Hàng trăm hộ dân bị khóa cổng nhà để cách ly COVID-19: Có vi phạm pháp luật?

Nhiều ý kiến trái chiều

Liên quan thông tin 278 hộ dân ở xã Hoằng Thái phải khóa cổng nhà trong vòng 14 ngày để phòng chống COVID-19, Chủ tịch UBND xã Hoằng Thái-ông Trịnh Hữu Vui, vào ngày 1/9, cho truyền thông Nhà nước Việt Nam biết đây là việc làm mà chính quyền xã Hoằng Thái đã tuyên truyền và vận động người dân ký giấy đồng ý cho địa phương khóa cổng 278 hộ dân với gần 400 người trong vòng 14 ngày để thực hiện cách ly y tế tại nhà.

Chủ tịch xã Hoằng Thái khẳng định với báo giới rằng những hộ dân sẽ được các thành viên của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 giúp đi chợ trong thời gian 14 ngày khóa cổng nhà.

Chị Lan (tên được đổi theo yêu cầu), một người dân ở Thanh Hóa, đang sinh sống ở Bình Dương, vào tối ngày 2/9, chia sẻ với RFA rằng chị đã gọi điện về quê để hỏi thăm bố mẹ cũng đang cách ly tại nhà để phòng chống dịch bệnh ra sao.

Chị Lan cho biết gia đình chị và bà con của chị ở quê vẫn đang tuân thủ quy định ở trong nhà, không ra đường. Tuy nhiên, người thân của chị Lan bày tỏ chưa rõ chính quyền địa phương nơi họ sống có dự định khóa cổng nhà như đang áp dụng tại xã Hoằng Thái hay không.

Qua đó, chị Lan nói chị đang lo ngại, nếu cổng nhà bị khóa thì có thể bị rủi ro ngoài ý muốn và dẫn đến nhiều hệ lụy:

“Như bản thân em cũng vậy thôi. Em có việc đi ra ngoài thì em vẫn phải để cửa con em ra vào cho thoải mái. Lỡ như khóa rồi bị cháy nổ thì khi đó có hối hận cũng không kịp.”

“Như bản thân em cũng vậy thôi. Em có việc đi ra ngoài thì em vẫn phải để cửa con em ra vào cho thoải mái. Lỡ như khóa rồi bị cháy nổ thì khi đó có hối hận cũng không kịp-Chị Lan

Đài RFA ghi nhận trên trang xã hội cộng đồng “Đồng Hương Hoằng Hóa”, một số người lên tiếng với cùng nỗi lo lắng giống như chị Lan.

Cụ thể từ những ý kiến trên trang xã hội của “Đồng Hương Hoằng Hoá”, chúng tôi tóm lượt như sau: nhiều người cho rằng đó là sáng kiến thiếu suy nghĩ và quyết định tiêu cực của cán bộ xã Hoằng Thái. Tuy vậy, đa số ý kiến cũng bày tỏ sự đồng tình với việc làm của chính quyền địa phương. Họ lập luận rằng biện pháp này an toàn vì có nhân viên túc trực và đi chợ giúp. Đồng thời, mong muốn những địa phương khác cũng áp dụng theo để dịch bệnh không bùng phát và lây nhiễm như ở khu vực miền Nam.

Trong khi đó, có một vài ý kiến của người dân ở các xã Hoằng Quý và Hoằng Tân, cũng thông qua trang “Đồng Hương Hoằng Hóa” cho biết chính quyền xã nơi họ sống cũng áp dụng biện pháp khóa cổng nhà và họ ủng hộ.

Một người dân, ở huyện Nghi Sơn, vào tối ngày 2/9, lên tiếng với RFA:

“Khu Hoằng Hóa thì cũng không gần chỗ em lắm. Nhưng ở chỗ em có một gia đình là F2 và em cũng thấy trước nhà có khóa cửa. Tuy nhiên em không rõ là chủ nhà giữ chìa khóa hay chính quyền giữ nữa.”

Ảnh minh họa. Một người dân khu phong toả, cách ly, dãy trọ F0 ở TP.HCM nhận quà cứu trợ từ mạnh thường quân vào ngày 1/9/2021.Facebook Đêm Sài Gòn.

Vi phạm luật?                   

Luật sư Phạm Công Út, trong cùng tối ngày 2/9, nói với RFA rằng ông cũng đã xem được video ghi lại hình ảnh các hộ dân bị khóa cổng nhà.

