Dù được tăng cường, dân quân biển Việt Nam vẫn lép vế so với lực lượng của Trung Quốc

Việt Nam đang tăng cường phát triển lực lượng dân quân biển. Vào cuối tháng 1/2022, Việt Nam đã tổ chức lễ Thượng cờ cho một đơn vị dân quân mới tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, một đơn vị sở hữu 05 tàu thép mà các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho là có trang bị súng máy hạng nặng.

Sáu tháng trước đó, đơn vị đầu tiên của “lực lượng tự vệ và dân quân biển thường trực” của Việt Nam đã được thành lập tại một tỉnh phía Nam khác là Kiên Giang. Theo truyền thông nhà nước, các đơn vị tương tự dự kiến sẽ được thành lập tại ít nhất bốn tỉnh ven biển khác.

Nhiều người nhìn nhận rằng đây là một ứng phó của Việt Nam trước lực lượng dân quân biển của Trung Quốc – một lực lượng vốn hùng hậu và được trang bị tốt hơn rất nhiều đồng thời là một đòn bẩy chủ chốt của Bắc Kinh trong nỗ lực khẳng định quyền kiểm soát ở Biển Đông. 

Nhưng các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng việc trang bị vũ khí cho lực lượng dân quân Việt Nam có thể làm gia tăng căng thẳng và đe dọa an ninh khu vực. Đây là cáo buộc thường nhắm vào Trung Quốc, đặc biệt là khi các tàu của nước này tập trung xung quanh các đảo đang tranh chấp.

Trong khi đó, Việt Nam khẳng định lực lượng dân quân của họ hoạt động “hoàn toàn vì mục đích phòng thủ và phù hợp với luật pháp quốc tế”. 

Tàu lớp TK1482 của Dân quân biển Việt Nam đang được hoàn thiện tại Nhà máy đóng tàu Ba Son trước khi hạ thủy ra khơi. Nguồn ảnh: Cổng thông tin Quốc phòng Việt Nam

Không phải là một bộ phận của lực lượng vũ trang

Ông Carl Thayer, một chuyên gia kỳ cựu về Việt Nam, cho rằng lực lượng dân quân biển của Việt Nam chỉ được thành lập khá gần đây. Trước năm 2009, Việt Nam không có một thể nhân chính thức được gọi là dân quân biển.

“Vai trò của lực lượng dân quân tự vệ biển phát triển dần theo thời gian nhưng cho đến ngày nay họ vẫn là một phần hữu cơ của Dân quân tự vệ Việt Nam chứ không phải là một lực lượng riêng biệt như Biên phòng Việt Nam hay Cảnh sát biển Việt Nam” – Giáo sư Thayer từ Đại học New South Wales (Úc) cho biết.

Tháng 6/2005, Việt Nam thông qua Luật Quốc phòng, trong đó nhiệm vụ của lực lượng Dân quân Tự vệ được liệt kê nhưng vẫn “không có đề cập nào về dân quân biển”.

Trong khi đó, theo một báo cáo được công bố vào tháng 11/2021 bởi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, trong thời hiện đại, Trung Quốc sử dụng dân quân đánh cá ít nhất là từ năm 1974 khi lực lượng này được triển khai để chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa từ Việt Nam.

Tổ chức nghiên cứu Rand Corp do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ cho rằng: Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc thực sự được thành lập vào những năm 1950 và chịu sự chỉ huy trực tiếp của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa.

Ông Thayer nói rằng chiến lược biển của Việt Nam trong đó có đề cập tới sự cần thiết phải phát triển quốc phòng ở các khu vực biển và ven biển lần đầu tiên được công bố công khai vào năm 2007.

Vì vậy, nó phát triển muộn hơn nhiều so với dân quân biển Trung Quốc, và cả quy mô và nguồn lực đều kém hơn nhiều.

“Việc xây dựng lực lượng dân quân ở Việt Nam bắt nguồn từ khái niệm ‘quốc phòng nhân dân’, có nghĩa là dân quân chủ yếu là ngư dân”- ông Hoàng Việt, một chuyên gia về Biển Đông tại TP. Hồ Chí Minh cho biết.

 “Họ không chỉ được trang bị kém mà còn được đào tạo kém”, ông Hoàng Việt nói đồng thời chỉ ra rằng một số chương trình chuyển đổi tàu cá bằng gỗ thành tàu vỏ thép có khả năng phòng thủ tốt hơn của Chính phủ Việt Nam cho ngư dân đã thất bại “bởi vì quan tâm của họ chỉ là đánh bắt cá”. 

