Dấu ấn hay di sản trong sự nghiệp của Ông Nguyễn Phú Trọng?

Tôi cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng là người để lại dấu ấn, chứ không để lại di sản, trong sự nghiệp chính trị của mình.
Ông Nguyễn Phú Trọng có dấu ấn lớn nhất là giành quyền lực về chức Tổng bí thư, sau thời của ông Nông Đức Mạnh, để mất quyền lực vào tay Thủ tướng (thời ông Nguyễn Tấn Dũng).
Ông Trọng còn có dấu ấn trong việc đốt lò, chống tham nhũng. Nếu công cuộc chống tham nhũng thành công, tạo ra một cơ chế ngăn chặn tham nhũng, tương tự như tam quyền phân lập ở các nước khác, thì đó mới là di sản. Chứ nếu chỉ “đánh chuột không để vỡ bình” tục chắc chắn việc chống tham nhũng sẽ không thành công. Vẫn cái “bình” cũ, một cái “bình” mà cho phép đảng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” thì cái bình sẽ còn sinh ra củi. Sự nghiệp “đốt lò” dang dở, củi mục, củi tươi, vẫn còn tiếp tục sinh ra, do cái cơ chế độc đảng,  trong đống củi đã đốt, chưa đốt, cũng có bàn tay của ông Trọng tạo lên củi.
Ông Trọng còn có dấu ấn trong việc bóp nghẹt sự tự do, dân chủ, của người dân Việt Nam. Trong thời kỳ ông Nông Đức Mạnh làm Tổng bí thư, có lẽ sự mờ nhạt của ông Nông Đức Mạnh, đã khiến cho bầu không khí tự do, dân chủ của người dân được phép tự do hơn. Nhiều tổ chức dân sự, nhiều nhà bất đồng chính kiến, người dân đã có một không gian tự do, dân chủ và đưa ra các chính kiến của mình. Sau khi ông Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng bí thư, đặc biệt là sau khi giành lại quyền lực từ ông Nguyễn Tấn Dũng và ép ông Dũng phải từ chức, sự tự do, dân chủ của người dân dần dần bị thắt chặt. Các tổ chức dân sự, các nhà bất đồng chính kiến, … bị bắt, bị bỏ tù, bị ép phải đi khỏi Việt Nam.
Ngay cả với chính người dân, hoặc các đảng viên cộng sản, cũng bị đàn áp một cách cứng rắn. Tiêu biểu nhất là vụ Đồng Tâm. Theo tôi, bản chất của vụ Đồng Tâm là tranh chấp đất đai giữa người dân đang quản lý đất và bên muốn thu hồi đất cho mục đích kinh doanh (chứ không phải là mục tiêu quốc phòng như tuyên truyền). Nhẽ ra chính quyền phải là nơi làm trọng tài, phân xử, giảng hòa, giữa hai bên tranh chấp. Nhưng không! Chính quyền lại nhẩy vào cuộc và đứng ra làm bên tranh chấp với người dân xã Đồng Tâm. Đẩy người dân vào thế chống đối chính quyền. Đẩy một vụ tranh chấp dân sự, thành hình sự. Cuối cùng chính quyền phải dùng vũ lực quân sự, để đàn áp người dân và gây ra cái chết cho 4 người và nhiều người khác bị bắt bớ, tù đầy.
Nhiều người so sánh ông Nguyễn Phú Trọng với ông Nguyễn Văn Linh. Theo tôi, ông Nguyễn Văn Linh có một di sản cụ thể, đó chính là sự “đổi mới” sang nền kinh tế thị trường và phá bỏ đi nền kinh tế tập trung. Còn ông Nguyễn Phú Trọng không có di sản nào để lại. Tất nhiên nếu việc chống tham nhũng thành công, tạo ra một cơ chế mới, thì đó mới là di sản. Chứ việc bắt bỏ tù một số quan chức tham nhũng, ép một số lãnh đạo cao cấp phải từ chức, chỉ giải quyết được phần ngọn, chứ không giải quyết được cái gốc, như tôi đã viết ở trên.
Thật ra “đổi mới” của ông Nguyễn Văn Linh cũng từ một sự ép buộc, các nước cộng sản Đông Âu sụp đổ, nếu không đổi mới là chết đảng. Sự “đổi mới” của ông Linh và các đồng chí của ông ấy,  là sự đổi mới nửa vời. Thế nhưng di sản đó vẫn có thành công, biến Việt Nam từ một nước đói nghèo, có nền kinh tế cộng sản tập trung, trở thành một nước phát triển, có nền kinh tế thị trường, cho dù vẫn gắn cái đuôi XHCN.
Cá nhân tôi chỉ đánh giá cao trong chính sách đối ngoại dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng, với chính sách ngoại giao “cây tre”, đặc biệt là sau khi Việt Nam nâng cấp mối quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ, mà không để phật lòng Trung Quốc. Với nhiều người đó là chính sách ngoại giao “đu dây, nghiêng ngả”, thế nhưng với một nước có chế độ tương đồng với Trung Quốc, thì chính sách ngoại giao mềm dẻo đó là  dấu ấn trong sự nghiệp của ông Nguyễn Phú Trọng.
Tất nhiên lịch sử sẽ phán xét công tội của bất cứ lãnh đạo quốc gia nào,  trong đó có ông Nguyễn Phú Trọng, một vị lãnh đạo có một dấu ấn đặc biệt với Việt Nam, trong đầu thế kỷ 21 này. Cá nhân tôi không thể có cái nhìn bao quát, có sự tìm hiểu kỹ lưỡng, bởi chính kiến thức hạn hẹp của mình và còn bởi vì sự không minh bạch trong các thông tin của chính quyền, cho nên có thể không đánh giá hết được dấu ấn hoặc di sản của ông Nguyễn Phú Trọng. Nếu là vậy, rất mong mọi người lượng thứ.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự do

Related posts