Giảng viên đuổi sinh viên khỏi buổi học online: Truyền đạt hay ban phát?

Lời xin lỗi muộn màng?

Phó Giáo sư Nguyễn Trường Thịnh, phụ trách Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) vào chiều ngày 20/9 đã chính thức cung cấp các thông tin liên quan đến vụ giảng viên khoa Điện – Điện tử đã đuổi sinh viên ra khỏi lớp học trực tuyến trong video được đăng tải giữa tuần qua đang gây xôn xao trên mạng xã hội.

Phía nhà trường đã chính thức lên tiếng xin lỗi vì sự việc gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh và sinh viên, nhất là trong giai đoạn hầu hết các trường học tại TPHCM đang áp dụng hình thức học online.

Vị giảng viên được nói cũng đã nhận lỗi, cho rằng do mình nóng tính, thiếu cẩn trọng trong việc sử dụng ngôn từ, xử lý tình huống sư phạm nên mới dẫn đến sự việc đáng tiếc xảy ra. Vị giảng viên này đồng thời cũng xin lỗi sinh viên đã bị ông đuổi ra khỏi lớp học.

Một sinh viên (giấu tên vì lý do an toàn) đã từng học qua lớp của vị giảng viên này, cho RFA hay:

“Thầy đó em có học rồi, em biết tại em có trong lớp đó một lần, thầy cũng gắt gỏng lắm nhưng học online thì thầy khác, thầy hiền hơn. Mấy bạn đó lần đầu học thì kiểu bị shock văn hóa, hôm đó thầy cũng hơi nóng.”

Trong khi đó, nhiều sinh viên khi trao đổi với RFA đều cho hay không đồng tình với cách hành xử của giảng viên trong đoạn video đăng tải. Một sinh viên cho biết:

“Giáo viên phải là người bình tĩnh nhất, bạn hỏi bài dù trời mưa vẫn hỏi lại, còn không thích học thì thôi em để thầy muốn nói gì thì nói, em xem lại tài liệu là được, đâu cần hỏi lại làm gì. Lúc đó tốt nhất thầy nên bình tĩnh giảng lại bài cho bạn thì em thấy đâu khó khăn gì đâu mà cách hành xử của thầy như vậy em thấy là không nên.”

Trước đó thầy có cống hiến nhưng giờ sau khi hành xử như vậy em thấy hình ảnh của thầy không còn đẹp nữa. Các bạn nào học thầy đó chắc phải e dè lại một chút, cũng sẽ hạn chế hỏi bài lại.
– Sinh viên

“Em nghĩ lúc đó chắc thầy đang hơi nóng tính mới xảy ra như vậy chứ em không nghĩ giáo viên nào lại như thế với sinh viên. Thực ra nếu em trong trường hợp đó thì em cũng khó chấp nhận chuyện đó vì em có cảm giác mình bị xúc phạm. Thực chất mình vẫn có học, có xem bài nhưng thầy không trả lời mà chọn cách khá cứng nhắc.

Cũng ảnh hưởng đến điểm số em và thành tích sau này nên những việc như thế cũng khá khó chịu.”

Cụ thể, trong đoạn video được lan truyền ngày 17/9, một nam sinh đã xin giảng viên nhắc lại bài giảng vì không nghe rõ do trời mưa to. Tuy nhiên, vị giáo viên đã hỏi tên sinh viên rồi nói: “Rồi, để tui cho anh ra khỏi lớp. Mưa to quá học làm gì, đi ngủ đi nha. Mưa to thì phải tự lấy tai phone để vô, chứ mắc mớ gì mưa to tôi phải giảng nhiều lần.”

Đây là một phần nội dung trong đoạn video dài bốn phút được sinh viên khoa Điện – Điện tử thuộc trường Đại học Sư phạm Kỹ Thuật TPHCM đăng tải.

Theo đó, dù sinh viên cho biết đã gắn tai phone nhưng vẫn nghe không rõ. Tuy nhiên giảng viên này nói: “Vậy thì làm sao học? Nghỉ học online đi nha.” Ngay sau đó, giảng viên đã ‘đuổi’ sinh viên này ra khỏi lớp học online.

Có xứng đáng làm thầy?

Từng có 10 năm kinh nghiệm làm Giảng viên Đại Học Bách Khoa TPHCM, GS. Phạm Minh Hoàng vào tối 20/9 chia sẻ với RFA rằng ông rất bất ngờ với cách hành xử của vị giảng viên trường Đại học Sư phạm Kỹ Thuật TPHCM:

“Nhận định đầu tiên của tôi là cách đối xử của một số thầy giáo, thầy cô ở Việt Nam còn mang tính trưởng giả, có tính cách ban phát quá. Trong khi đó, Nhà nước Việt Nam cũng hay nói trong việc học là phải hai chiều, nghĩa là thầy cung cấp, chia sẻ kiến thức, đồng thời các em cũng có điều kiện để hỏi lại thầy, thậm chí phản biện lại thầy, đó mới là cái học tốt.”

