-2021, tờ trình lần này có tổng công suất điện lắp đặt toàn hệ thống giảm 7.688 MW vào năm 2030 và giảm 15.046 MW vào năm 2045, nhưng công suất này giảm do việc cắt giảm công suất của năng lượng tái tạo.

Cụ thể, đến năm 2030, năng lượng tái tạo bị cắt giảm 8.170 MW trong khi điện than tăng thêm 3.076 MW so với tờ trình hồi tháng 3-2021. Tương tự, đến năm 2045, năng lượng tái tạo giảm 16.110 MW và điện than tăng thêm 513 MW.

Trong khi đó, theo VSEA, lộ trình “điện cạnh tranh” là chưa rõ ràng, bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch, đặc biệt nguồn vốn đầu tư là chưa thuyết phục. (1)

Lo ngại về môi trường

Vào tháng 5 năm 2019, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres  đã kêu gọi toàn thế giới: Hãy ngừng xây dựng các nhà máy than mới từ năm 2020” (2)

Một báo cáo cho biết rằng năm quốc gia châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Nhật Bản) chiếm tới 80% các nhà máy than mới theo kế hoạch của thế giới và 75% công suất than hiện có. Tại năm quốc gia này, 92% các dự án điện than theo kế hoạch sẽ không có hiệu quả kinh tế, thậm chí nếu tiếp tục vận hành như hiện nay thì có thể bị lãng phí tới 150 tỷ USD. (3)

Các nhà khoa học đã cảnh báo nhiệt điện than có thể khiến Việt Nam thiệt hại 270 triệu USD về chi phí y tế và năng suất mỗi năm.

Việt Nam có kế hoạch xây dựng 24 dự án nhiệt điện than mới trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, theo một báo cáo của CREA (4), điều này có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân. Nghiên cứu cho thấy khí thải từ các nhà máy điện than sẽ góp phần gây ô nhiễm không khí trên khắp đất nước, ngay cả ở những khu vực cách xa các dự án được đề xuất hàng km. Tác động lớn nhất là đối với các thành phố như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nơi có mật độ dân số cao hơn phải chịu ô nhiễm tích tụ từ các nhà máy gần đó.

Báo cáo cũng ước tính, các dự án điện than sẽ thải ra khoảng sáu tấn thủy ngân mỗi năm. Khoảng 32% trong số này sẽ tích tụ vào đất và hệ sinh thái nước ngọt, khiến hơn 14 triệu người có nguy cơ phơi nhiễm thủy ngân.

Báo cáo ước tính rằng các nhà máy điện than được đề xuất xây dựng sẽ gây ra 1.500 ca tử vong sớm, 750 ca mắc bệnh hen suyễn mới ở trẻ em và 370 ca sinh non ở Việt Nam mỗi năm.  Chi phí kinh tế tích lũy (bao gồm chăm sóc sức khỏe, tổn thất năng suất, phúc lợi và các chi phí khác) do các nhà máy gây ra trong 30 năm vào khoảng 13 tỷ USD (302.000 tỷ đồng).

Trong một lá thư kêu gọi việc Nhật Bản rút khỏi dự án điện than Vũng Áng 2 ở Việt Nam, nhiều nhà khoa học và hoạt động môi trường đã cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước tác động của biến đổi khí hậu. Khi khủng hoảng khí hậu gia tăng trên toàn thế giới, việc xây dựng một nhà máy nhiệt điện than mới gây ra rủi ro lớn hơn không chỉ cho người dân Việt Nam mà cho tất cả mọi người trên thế giới, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương ở phía nam bán cầu. (5)

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1. Hình: PVC

Lo ngại về bẫy nợ trong BRI

Ngoài những mối lo ngại về ô nhiễm môi trường, các chuyên gia cho biết Việt Nam còn phải lo lắng về bẫy nợ nần trong kế hoạch Vành đai Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Mặc dù Bắc Kinh đã từng tuyên bố sẽ không “xem xét xây dựng các dự án gây ô nhiễm môi trường lớn và tiêu thụ năng lượng ở mức cao như các nhà máy nhiệt điện than”, nhưng kể từ khi Trung Quốc triển khai BRI, nước này đã rót hàng tỷ USD cho các dự án liên quan nhiên liệu hóa thạch trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trung Quốc đã nổi lên là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (tất cả các lĩnh vực) lớn thứ hai trên thế giới sau Nhật Bản, đầu tư 130 tỷ USD vào các nước khác trong năm 2018. Từ năm 2000 đến năm 2019, các ngân hàng chính sách của Trung Quốc đã đầu tư 235,6 tỷ đô la Mỹ vào các dự án năng lượng trên toàn cầu và trong tổng số đó, các khoản đầu tư vào  điện than chiếm 22% (51,8 tỷ đô la Mỹ). Việt Nam nhận được 7 tỷ USD tài trợ điện than từ Trung Quốc từ năm 2000 đến 2019, Indonesia nhận 9,3 tỷ USD, Ấn Độ 7,7 tỷ USD và Bangladesh 2,1 tỷ USD. (6)

Một ví dụ cụ thể, vào ngày 22 tháng 1 năm 2021, Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Năng lượng Trung Quốc và Công ty TNHH Toyo Venture Capital Holdings của Malaysia đã ký thỏa thuận đầu tư và phát triển cho giai đoạn hai của dự án nhà máy nhiệt điện than Hậu Giang 2 đặt tại Việt Nam.

Theo một trang tin từ Trung Quốc, nhà máy điện than Hậu Giang 2 này chính là nằm trong BRI của Trung Quốc (7).

Xu hướng trên thế giới hiện nay là phát triển năng lượng xanh và bền vững, loại bỏ các dự án năng lượng gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến khí hậu cũng như đời sống của con người. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều cam kết điều này. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đang là quốc gia đứng đầu thế giới để tiếp tục rót hàng tỉ USD vào việc đầu tư cho các dự án điện than bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Việt Nam, tuy trong dự thảo lần trước của Quy hoạch điện VIII đã thể hiện tinh thần giảm các năng lượng từ điện than, nhưng trong dự thảo lần này lại tăng mức đầu tư điện than. Điều này đi ngược lại xu hướng của thế giới và chính các cam kết của Việt Nam về vấn đề này.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao Bộ Công thương lại có xu hướng “đi thụt lùi” như vậy? Câu trả lời đơn giản là các lợi ích từ tham nhũng và hối lộ mà Trung Quốc luôn sử dụng trong BRI đã khiến các quan chức của Bộ Công thương “mờ mắt”. Trong quá khứ, những câu chuyện “mờ mắt” với các dự án tư Trung Quốc vẫn còn nguyên đó, cụ thể như Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn như một “cái bướu” giữa “Thủ đô ngàn năm văn hiến”, tiền phải trả cho phía Trung Quốc rất nhiều và không biết đến ngày nào mới hoạt động được.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Related posts