Góp ý qua kinh nghiệm thực tiễn và chuyên môn để đối phó dịch COVID-19 ở Việt Nam

Kêu gọi kiều bào hiến kế chống dịch COVID-19

Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM-ông Phùng Công Dũng, trong tâm thư gửi đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài, kêu gọi kiều bào chia sẻ những kinh nghiệm, đóng góp ý kiến và hiến kế trong việc phòng, chống dịch COVID-19.

Ông Phùng Công Dũng nhấn mạnh rằng Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM sẵn sàng tiếp nhận mọi ý kiến của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân và kiều bào gửi đến cơ quan này trước cuối tháng bảy.

Các ý kiến được kêu gọi đóng góp tập trung vào chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, đưa ra các giải pháp nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch tại các khu cách ly cũng như trong việc xét nghiệm và trả kết quả cho người dân, giới thiệu các ứng dụng, công nghệ phục vụ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Kinh nghiệm thực tiễn

Ông Thanh Nguyễn, một người Mỹ gốc Việt hiện đang cư ngụ tại bang Florida, Hoa Kỳ, vào ngày 21/7, cho RFA biết ông rất phấn khởi khi đọc được thông tin kêu gọi vừa nêu của giới chức lãnh đạo Việt Nam.

Là một bệnh nhân và là một nhân chứng lịch sử trong bệnh dịch COVID-19 của nhân loại thế kỷ 21, ông Thanh Nguyễn bị nhiễm bệnh trong những ngày đầu dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu.

Ở tuổi đời thất thập cổ lai hy và mang nhiều bệnh trong cơ thể, ông Thanh Nguyễn rất đỗi lo sợ khi biết tin mình bị nhiễm bệnh COVID-19.

“Nhân viên làm xét nghiệm và tôi biết rằng tôi đã bị dương tính. Và họ chỉ nói một câu giản dị là ‘về nhà tự cách ly’.

Không có thuốc men, không được tiếp xúc với bất kỳ ai và đồng thời không có bất cứ hướng dẫn nào từ giới chuyên môn y tế, ông Thanh Nguyễn thật sự hãi hùng trong thời gian bị bệnh kéo dài hai tuần lễ.

Ông Thanh Nguyễn phải chống chọi với cơn bệnh trong cô độc và lời nói ám ảnh của bác sĩ rằng cơ hội sống sót của ông chỉ có khoảng 30%. Ông Thanh Nguyễn có thể gọi cấp cứu khi khó thở, ngoài ra bệnh viện không thể làm gì khác để điều trị cho ông.

Chia sẻ với RFA, ông Thanh Nguyễn nói rằng kinh nghiệm bản thân ông qua khỏi cơn nhiễm bệnh COVID-19 chỉ bằng súc miệng thường xuyên với muối, thuốc xông, dầu gió và ý chí.

“Khi đó không còn đủ sức để xông theo kiểu cổ truyền, tức là trùm kín mền để xông. Tôi chỉ để cái nồi (xông) sẵn trên bếp, để lửa trung bình. Thường thường cơn sốt tới vào khoảng 11 giờ đêm và làm nghẹt thở. Tới lúc lên cơn sốt thì tôi mở bếp và đứng tại đó, đợi cho đến khi hơi xông bốc lên thì đưa mặt vào và cố gắng hít hơi cho thật dài và cho thật sâu. Nín lại và thở ra như vậy khoảng 10 lần cho đến khi thấy thông và thở được rồi thì không còn sợ bị nghẹt thở. Theo kinh nghiệm của tôi thì không nên nằm mà cần phải ngồi để không bị nghẹt thở nữa. Tôi thì không bị sao cả vào ban ngày, nhưng luôn bị nghẹt thở vào ban đêm.”

Ông Thanh Nguyễn bộc bạch rằng chiến đấu với cơn bệnh, kinh khủng nhất là về mặt tinh thần với suy nghĩ “bị bỏ rơi”.

“Về tâm lý thì tôi lúc đó đã tắt tất cả các app báo cáo về số người chết mỗi ngày do COVID-19. Xem chỉ có hại thôi vì tôi phải chiến đấu với bệnh dịch có một mình. Về tinh thần rất là quan trọng. Đừng để sợ hãi chi phối. Riêng tôi, tôi biết rằng mình vẫn còn sống bằng cách tôi viết hồi ký mỗi ngày. Thà rằng viết hồi ký (chống chọi với bệnh dịch), dù có chết đi thì vẫn có thể chia sẻ kinh nghiệm lại cho những người khác. Và như vậy thì mình thấy rằng mình vẫn còn kết nối với thế giới đang sống ở bên ngoài.”

Nếu tôi có người thân ở Sài Gòn, tôi khuyên họ trong trường hợp còn được ở nhà tự cách ly thì nên ở nhà. Như vậy sẽ tốt hơn vô trong bệnh viện quá đông người, nơi đó còn dễ bị chết hơn. Tại vì không ai kiểm soát được một cách hòan toàn. Còn ở nhà thì dù sao vẫn còn dễ để tự kiểm soát mình. Do đó, nên ở nhà-Ông Thanh Nguyễn

Theo dõi tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát nghiêm trọng ở miền Nam Việt Nam, ông Thanh Nguyễn cho rằng các biện pháp giãn cách xã hội theo hình thức “ngăn sông cấm chợ” và tập trung cách ly đang được áp dụng, đặc biệt tại thành phố Sài Gòn là một “con dao hai lưỡi”.

