Đóng tiền đầu năm học: nỗi ám ảnh của phụ huynh nghèo!

Bước vào năm học mới 2022-2023, tình trạng lạm thu lại xuất hiện tại một số trường công lập khiến nhiều phụ huynh phải lên tiếng trên hầu hết các trang mạng xã hội.

Một phụ huynh giấu tên vì lý do an toàn có con vào lớp một nói với RFA:

“Con chị vào lớp 1 chị phải đóng tiền bàn ghế, tiền TV, tiền bảng đen, rồi phải đóng tiền ủng hộ nhà trường mỗi người 520 ngàn đồng nữa. Thành ra mỗi em học sinh phải đóng gần hai triệu khoản tiền đầu năm. Trong khi đó, nhà trường kêu gọi ủng hộ nhà trường nhưng lại đưa ra con số cụ thể là 520 ngàn, thì đó là bắt buộc chứ ủng hộ gì. Tất cả cơ sở vật chất trong một lớp học là phụ huynh phải đóng hết. Nhà trường không có cái gì cả. Nhà nước giảm tiền học cho dân nhưng nhà trường lại thu gấp mấy lần trong khi dân không có việc làm do Covid. Con trâu con bò nuôi ra cũng không bán được.”

Theo quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo, trường công lập chính là trường học trực thuộc của Nhà nước Trung ương hoặc địa phương. Các khoản kinh phí, đất đai, nhà cửa, cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ học tập ở trường học… đều được trang bị từ nguồn vốn Nhà nước. Điều 16 Luật trẻ em 2016 quy định, trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân; Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh. Trong hiến pháp của nước Việt Nam cũng đã ghi nhận quyền học tập cũng là một trong những quyền cơ bản của công dân nói chung và trẻ em nói riêng.

Trẻ em còn nhỏ mà gia đình không đủ điều kiện kinh tế cho đến trường thì nó long nhong. Khi cha mẹ trẻ đi làm, trẻ không đến trường mà đi lang thang thì dễ bị bọn buôn trẻ em bắt cóc. Trẻ em bỏ học là nguồn lực rất lớn cho nạn buôn bán trẻ em. Đó là một phần. Cái quan trọng nữa là ai cũng cảm thấy khó chịu về việc đóng tiền nhiều. – Ông Liêu Thái

Tuy Việt Nam có đủ các điều luật để bảo vệ quyền trẻ em, nhưng tình trạng trẻ em bỏ học do gia đình nghèo, không đủ tiền đóng các khoản phí cho trường học là một thực tế ở Việt Nam hiện nay.

Ông Liêu Thái, một phụ huynh có hai con nhỏ nói với RFA:

Người ta cảm thấy không kham nổi thì người ta cho con nghỉ học luôn. Chính vì vậy mà có nhiều chuyện xảy ra. Ví dụ nạn buôn trẻ em cũng từ chỗ không có điểm tựa giáo dục. Trẻ em còn nhỏ mà gia đình không đủ điều kiện kinh tế cho đến trường thì nó long nhong. Khi cha mẹ trẻ đi làm, trẻ không đến trường mà đi lang thang thì dễ bị bọn buôn trẻ em bắt cóc. Trẻ em bỏ học là nguồn lực rất lớn cho nạn buôn bán trẻ em. Đó là một phần. Cái quan trọng nữa là ai cũng cảm thấy khó chịu về việc đóng tiền nhiều.

Thời ông Phạm Vũ Luận (cựu Bộ trưởng Giáo dục) có Thông tư 55 cấm thu những khoản phí trong trường. Nhưng đó chỉ là trên danh nghĩa. Thực tế khi thiết lập Hội phụ huynh thì hội này là tay sai của hiệu trưởng. Khi thu về 10 đồng chẳng hạn thì giáo viên chủ nhiệm sẽ nộp về cho hiệu trưởng. Sau này, những nơi nào biết Thông tư 55 thì trường không thu nữa. Nhưng không thu cách này thì họ có cách khác thu thôi

Có nhiều người vì con đi học, vì cái danh dự gia đình, vì cái sĩ diện, thậm chí vì một chút mặc cảm mà họ chấp nhận, cắn răng họ đóng. Những người có tiền hay lập luận rằng, một bữa nhậu mấy trăm nghìn thì nhậu được mà sao đóng tiền cho con lại không đóng được?

