Đề nghị Nhà nước hỗ trợ cho giới nghệ sĩ: ‘Người đang đói không cứu mà cứu người dư ăn’?

Hôm 18 tháng 6 năm 2021, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông ký văn bản gởi tới Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất bộ này kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ bổ sung hai đối tượng nghệ sĩ và hướng dẫn viên du lịch vào danh sách cần được hỗ trợ do khó khăn bởi dịch COVID-19.

Năm ngoái, theo đề nghị của Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân thành phố này đã đồng ý hỗ trợ 151 văn nghệ sĩ của thành phố gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng/người, thời gian hỗ trợ là ba tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.

Việc Bộ Văn hóa Thông tin của Nhà nước Việt Nam nghĩ đến giới nghệ sĩ thì ở đây cần phải làm rõ một điều là họ đang nói đến những nghệ sĩ nằm trong tầng lớp của các ban, hội và những nghệ sĩ sống trong hệ thống tuyên truyền của họ chứ không có nghĩa là tất cả nghệ sĩ sống trong văn học nghệ thuật trên đất nước Việt Nam. – Nhạc sĩ Tuấn Khanh

Nhạc sĩ Tuấn Khanh nhận định về việc này:

“Việc Bộ Văn hóa Thông tin của Nhà nước Việt Nam nghĩ đến giới nghệ sĩ thì ở đây cần phải làm rõ một điều là họ đang nói đến những nghệ sĩ nằm trong tầng lớp của các ban, hội và những nghệ sĩ sống trong hệ thống tuyên truyền của họ chứ không có nghĩa là tất cả nghệ sĩ sống trong văn học nghệ thuật trên đất nước Việt Nam.

Chẳng hạn như trước đây, Hội nhà văn Việt Nam ‘khóc than’ là nếu không có tiền Nhà nước thì họ sẽ không sống nổi và sẽ tan rã…

Đây cũng là một cách cho thấy rằng trong quá trình phát triển đất nước, đôi khi giá trị của những thành phần làm tuyên truyền cho Nhà nước, những ban, hội vẫn tiếp tục sống trong cái nghề gọi là được chỉ đạo để tiếp tục làm tuyên truyền thì đã đến lúc giật mình nghĩ lại thấy trong bối cảnh này người ta không cần đến họ nhiều, cho nên đến lúc có một tiếng kêu thì Nhà nước đưa ra ý kiến như vậy để mang tính gọi là yểm trợ cho giới tuyên truyền về văn nghệ của họ. Ở đây không có chữ ‘nghệ sĩ’ mà phải nói rõ đó là thành phần văn nghệ tuyên truyền của Nhà nước Việt Nam.”   

Khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư tái bùng phát tại Việt Nam kể từ ngày 27 tháng 4 năm 2021, nhiều thành phần lao động lâm vào cảnh khốn khó. Từ lao động tự do, nông dân, công nhân nhà máy, người làm công ăn lương cho đến doanh nghiệp…

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, gần 60.000 doanh nghiệp trên cả nước đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động hoặc giải thể chỉ trong năm tháng đầu năm 2021. Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Còn với người nông dân, suốt năm qua sản phẩm họ làm ra không có thương lái đến mua vì nhiều nơi bị cô lập bởi dịch bệnh, bởi tình hình kinh tế khó khăn.

Các hộ kinh doanh cắt tóc sẽ chịu thuế 7% bắt đầu từ tháng 8. Trong hình là một tiệm cắt tóc lề đường tại Hà Nội. AFP

Trong khi đó, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho rằng giới nghệ sĩ là đối tượng có đóng góp lớn nhưng đang rất khó khăn vì dịch COVID-19, cần được Nhà nước hỗ trợ.

Cô Hạnh, một lao động từ quê lên thành phố kiếm sống bày tỏ suy nghĩ của mình với RFA về đề xuất Nhà nước hỗ trợ những nghệ sĩ:

“Theo em, bình thường người nghệ sĩ đã kiếm được rất nhiều tiền rồi. Còn những người như tụi em, buôn bán vỉa hè hay bán vé số thì rất là khó khăn. Em không đồng ý chuyện Nhà nước phải hỗ trợ cho những người nghệ sĩ. Nó rất là vô lý vì tụi em đang khổ mà không được hỗ trợ.

Những người bán vé số, làm công làm mướn như tụi em không được nhà nước hỗ trợ mà chỉ có các mạnh thường quân cho. Em được 5kg gạo, hai hộp sữa, 5 hộp cá mòi, nước tương…

Đáng lẽ phải ngược lại, tức những người nghệ sĩ phải bỏ ra một ít để giúp đỡ những người vô gia cư, những người đang rất khó khăn.”

Nhạc sĩ Lê Thiệu thì cho rằng, Nhà nước mà hỗ trợ cho giới này thì hoàn toàn sai đối tượng:

“Theo tôi thì điều này rất là buồn cười, bởi vì thật sự giới showbiz hầu hết từ khá giả tới giàu có, cho nên họ không thuộc đối tượng cần cứu trợ đâu. Chính những người cơ nhỡ, lang thang ngoài xã hội, những người bán hàng rong, bán vé số, phụ hồ… mới chính là đối tượng cần được cứu trợ.

Giới nghệ sĩ thì, xin lỗi, có kéo dài vài tháng nữa họ cũng chẳng sao vì họ có thu nhập cao. Do đó, Nhà nước mà hỗ trợ cho giới này thì hoàn toàn sai đối tượng. Người đang đói không cứu mà cứu người dư ăn!”

Theo truyền thông trong nước, từ đầu năm 2020 đến nay, đội ngũ nghệ sĩ tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch gần như không thể hoạt động do đại dịch COVID-19 không được tổ chức sự kiện, tập trung đông người. Vì vậy, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kiến nghị Nhà nước hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng, hỗ trợ trong 3 tháng và được chi trả một lần.

Giới nghệ sĩ thì, xin lỗi, có kéo dài vài tháng nữa họ cũng chẳng sao vì họ có thu nhập cao. Do đó, Nhà nước mà hỗ trợ cho giới này thì hoàn toàn sai đối tượng. Người đang đói không cứu mà cứu người dư ăn! – Nhạc sĩ Lê Thiệu

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Trước đây, một cơ quan của Chính phủ cũng kêu gọi Nhà nước hỗ trợ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, là Hội Nhà báo Việt Nam.

Đầu tháng 4 năm 2020, Hội Nhà báo Việt Nam có công văn gửi thủ tướng đề nghị chính phủ hỗ trợ báo chí và người làm báo do ảnh hưởng dịch COVID-19. Theo công văn này, các cơ quan thông tấn, báo đài trong cả nước phải đồng hành cùng cơ quan chức năng để truyền tải nhanh các thông tin về dịch bệnh. Do đó, Hội Nhà báo đề nghị cho phép các cơ quan báo chí được lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và được sử dụng một phần kinh phí từ quỹ này để chi cho một số hoạt động phục vụ công tác bảo vệ, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trong cơ quan, như mua sắm vật tư, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác phòng chống dịch của cơ quan và phóng viên tác nghiệp tại hiện trường…

Một số nhà báo lúc bấy giờ cho rằng, báo chí là cơ quan tuyên truyền của đảng. Các báo đảng được bao cấp toàn diện cho nên “họ vẫn vô tư. Vi-rút này có kéo dài 10 năm họ cũng chẳng mất đồng nào.” 

Related posts