Giá hàng hóa tăng vì xăng lên giá; nay giá xăng giảm nhưng giá hàng hóa vẫn cao, vì sao?

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố cuối tháng 7 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 năm 2022 tăng 0,4% so với tháng trước; tăng 3,59% so với tháng 12 năm 2021 dù giá xăng đã giảm hơn 7.000 đồng/lít từ đầu tháng 7.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, việc giá xăng giảm nhưng một số mặt hàng tiêu dùng vẫn tăng do nhiều yếu tố như giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ…

Để tránh việc lợi dụng tăng giá, mới đây Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện gửi Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.

Theo phân tích của Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long với RFA, đối với các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistics, khi giá xăng dầu tăng thì giá cước và chi phí vận chuyển tăng. Điều này tác động trực tiếp lên giá hàng hóa vì tất cả hàng hóa muốn đưa được từ sản xuất đến tiêu dùng thì phải có chi phí vận chuyển. Đấy là quy luật. Nhưng không nhất thiết khi giá xăng dầu giảm thì tất cả hàng hóa phải giảm ngay. Có những hàng hóa vẫn tăng vì quan hệ cung-cầu nhưng về cơ bản là giá hàng hóa sẽ giảm khi giá xăng dầu giảm. Ông nói thêm:

“Khi giá xăng dầu giảm, tức giá đầu vào giảm nhưng giá cước lại giảm chậm và giá những hàng hóa khác cũng ít giảm thì có ba nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là mặt hàng này không phải do Nhà nước định giá cho nên Nhà nước không quyết định được, phải để thị trường quyết định. Tức do người mua và người bán quyết định khi có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau. Nếu người này giảm mà người kia không giảm thì sẽ mất thị phần. Yếu tố thứ hai, cơ quan chức năng vào cuộc cũng chỉ khuyến cáo chứ không bắt buộc doanh nghiệp giảm giá được. Yếu tố thứ ba là phụ thuộc người người tiêu dùng. Đó là ba lý do khiến giá hàng hóa giảm chậm.”

Ông Trần Trọng Nhân, chủ doanh nghiệp kinh doanh hàng nội thất cho rằng, tuy Nhà nước kiểm soát mọi thứ nhưng giá cả nhiều mặt hàng Nhà nước không thể can thiệp mà chính thị trường và người tiêu dùng mới là yếu tố quyết định. Tuy vậy, Nhà nước vẫn phải quản lý về mặt bình ổn thị trường để bảo vệ người tiêu dùng. Ông nói:

“Ở Việt Nam không có luật lệ. Mỗi khi giá xăng dầu tăng lên thì họ lấy cớ giá năng lượng tăng để tăng giá tất cả các mặt hàng. Nhưng khi giá xăng giảm thì giá hàng hóa vẫn chưa giảm. Cái này thuộc trách nhiệm Ủy ban Vật giá của Chính phủ và Bộ công thương. Họ phải phối hợp kiểm soát chứ không để các doanh nghiệp hoặc các tổ chức thương mại lợi dụng trục lợi khách hàng. Cái này thuộc phạm vi quản lý vĩ mô của Nhà nước.

Ở Việt Nam không có doanh nghiệp nào thoát khỏi sự quản lý của Nhà nước bởi vì xin phép mở doanh nghiệp thì Sở công thương cấp. Sở Công thương giám sát mọi hoạt động kinh doanh nhưng mình hoạt động phải dựa theo thị trường. Ví dụ như các doanh nghiệp mua bán cùng mặt hàng giảm giá mà tôi không giảm thì đâu kinh doanh được. Kinh tế buộc phải theo thị trường. Khách hàng là người quyết định, không cần Nhà nước can thiệp.”

Ông Trần Trọng Nhân cho rằng, để giá hàng hóa giảm nhanh thì Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ như miễn, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp của ông cũng muốn giảm giá để tăng bán hàng nhưng không dễ vì nhiều chi phí khác tăng, từ nhân công đến chi phí nguyên vật liệu. Chỉ có giá xăng giảm không kéo được giá sản phẩm xuống. Chỉ khi nào chi phí đầu vào thật sự giảm thì doanh nghiệp mới có thể giảm giá sản phẩm.

Theo quy định hiện hành, Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ trì quản lý nhà nước về giá cước vận tải, theo, Bộ Tài chính là cơ quan phối hợp khi có yêu cầu. Giá cước vận tải được cho là một yếu tố chính trong chi phí đầu vào quyết định giá cả hàng hóa.

Truyền thông Nhà nước dẫn yêu cầu của Bộ Tài chính với Bộ Giao thông Vận tải sau khi có công điện của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát giá hàng hóa: “Đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo rà soát, tiết giảm chi phí để giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ đối với các dịch vụ vận tải do Nhà nước định giá thuộc thẩm quyền của bộ. Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá, đề nghị cơ quan tiếp nhận kê khai rà soát mức giá kê khai dịch vụ vận tải phù hợp”.

Giá xăng giảm nhưng giá hàng hóa vẫn không giảm là câu hỏi được người dân đặt ra nhưng dường như chưa có câu trả lời thỏa đáng. Cô Lê Thị Tuyết, một người dân sống ở Sài Gòn cho hay, cô không quan tâm đến những lời giải thích mà cô cho là cao siêu từ các vị lãnh đạo Chính phủ. Điều cô cần là hành động của họ. Cô nói:

“Những gì mà Nhà nước độc quyền như điện, nước thì nhà nước giảm giá trước đi. Người dân tụi tôi đâu có được lựa chọn nhà cung cấp. Mắc bao nhiêu cũng phải vừa xài vừa kêu. Còn những hàng hóa tiêu dùng khác thì để tự người mua và người bán quyết định. Bán mắc thì người dân tụi tôi mua chỗ khác, nhãn hiệu khác tự động người bán phải giảm giá thôi. Nhà nước không cần can thiệp. Theo tôi, nếu tất cả các mặt hàng, dịch vụ trong xã hội mà cho tư nhân kinh doanh thì khi xăng xuống nó sẽ tự xuống vì có sự cạnh tranh”.

Nhiều doanh nghiệp tăng giá hàng hóa lý giải do xăng dầu chiếm tỉ lệ nhỏ trong giá thành sản phẩm, nên khi giá xăng giảm thì giá hàng hóa không thể giảm nhiều. Nhưng theo một số chuyên gia kinh tế thì doanh nghiệp không muốn tự mình giảm giá cho đến khi thị trường cạnh tranh buộc họ phải giảm giá để tồn tại. Ngoài ra, một số doanh nghiệp vận tải lo lắng nếu giảm giá vận tải bây giờ mà sắp tới giá xăng tăng lại thì khó cho họ.

Related posts