So sánh bữa nhậu của mình với đời sống người khác là cái tính rất dở của những người cùng là cha mẹ học sinh nhưng có chút tiền.”

Theo ông Liêu Thái, việc đóng tiền cũng xuất phát từ một nguyên nhân rất sâu xa là cái tính nịnh của con người. Rất nhiều người có con đi học lại nịnh thầy cô nên thầy cô nói đúng nói sai gì cũng a dua theo. Họ không nghĩ đến những phụ huynh khác không có tiền. Trong khi đó, tiếng nói phản biện, tiếng nói đấu tranh cho những người khó khăn thì không có, còn tiếng nói a dua với thầy cô thì rất nhiều.

Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT nêu rõ: Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện. Không được thu các khoản mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Một giáo viên dạy cấp hai, có hai con học tiểu học, không muốn nêu tên, nói với RFA:

“Cấp tiểu học thì được miễn học phí nhưng phải đóng nhiều khoản phí khác tùy trường và tùy lớp. Ví dụ như quỹ lớp. Trong quỹ lớp có nhiều loại tiền khác nữa như rèm cửa, máy lạnh, mua các thiết bị, mua bộ đề…nói chung là nhiều thứ tiền lắm. Tùy theo lớp, theo trường nhưng có những cái bắt buộc phải đóng, dù nói là tự nguyện, đó quỹ hội phí hội phụ huynh.

Nếu học sinh đó khó khăn thì phụ huynh sẽ lên phường. Nếu phường biết tình hình như vậy thì sẽ có biên bản. Phụ huynh cầm lá đơn lên trường. Trường sẽ miễn hoặc giảm cho học sinh đó.  

Trường cũng không cho phụ huynh đóng một cục đâu mà họ chia đều ra. Lâu lâu gom một tí. Với kinh tế Việt Nam mình bây giờ thì rất khó khăn cho phụ huynh. Giáo viên thì chỉ lãnh lương thôi chứ không phải trường chia phần trăm cho giáo viên từ tiền thu được đâu. Không hề. Người cầm nắm số tiền đó là Ban Giám hiệu. Số tiền đó đi đâu thì giáo viên đâu dám hỏi.”

Chuyện thu các khoản phí ‘lạ” không chỉ xảy ra ở các trường tiểu học hay trung học, mà xảy ra cả ở cấp mẫu giáo.

Truyền thông Nhà nước cho hay, danh mục các khoản dự kiến thu của Trường Mầm non Vạn Thái (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) có nhiều khoản thu ‘lạ’ như: tiền làm thẻ đưa đón học sinh, tiền bảo hiểm toàn diện học sinh, tiền học ngoại khóa tiếng Anh, tiền học kỹ năng sống,…

Với kinh tế Việt Nam mình bây giờ thì rất khó khăn cho phụ huynh. Giáo viên thì chỉ lãnh lương thôi chứ không phải trường chia phần trăm cho giáo viên từ tiền thu được đâu. Không hề. Người cầm nắm số tiền đó là Ban Giám hiệu. Số tiền đó đi đâu thì giáo viên đâu dám hỏi. – Một giáo viên

Liên quan đến những phản ánh của phụ huynh về một số khoản thu bất hợp lý trên, vị Hiệu trưởng trường mầm non trên khẳng định đấy là khoản thu thỏa thuận và đang trong quá trình lấy ý kiến phụ huynh. Nhà trường chỉ làm theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên.  

Tình trạng lạm thu của các trường học đã diễn ra cả chục năm qua nhưng chưa thể giải quyết. Từ năm học 2009-2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ kiên quyết triển khai việc thực hiện “3 công khai và 4 kiểm tra” trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập để tăng cường tính giám sát. Đặc biệt chấm dứt tình trạng lạm thu trong các trường, những khoản thu không hợp lý, trái quy định phải trả lại cho phụ huynh học sinh.

Related posts