Luật sư Phạm Công Út cho biết theo luật định, nếu người dân tự nguyện thì chính quyền địa phương không phải chịu trách nhiệm về hành vi việc làm của họ. Tuy nhiên ngược lại, nếu họ bị bắt buộc thì:

“Còn nếu họ làm đơn tố cáo, tố giác tội phạm, yêu cầu khởi tố về hành vi bắt giữ người trái pháp luật và đối chiếu với tội danh trong Bộ luật Hình sự 2015 thì cấu thành tội phạm.

Tức là người ta không phải là bệnh nhân và không bị một quyết định hành chính nào tống đạt hợp lệ đối với họ, do họ vi phạm một quy định nào đó về hành chính.”

Luật sư Phạm Công Út nhấn mạnh nếu như người dân tố cáo, tố giác thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Nếu họ làm đơn tố cáo, tố giác tội phạm, yêu cầu khởi tố về hành vi bắt giữ người trái pháp luật và đối chiếu với tội danh trong Bộ luật Hình sự 2015 thì cấu thành tội phạm. Tức là người ta không phải là bệnh nhân và không bị một quyết định hành chính nào tống đạt hợp lệ đối với họ, do họ vi phạm một quy định nào đó về hành chính-Luật sư Phạm Công Út

Theo thiển ý của luật sư Phạm Công Út, các chỉ thị giãn cách xã hội là nguồn dẫn đến hậu quả vi phạm luật định hiện hành của Việt Nam. Luật sư Phạm Công Út nói tiếp:

“Vấn đề ban hành quy phạm pháp luật thì Chỉ thị không áp dụng đối với toàn xã hội, mà đó chỉ là quy định nội bộ từ cấp trên đến cấp dưới. Ví dụ như từ cấp thủ tướng đến các cấp cơ sở và nội bộ chính quyền, chứ không áp dụng đối với người dân.

Thế nhưng, người ta lại dùng các Chỉ thị này để xem như tình trạng ban bố thiết quân luật. Do đó, về câu từ là lách luật còn hành động thì giống như tình trạng khẩn cấp.”

Luật sư Phạm Công Út lập luận rằng Chính quyền Việt Nam đang “né tình trạng khẩn cấp bằng phong tỏa, cách ly”.

“Tôi cho là vi phạm nghiêm trọng, không phải chỉ một hành vi mà là nhiều hành vi và không phải là đơn lẻ mà mang tính chất có tổ chức. Đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa, vùng tỉnh lẻ thì người ta đã lạm quyền.”

Đơn cử một trường hợp được luật sư Phạm Công Út nêu lên, qua hình ảnh video phổ biến trên mạng xã hội gây chú ý trong cộng đồng, là một số người mặc đồ bảo hộ y tế trèo tường vào nhà dân, phá cửa phòng để bắt người dân đi cách ly tập trung.

Luật sư Phạm Công Út khẳng định việc làm đó là “hành vi công vụ” vi phạm pháp luật.

“Thứ nhất là xâm phạm chỗ ở. Thứ hai là hủy hoại tài sản, nhà người ta mới xây mà họ đập cửa xông vô. Thứ ba, cưỡng chế người ta đi phải bằng một quyết định hành chính. Cưỡng chế là phải có quyết định tống đạt đến người ta, chứ không phải xông vào để lôi người ta đi, rồi khởi tố người ta tội danh ‘chống người thi hành công vụ’. Trong khi có phải là thi hành công vụ hay không? Hay họ bắt giữ người trái pháp luật?”

Trong suốt hơn hai tháng áp dụng biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, dân chúng ở Việt Nam bị rơi vào tình cảnh “không biết đâu mà lần”. Bởi vì, mỗi địa phương diễn giải chỉ thị, quy định phòng chống dịch COVID-19 mỗi kiểu.

Nhiều người dân Đài RFA tiếp xúc bộc bạch rằng chẳng ai muốn ra đường trong tình hình dịch bệnh phức tạp, nhưng vì nhu cầu cấp bách họ buộc phải đi và nỗi sợ hãi lớn nhất không phải bị lây nhiễm mà sợ bị “phạt vạ” với những lý do “không thể hiểu”, như kiểu “bánh mì không phải là thực phẩm”.

Related posts