Giáo dục Việt Nam một thập niên qua: mọi căn cơ chưa được giải quyết

Việt Nam hôm 8/8 tổ chức hội thảo công bố Báo cáo Phân tích Giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Chuyên gia và giới nghiên cứu cho rằng báo cáo tuy chưa đầy đủ nhưng có thể dựa vào đó để tham khảo và đối chiếu sâu hơn.

“Trước hết phải khen nhóm nghiên cứu đã rất là công phu, khách quan, trình bày trung thực, thẳng thắn và đưa ra những khuyến nghị cũng rất thiết thực.” 

Đó là nhận xét đầu tiên của Giáo sư Mạc Văn Trang, một nhà nghiên cứu về giáo dục thường có những khuyến nghị xây dựng gởi lên cấp lãnh đạo trong nước.

Đối với GS. Mạc Văn Trang, báo cáo gần như một bản tóm tắt thôi vì còn nhiều vấn đề chưa đề cập đến:

Đặc biệt  không nói đến giáo dục phổ thông, mà chính giáo dục phổ thông hãy còn nhiều vấn đề bức xúc đối với nhân dân, với cha mẹ học sinh.”

“Nhưng nói về giáo dục đại học thì có vài điểm như thế này. Trước hết về giáo dục VN, nói là được Đảng Cộng sản và Nhà nước nêu  ra những định hướng, tuyên ngôn rất quan trọng…Thí dụ ‘Giáo dục là quốc sách hàng đầu’, ‘Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển bền vững’ vân vân…Tức là tuyên bố thì rất nhiều nhưng đầu tư, ngân sách cũng như các nguồn lực khác thì còn rất hạn chế. Đấy là cái nhìn chung trong báo cáo”. 

Nhà nghiên cứu độc lập, thạc sĩ Đinh Kim Phúc, bày tỏ  cảm nghĩ sau khi đọc Báo cáo Phân tích Giáo dục Việt Nam 2011-2020:  

Bảng tóm tắt  giáo dục trong 10 năm qua không nói lên được bản chất của các số liệu lập ra để thuyết minh cho sự phát triển của giáo dục Việt Nam. Nhìn vào thì chúng ta thấy có những con số rất ấn tượng, ví dụ trên 3% sinh viên VN du học, ở nước ngoài, tức trên 100.000 học sinh, rồi sự phát triển của các trường đại học VN, của sinh viên VN.”

“Nhưng mà báo cáo không có số liệu chi tiết  về sự phát triển những ngành nghề khác như thế nào, có cân đối theo yêu cầu phát triển của đất nước hay không.”

“Ví dụ VN hiện nay đề cao sự phát triển kinh tế, ‘đi tắt đón đầu’, thì nhìn chung các đại học VN có tập trung vào những ngành ‘hot’, ngành mũi nhọn, ngành cả phụ huynh và học sinh đều thích”.

Báo cáo cũng không nói rõ trong 10 năm qua Việt Nam có đạt tới  những chương trình đào tạo đi sâu vào nghiên cứu cơ bản hay không, là câu hỏi tiếp của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc:

Phải bắt đầu bằng những nghiên cứu khoa học cơ bản thì mới có cơ sở vững chắc. Sự phát triển của giáo dục Việt Nam không đi vào những vấn đề thực chất làm cơ sở. Nói một cách khác là người ta thích ‘đi tắt đón đầu, thích số liệu hơn là thực chất đào tạo”.  

Tại buổi hội thảo ngày 8/8, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục VN, GS. Lê Anh Vinh, trình bày số liệu cơ sở giáo dục đại học bao gồm cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ…tăng mạnh sau năm 2005.

Tiếp đó, từ sau 2010, quy mô đào tạo chỉ tăng nhẹ,  và giảm ở giai đoạn 2014-2019.

Một cách cụ thể, vẫn lời GS. Lê Anh Vinh,  so với năm 2010, chỉ số phát triển quy mô đào tạo đại học là 105,3%. Tỉ lệ này ở năm 2015 là 53,7%, năm 2019 là 52,7%.

Giải thích lý do vì sao số liệu năm 2015 sụt mạnh so với năm 2014, GS. Lê Anh Vinh cho rằng do các cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng về hệ thống giáo dục nghề nghiệp mà Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội quản lý.

Tương tự, so với năm 2010, quy mô sinh viên cũng tăng trưởng mạnh hơn vào năm 2014, bằng 109,3%. Chỉ số này giảm nhẹ vào năm 2018, khoảng 70,2%, nhưng tiếp tục nhích lên vào năm 2019 với 79%.

Báo cáo phân tích còn đưa ra một chỉ số khác, cho thấy năm 2018 có 108.527 du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, bằng 3,6% tổng số sinh viên Việt Nam. Nhóm nghiên cứu cho rằng chỉ số này chứng tỏ Việt Nam đã bắt kịp xu thế và đạt mức trung bình trong số các nước có tỉ lệ nhập học tương đương.