Ảnh minh họa: Một sinh viên đứng trong khuôn viên Đại học Khoa học và Công nghệ ở Hà Nội vào ngày 2/3/2020. AFP

Đáng chú ý, theo nội dung đoạn video, sau khi đã đuổi sinh viên đó ra khỏi lớp bằng cách xóa tài khoản của sinh viên, giảng viên này tiếp tục hỏi xem cả lớp còn ai không nghe nữa, đồng thời yêu cầu từng sinh viên trong lớp mở webcam và nói câu: “Tôi tên là Nguyễn Văn A gì đó…, có đủ miệng và tai, các giác quan như người bình thường.” Theo đó, sinh viên nào nói không rõ liền bị đuổi ra khỏi lớp.

Không chỉ vậy, trong lúc trao đổi với sinh viên, giảng viên này còn nói: “Anh chị có thấy anh sinh viên vừa nói chữ không nhớ, tui bóp cổ ảnh chết không?”

Qua nội dung đoạn video trên, một nữ sinh viên tại TPHCM cho rằng cách ứng xử của giảng viên phần nào đã xúc phạm sinh viên, không thể chấp nhận được:

“Kiểu như bạn đó xin thầy giảng lại, thầy có thể giảng lại, nhưng lại nói với bạn như vậy, xong rồi còn bắt mấy bạn khác phải nói mình tên gì, còn phải đủ giác quan các kiểu thì em thấy hơi bị sỉ nhục, bị tổn thương vì mình đóng tiền học mà còn bị nói vậy.”

Đồng thời bạn nữ sinh này còn cho rằng những cư xử mà vị giảng viên trường Đại học Sư phạm Kỹ Thuật TPHCM thể hiện đã phần nào khiến sinh viên thay đổi cách nhìn đối với nghề giáo:

“Trước đó thầy có cống hiến nhưng giờ sau khi hành xử như vậy em thấy hình ảnh của thầy không còn đẹp nữa.

Các bạn nào học thầy đó chắc phải e dè lại một chút, cũng sẽ hạn chế hỏi bài lại.”

Trong lúc chia sẻ câu chuyện của vị giảng viên trường ĐH Sư phạm Kỹ Thuật nói trên, GS. Phạm Minh Hoàng cũng khẳng định:

“Việt Nam vẫn còn tiếp tục có những người thầy như vậy thì sinh viên và học sinh sẽ không coi người đó xứng đáng để đứng dạy họ nữa. Đối với tôi người thầy đầu tiên trước khi truyền đạt kiến thức hàn lâm, Việt Nam vẫn có câu tiên học lễ hậu học văn, người thầy như vậy tôi nghĩ ông ta không xứng đáng để làm thầy nữa.

Với lại nữa tôi đã chứng kiến tận mắt những đồng nghiệp của tôi có những lời lẽ không xứng đáng được làm thầy. Tôi đã từng chứng kiến chuyện đấy thì tôi đứng về phía người sinh viên, tôi không đứng về phía nhà trường.”

Nhà nước Việt Nam cũng hay nói trong việc học là phải hai chiều, nghĩa là thầy cung cấp, chia sẻ kiến thức, đồng thời các em cũng có điều kiện để hỏi lại thầy, thậm chí phản biện lại thầy, đó mới là cái học tốt.
– GS. Phạm Minh Hoàng

Có hay không sự thiên vị?

Khi video buổi học online của trường Đại học Sư phạm Kỹ Thuật TPHCM được lan truyền rộng rãi, trong chiều cùng ngày 17/9, PGS. TS. Nguyễn Trường Thịnh khi trả lời truyền thông trong nước cho hay trường đã rà soát vụ việc, tuy vậy ông cũng nói thêm rằng theo thông tin ông biết thì đoạn clip khi đưa lên mạng đã bị cắt ghép và không phản ánh đúng bối cảnh.

Tuy nhiên, nhận xét về cách trả lời của TS Thịnh, GS. Phạm Minh Hoàng không đồng tình, ông cho rằng cách trả lời của người đại diện trường Đại học Sư phạm Kỹ Thuật TPHCM khi chưa có kết quả điều tra, rà soát như vừa nêu là không hợp lý và có thái độ bênh vực giảng viên của trường. Đồng thời, ông cho rằng với bất kỳ tình huống nào xảy ra, thái độ của giảng viên trong video clip đối với sinh viên hoàn toàn không thể chấp nhận:

“Video này có cắt ghép hay không chúng ta khó biết lắm, tuy nhiên tôi không thấy có lý do gì để thầy phản ứng như vậy, trừ trường hợp học sinh có những lời lẽ thô lỗ với thầy. Nếu học sinh có những lời lẽ không đúng mực thì đầu tiên người thầy cũng phải có những lời khuyên và nói em đó biết lời lẽ của em không tôn trọng thầy.”

Được biết, trên các diễn đàn, sau khi video được đăng tải, nhiều người đã vào tận trang Facebook cá nhân của vị giảng viên đó để thả phẫn nộ ở những bài viết, hình ảnh của ông này, khiến vị giảng viên phải khóa chức năng bình luận và tương tác trang Facebook cá nhân của ông.

Qua sự việc trên, PGS. Nguyễn Trường Thịnh được truyền thông trong nước cho biết, ông cam kết trường sẽ rà soát các quy chế tổ chức giảng dạy trực tuyến, bồi dưỡng giáo viên để nâng cao hiệu quả, kiểm soát tình huống trong dạy học trực tuyến, khắc phục hạn chế và nâng cao tính tương tác, tạo ra môi trường giao tiếp hiệu quả nhất.

Related posts