“Nếu tôi có người thân ở Sài Gòn, tôi khuyên họ trong trường hợp còn được ở nhà tự cách ly thì nên ở nhà. Như vậy sẽ tốt hơn vô trong bệnh viện quá đông người, nơi đó còn dễ bị chết hơn. Tại vì không ai kiểm soát được một cách hòan toàn. Còn ở nhà thì dù sao vẫn còn dễ để tự kiểm soát mình. Do đó, nên ở nhà.”

Bà Bình Trần, sinh sống ở bang New York, Hoa Kỳ và bà đã ở tại Việt Nam kể từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện hồi đầu năm 2020.

Trao đổi với RFA, bà Bình Trần cho biết bà luôn theo dõi sát sao thông tin về căn bệnh của thế kỷ này. Bà Bình Trần khẳng định rằng bản thân và gia đình kể cả ở Mỹ hay ở Việt Nam đều không cảm thấy quá lo lắng và sợ hãi vì luôn tìm hiểu thông tin và thực hiện theo đúng những chỉ dẫn và khuyến cáo.

Bà Bình Trần bay trở lại Mỹ hồi cuối tháng sáu để chích ngừa vắc-xin chống COVID-19. Theo quy định của bang New York, bà Bình phải tự cách ly ở nhà một tuần.

Lên tiếng về biện pháp tự cách ly ở nhà tại Việt Nam, bà Bình Trần nói về quan điểm cá nhân của mình:

“Tức là một số người dân có ý thức, họ có thể đọc báo, đọc tin tức nên họ nắm được vấn đề và áp dụng theo đúng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Thế nhưng cũng có những người không tìm hiểu kiến thức kỹ hoặc chưa được truyền đạt đúng cho nên người ta sẽ không sao và không cảm thấy sợ. Ví dụ những người bị dương tính mà không có triệu chứng thì cho họ cách ly ở nhà cũng được. Tuy nhiên phải hướng dẫn họ, dạy cho họ phải làm thế nào để họ áp dụng đúng thì mới có hiệu quả. Chứ còn để người ta tự cách ly mà không có kiến thức gì hết thì những người không có ý thức đó là nguồn lây không thể kiểm soát được.”

Người dân được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 ở TPHCM.

Góp ý của giới chuyên gia

Bí thư TP.HCM, ông Nguyễn Văn Nên, hồi trung tuần tháng bảy, từng gặp gỡ trực tiếp các chuyên gia, nhà khoa học để nghe những ý kiến độc lập nhằm góp thêm phương pháp vào chiến lược chống dịch COVID-19 của thành phố.

Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, chuyên gia về dịch tể học và di truyền loãng xương, thuộc Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, ở Australia, đăng tải trên tài khỏa Facebook cá nhân vào ngày 20/7 với ghi nhận ngành y tế Việt Nam có lắng nghe những ý kiến nghiêm chỉnh được bày tỏ trên phương tiện truyền thông xã hội.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng đây là điều đáng khen ngợi. Tuy nhiên, về biện pháp cách ly tại nhà trong bối cảnh bệnh viện ở TP.HCM bị quá tải, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nhận thấy giới chức y tế ở Việt Nam vẫn còn đang phân vân.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn ghi rõ ý kiến của ông và chúng tôi xin được trích nguyên văn:

“Thiết tưởng câu chuyện khá rõ ràng, từ chứng cớ khoa học đến sự sẵn có các mô hình giúp sàng lọc người nhiễm một cách hữu hiệu, cùng những ý kiến của các bác sĩ sẵn sàng tham gia tư vấn qua mạng hay tại nhà, thì còn phân vân gì nữa.”

Ví dụ những người bị dương tính mà không có triệu chứng thì cho họ cách ly ở nhà cũng được. Tuy nhiên phải hướng dẫn họ, dạy cho họ phải làm thế nào để họ áp dụng đúng thì mới có hiệu quả. Chứ còn để người ta tự cách ly mà không có kiến thức gì hết thì những người không có ý thức đó là nguồn lây không thể kiểm soát được-Bà Bình Trần

Đài RFA ghi nhận vấn đề tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 tại Việt Nam đang được cộng đồng đặc biệt quan tâm.

Trong tâm thư của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM kêu gọi kiều bào hiến kế chống dịch COVID-19, công bố hôm 18/7, đã đề nghị giúp cho Chính quyền TP.HCM trong việc cung cấp vắc-xin, công nghệ chế tạo vắc-xin, trang thiết bị hỗ trợ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 và hiến kế các giải pháp an toàn để doanh nghiệp vừa sản xuất vừa thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch.

Thêm vào đó, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM còn kêu gọi kiều bào đóng góp vào “Quỹ vaccine Phòng COVID-19”, tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM.

Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, hôm 13/7, chia sẻ trên trang Facebook cá nhân rằng ông đã viết thư cho ông Bộ trưởng Dan Tehan và ông Thủ tướng Australia Scott Morrison, khuyên họ nên tăng số liều vắc-xin cho Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đồng thời kêu gọi cộng đồng người Việt hải ngoại cũng có thể làm tương tự như thế.

Trong khi đó, Đài RFA ghi nhận một số ý kiến cho rằng Chính quyền Việt Nam cần thực hiện trách nhiệm của họ trong việc công bố báo cáo “Quỹ vaccine Phòng COVID-19” cũng như công khai tình trạng tiêm vắc-xin của giới lãnh đạo để dân chúng được minh bạch thông tin và có đủ niềm tin đóng góp sức lực và tiền của trong việc chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra nghiệm trọng tại Việt Nam.

Related posts