Sinh viên dự lễ tốt nghiệp đại học Văn Miếu, Hà Nội hôm 18/11/2014. AFP

Ngoài ra, vẫn theo báo cáo, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học tăng mạnh ở các năm 2015, 2016, rồi lại giảm nhẹ ở năm 2019. Nhà nghiên cứu giáo dục Mạc Văn Trang:

“Cụ thể, số lượng sinh viên, nghiên cứu sinh năm có  năm tăng, năm giảm, thì cũng là bình thường thôi. Cái chưa nói đến là việc phát triển số lượng nghiên cứu sinh, học tiến sĩ và thạc sĩ  thì nó quá nhiều. Dư luận xã hội rất bức xúc về chuyện đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ theo phong trào. Rất nhiều vị trí làm việc không cần thiết phải có đào tạo tiến sĩ , chẳng hạn như các quan chức, viên chức trong bộ máy Nhà nước, cần thành thạo công việc chứ cần gì bằng cấp tiến sĩ?”

“Vì chạy theo cái danh đó cho nên hàng loạt tiến sĩ ra lò, thậm chí gian lận tại trường Đông Đô trong đào tạo tiến sĩ. Nhiều người còn nói học sinh VN đi du học là’ tị nạn giáo dục’, báo cáo lại nói con số du học sinh tăng cũng chỉ sấp sỉ các nước trong khu vực thôi(?) Những nhược điểm này báo cáo không đề cập tới”. 

Trở lại bản Báo cáo Phân tích Giáo dục Việt Nam một thập kỷ qua, điểm đáng chú ý được chỉ ra là ở một số ngành nghề thì trình độ của sinh viên tốt nghiệp từ những nơi như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội… đã tiếp cận trình độ sinh viên tốt nghiệp của các trường đại học trong khu vực.

Số liệu trong báo cáo cho thấy năm 2018 tỉ lệ sinh viên của 181 cơ sở đại học và 40 trường cao đẳng, có việc làm sau khi tốt nghiệp là 65,5%. Thế nhưng tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng cao hơn so với trung cấp.

Báo cáo dẫn chỉ số từ bảng xếp hạng ‘Times Higher Education’ cho thấy gần đây Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lọt vào Top 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới.

Giáo sư Mạc Văn Trang lý giải cái thực tế Việt Nam vẫn ở vị trí cuối bảng xếp hạng Top 1.000:

“Trong số 1.000 đại học được xếp loại có chất lượng trên thế giới thì Trung Quốc có 40 trường, Nhật 44 trường, Hàn quốc 34 trường, Malaysia 13 trường,  nhưng Việt Nam chỉ có hai trường mà lại ở vị trí cuối của 1.000 đó nếu mà xét về chất lượng nghiên cứu. Một điều cũng đáng suy nghĩ.”

“Một điểm nữa mà báo cáo có nói qua thôi, là kinh phí, nguồn lực cho nghiên cứu khoa học giáo dục nó quá hẹn hẹp. Tôi làm nghiên cứu tôi biết các đề tài bộ giao thường có tính cách thời vụ, thời sự và rất thiếu những nghiên cứu có tính cơ bản, chiến lược . Cho nên giáo dục của VN mình thường bị động, hay thay đổi, nay thế này mai thế khác, Những điều tra như thế này cũng mang tính cách thời vụ thôi”.

Tiếp lời GS Mạc Văn Trang, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc góp thêm ý kiến:

“Tôi cũng đồng tình là ngân sách dành cho giáo dục VN không cao so với ngân sách dành cho quốc phòng và an ninh. Nhưng thực chất kinh phí GDP quốc gia mà chi cho giáo dục  thì giáo dục đã dùng nguồn tiền này như thế nào là vấn đề đáng nói. Chi cho cơ sở giáo dục, chi cho cơ sở vật chất hay chi cho mục đích nào khác mà nó mang hai từ ‘giáo dục’? Việt Nam không phải một nước giàu, tỉ lệ 17.000 tỷ dành cho giáo dục so với khu vực cũng là tương đối nhưng so theo nhu cầu thì chưa đáp ứng được tầm vóc một quốc gia muốn phát triển về giáo dục.”

“Bên cạnh đó, đặt vấn đề các trường đại học và tổ chức đào tạo có gắn liền với nghiên cứu hay không là một vấn đề nhức nhối trong hệ thống đào tạo của VN hiện nay.”

Giáo dục VN có sự cải thiện đáng kể trong một thập kỷ qua nhưng chưa có sự chuyển biến căn bản, là khẳng định của GS Mạc Văn Trang.

Vẫn theo lời ông, cố gắng ra được một bản Báo cáo Phân tích Giáo dục như thế này cũng là sự tiến bộ rất tốt rồi, song đi hết 10 năm mà vẫn còn bị các lân bang khu vực bỏ xa thì quả là điều gây bức xúc.

Nhóm nghiên cứu kiến nghị cần phát triển giáo dục đại học theo hướng tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao có khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, có tư duy đổi mới sáng tạo và đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội và nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Related posts