Giảm biên chế có giúp nâng chất lượng công nhân viên chức?

Biên chế do Chính phủ quản lý tính đến năm 2020 đã giảm 334.548 người, nhưng vẫn còn phải tiếp tục giảm 20.076 người trong năm 2021. Đây là yêu cầu của Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam.

Nội dung vừa nêu được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng báo cáo về lĩnh vực Nội vụ trong buổi họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 16/9 tổng hợp thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Có thật sự giảm?

Từ Nha Trang, Nhà báo độc lập Võ Văn Tạo cho rằng chỉ tiêu giảm hơn 20.000 trong biên chế chính phủ theo yêu cầu của Quốc hội chiếm tỉ lệ rất thấp so với tổng biên chế nhà nước hiện nay:

“Trên thực tế ai cũng thấy đi làm cho bộ máy nhà nước có rất nhiều người, cũng có một số tỉ lệ làm vất vả, làm quần quật nhưng đa số tôi thấy tỉ lệ chơi, năng suất lao động thấp còn nhiều nên tôi thấy khả năng giảm biên chế nữa là cần thiết. Chỉ tiêu đưa ra như thế thì vẫn còn ít so với hàng triệu biên chế hiện nay trong bộ máy cán bộ nhà nước.”

Nói rõ hơn về số lượng công chức, viên chức, cán bộ biên chế tại Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban dân vận Trung ương cho hay:

“Thực ra biên chế hiện nay rất nặng. Theo Bộ Nội vụ trong những nghiên cứu có đánh giá 30% cán bộ công chức không có việc gì để làm, ngồi chơi xơi nước là chính; 30% nữa là có cũng được không làm cũng được, tức 15% số ấy có việc làm. Như thế tổng số người có làm việc khoảng 45-50%, tức một nửa. Hiện nay có đến trên 4 triệu công chức đúng ra phải dẹp đi 2 triệu người chứ không phải mấy trăm ngàn người đấy thôi.”

Trao đổi với RFA tối 16/9, ông Vũ Minh Trí, trước đây từng là cán bộ Tổng cục Tình báo quân đội Tổng cục II nhận định:

“Việc giảm biên chế chẳng qua chỉ là đánh dùm cho nao (đánh tiếng) chứ về thực chất thì không giảm. Bởi vì biên chế do Chính phủ quản lý thì giảm còn biên chế không phải do chính phủ mà do Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, hoặc các huyện quản lý thì nó lại tăng. Điển hình gần đây nhất có lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng ở các phường xã, trước các lực lượng này hoàn toàn là bán chính sách nhưng vừa rồi trước phiên họp của Quốc hội thì Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm có nêu đề án gom lực lượng này vào huyện quản lý mà tổng cộng lực lượng này lên đến khoảng triệu rưỡi người. Nên tôi nghĩ rằng với cách làm như vậy chắc chắn không có giảm và tổng vẫn sẽ tăng.”

Phát biểu tại phiên họp 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở được tổ chức sáng ngày 11/9, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay tổng số thành viên trong Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở sau khi được tổ chức lại sẽ có khoảng 1,5 triệu người.

Đáng chú ý, theo con số thống kê từ Bộ Công an, tổng số lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở hiện nay khoảng hơn 741.500 người. Như vậy, sau khi thống nhất 3 lực lượng, thay vì tinh giảm biên chế thì số người trong lực lượng cơ sở mới lại tăng hơn gấp đôi. Đây cũng là điều nhiều người thắc mắc.

Theo ông Nguyễn Khắc Mai, sự chậm trễ giải quyết khối lượng biên chế này không phải lỗi của chính phủ chậm chạp, không biết cách giải quyết, mà nguồn gốc của vấn đề là lỗi chủ trương của đảng, của Bộ Chính trị. Ông khẳng định:

Screenshot-(776)
Hình ảnh cuộc họp Quốc hội.
RFA

“Vấn đề loanh quanh năm nay cắt một ít, năm sau cắt một ít thì không biết tới khi nào mới giải quyết được. Tôi nghĩ rằng với cách làm như hiện nay thì không thể nào đáp ứng nhu cầu cắt giảm biên chế được. Muốn cắt giảm biên chế đảng phải đi đầu, làm gương vì rõ ràng có một bộ phận tôi nghĩ là không cần thiết. Trước hết phải giảm bộ máy đảng song trùng, đảng cũng có những công việc như thế, chính phủ cũng có những công việc như thế mà dẫm chân lẫn nhau, anh nọ chờ xin ý kiến anh kia nên chậm chạp đi.”