Vũ trang cho ngư dân

Không có số liệu chính thức về quy mô của lực lượng dân quân biển Việt Nam nhưng Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia của Trung Quốc ước tính rằng lực lượng này có tổng cộng từ 46.000 đến 70.000 người vào năm 2021.

Theo bài viết của Đại tá Nguyễn Phương Hòa trên tạp chí Quốc phòng Việt Nam, tính đến 2016, lực lượng dân quân biển chỉ chiếm 0,08% tổng số dân quân ở Việt Nam và 1,22% tổng số lao động hàng hải tính đến năm 2016.

Ngược lại, lực lượng dân quân trên biển của Trung Quốc hầu hết được tổ chức bởi các công ty đánh cá lớn của nước này.

Nghiên cứu của Andrew Erickson và Conor Kennedy vào năm 2016 cho thấy ước tính duy nhất về quy mô của lực lượng dân quân hàng hải Trung Quốc là từ một nguồn tin được công bố vào năm 1978. Theo đó số lượng nhân sự là khoảng 750.000 người và 140.000 tàu. Con số này có thể đã tăng lên đáng kể kể từ thời điểm đó.

Trong Sách trắng Quốc phòng năm 2010, Trung Quốc tuyên bố rằng họ có 8 triệu dân quân trên toàn quốc, bao gồm cả lực lượng dân quân biển.

Các nhà phân tích cho rằng sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh tuyên bố quyền lịch sử đối với gần 90% vùng biển này, đã khiến Việt Nam lên kế hoạch gấp rút mở rộng lực lượng dân quân và tự vệ biển.

Các chiến thuật này ở chừng mực nào đó khá giống với cái gọi là “chiến thuật vùng xám” của lực lượng dân quân biển Trung Quốc trong đó ngư dân được huấn luyện để làm công việc bán quân sự và các tàu đánh cá được trang bị vũ khí.

“Chiến thuật vùng xám” là khi các lực lượng và phương pháp phi truyền thống được sử dụng để theo đuổi các lợi ích chiến lược trong khi cố gắng tránh khả năng xảy ra xung đột.

Lực lượng dân quân biển của Việt Nam đã có mặt tại một số vụ việc gần đây ở Biển Đông, chẳng hạn như vụ Trung Quốc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 gần quần đảo Hoàng Sa trong năm 2014 và một số cuộc đối đầu gần khu vực Việt Nam và các đối tác quốc tế thăm dò dầu khí.

Các nhà phân tích nói rằng các hải đội dân quân “thường trực” mới của Việt Nam được xây dựng theo hướng có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao hơn so với lực lượng dân quân biển thông thường và có thể đóng một vai trò tích cực trong các cuộc đối đầu.

“Trong hơn một thập kỷ, Việt Nam đã sử dụng nguồn nhân lực và vật lực khổng lồ để phát triển lực lượng dân quân biển” – ông Ding Duo, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia Trung Quốc, viết trên tờ Nhân dân Nhật báo.

Theo ông Ding, 126 tàu cá phục vụ lực lượng dân quân biển thuộc 14 tỉnh, thành phố ven biển sẽ được đóng tại Việt Nam trong giai đoạn 2019-2022.

Các nhà phân tích Trung Quốc cáo buộc rằng các tàu dân quân lớp TK-1482 mới của Việt Nam được trang bị vũ khí bao gồm súng máy hạng nặng với cỡ nòng lớn.

“Việc sử dụng vũ khí trên các tàu dân quân được trang bị tốt sẽ gây nguy hại đáng kể đến an ninh và ổn định khu vực”, Lei Xiaolu, Phó giám đốc Sáng kiến Giám sát Biển Đông (South China Sea Probing Initiative), một tổ chức chuyên nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc cảnh báo.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Việt Nam như ông Hoàng Việt thì cho rằng trọng tâm chính của lực lượng dân quân biển Việt Nam vẫn là ngư nghiệp, tìm kiếm và cứu nạn.

Ông nói: “Họ có thể tham gia vào các nhiệm vụ theo dõi và giám sát nhưng thiếu nguồn lực và đào tạo là những trở ngại lớn đối với những năng lực này của họ”.

Chuyên gia Thayer từ Canberra cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục từng bước mở rộng và hiện đại hóa lực lượng dân quân thường trực trên biển khi các tàu lớp TK 1482 mới được đưa vào biên chế.

“Tuy nhiên, lực lượng dân quân và tự vệ biển thường trực của Việt Nam sẽ vẫn nằm dưới sự chỉ huy của chính quyền địa phương và cấp tỉnh,” ông Thayer nói.

Related posts