Chất lượng cán bộ

Từ thực tiễn xã hội, ông Vũ Minh Trí cho rằng dù với số lượng cán bộ quá nhiều như hiện nay, nhưng chất lượng những công nhân viên chức phục vụ trong bộ máy nhà nước vẫn không được đảm bảo:

“Chất lượng tôi thấy rất tệ. Cái này tôi không nói theo cảm tính mà chính đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cách đây mấy năm phát biểu công khai rõ ràng là trong hệ thống công chức chỉ có khoảng 1/3 thực sự làm việc, còn 2/3 còn lại là sáng vác ô đi, tối vác ô về.”

Còn theo ông Nguyễn Khắc Mai, từ việc không giải quyết được số lượng công nhân viên chức dư thừa, không đủ việc cho họ làm, sẽ dẫn đến những hệ lụy nhất định liên quan đến chất lượng cán bộ:

“Cho nên vấn đề giảm biên chế như thế là ít và chậm, biên chế vẫn rất nặng nề. Vì thế nó là một trong những cơ sở để quan liêu, tham nhũng do ngồi không nên kiếm chuyện gây khó dễ cho doanh nghiệp, người dân.”

Ông Vũ Minh Trí cho rằng, sở dĩ chất lượng cán bộ thấp là do tiêu chí tuyển chọn, đề bạt không rõ ràng. Theo ông, điều quan trọng nhất là những người nắm vị trí chủ trì, chủ chốt đều không phải do dân chúng bầu như ở các nước khác mà đều do đảng cử hoặc họ tự đưa nhau lên. Ông Trí cũng nêu ra ví dụ báo chí gần đây loan tải thông tin hàng loạt trường hợp cả họ làm quan có nghĩa là họ tự kéo nhau lên bất chấp tiêu chuẩn, bất chấp quy tắc.

Vì vậy, ông Trí đưa ra đề xuất:

“Tôi nghĩ để làm lành mạnh hoặc nâng cao chất lượng hệ thống cơ quan công quyền thì chỉ có một giải pháp duy nhất là có tự do bầu cử, ứng cử, đề cử một cách thực sự chứ không phải tự do giả dối, giả tạo như hiện nay. Nhân dân, tức các cử tri sẽ tự khắc cử ra được những đại biểu xứng đáng cho họ để làm các công việc của chính quyền.”

Bên cạnh đó, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo cũng bổ sung thêm:

“Trước hết phải bỏ quy định không phân biệt chất lượng bằng tại chức, bằng chuyên tu so với bằng chính quy, phải bỏ đi thì mới mất cơ hội của những người trẻ dốt nát chui vào bộ máy quan chức nhà nước. Đó là điều kiện tiên quyết.”

Riêng đối với các cán bộ đang tại chức, ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng lãnh đạo cần phải quyết liệt, đổi mới nền hành chính này về mặt tổ chức và mặt số lượng cũng như cải cách tiền lương.

“Ví dụ như giảm bớt đi một nửa số biên chế theo như nghiên cứu của Bộ Nội vụ thì sẽ dồn số lương lại cho 50% làm việc được, như thế lương được tăng lên xứng đáng và người ta làm việc có trách nhiệm hơn.”

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu khi phát biểu tại buổi hội thảo khoa học ‘Phát triển nhân lực hành chính nhà nước’ được tổ chức hôm 5/8 bàn về vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đã đưa ra ý kiến cho rằng chỉ khi đội ngũ cán bộ công chức có một chính sách lương ở mức trung bình khá trở lên, thì chính phủ Hà Nội mới kỳ vọng có được khát vọng vươn lên để đề cao trách nhiệm, văn hóa công vụ, đạo đức công chức…

Trong cuộc họp ngày 16/9, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ đã ban hành 6 nghị định, 3 nghị quyết và đang tiếp tục hoàn thiện để ban hành 4 nghị định về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cán bộ, công chức.

Related posts