“Hậu quả lớn nhất của dự án Cát Linh-Hà Đông là mất niềm tin của dân”

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đến kỳ trả nợ gốc khoản vay trong khi tàu vẫn chưa được đưa vào vận hành, Bộ Tài chính đã phải ứng quỹ tích lũy để trả nợ trước. Đó là nội dung trích dẫn trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM, được báo chí nhà nước đưa tin hôm 21/10.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải còn đề xuất xin phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung danh mục “trả nợ gốc các hiệp định vay của dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông” trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của ngành giao thông, để trả nợ gốc khoản vay lại của dự án.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, dành cho Đài Á châu Tự do cuộc phỏng vấn để chia sẻ quan điểm của ông về hai sự kiện này.

Cao Nguyên: Xin chào Giáo sư, báo chí trong nước hôm 21/10/2021 cho biết, đến kỳ trả nợ gốc khoản vay lại của các hiệp định vay, Bộ Tài chính ứng quỹ tích lũy để trả nợ gốc khoản vay đầu tư dự án Cát Linh-Hà Đông theo cam kết của Chính phủ tại các hiệp định vay vốn. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu như Việt Nam không đủ sức trả nợ khoản vay này của Trung Quốc?

GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng trong dự án này còn nhiều điều chưa rõ ràng minh bạch. Đây cũng là câu hỏi được đặt ra bởi rất nhiều người Việt Nam là bây giờ nó dẫn đến một cái hệ quả là đường sắt này chỉ hơn 10 cây số thôi, chi phí phát sinh trong dự án án đã lên gần như là gấp đôi, thế nhưng mà hiện nay vẫn chưa đi vào vận hành, chưa đi vào phục vụ cho người Hà Nội, mà đã bắt đầu đến thời hạn phải trả nợ.

Và như vậy cái vay này cũng không thể ưu đãi, bởi vì điều kiện để vay ưu đãi là không có. Vậy thì có nhiều vấn đề đặt ra là khoản vay này có cần thiết hay không cần thiết. Và tôi cũng có cảm giác làm có một cái gì đó nó chưa thực sự minh bạch trong dự án này và cũng làm nhiều người Việt Nam nói chung cũng đặt ra vấn đề cần phải xem xét.

Thứ nhất là trách nhiệm và những lỗi xảy ra gây cho Việt Nam những thiệt hại rất nhiều, kể cả những cơ quan chính thức của Việt Nam, thì những sai phạm ở đây là những cái gì thì cũng là quá trình cần phải minh bạch.

Thứ hai là giải pháp nào để làm cho phía Việt Nam không bị thiệt hại tiếp nữa. Đấy nó như là một cái tượng đài để đưa ra nhắc những người có thẩm quyền cũng như là người dân Việt Nam về cái việc tận dụng ODA của các nước như thế nào, để từ kinh nghiệm này rút được những bài học lớn.

 Thì có hai việc đấy tôi cho là hai việc lớn nhất phải làm. Thế còn đến nay thì chắc chắn là những cái hớ hênh của Việt Nam để bị rơi vào những khoản nợ. Đường sắt thì chưa hoạt động được mà phải trả nợ gốc thì quả là những cái mà chắc chắc chắn người Việt Nam nào nghe cũng cảm thấy có gì đấy là bực mình, thậm chí là một nỗi buồn.

Cao Nguyên: Một thông tin khác là Bộ Giao thông vận tải cũng báo cáo Thủ tướng đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung danh mục “Trả nợ gốc các hiệp định vay của dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông” trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông vận tải để trả nợ gốc khoản vay lại của dự án. Nhận xét của ông như thế nào về việc này?

GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng vào đâu đi nữa thì nó cũng vẫn là tiền của Việt Nam. Đưa ra cái chuyện bổ sung vào đâu đấy là thủ thuật về mặt tài chính. Thế thì cái chuyện này tôi cho rằng trả nợ là trả nợ chứ sao lại đưa vào hạn mục đầu tư công.

Tôi cho rằng riêng cái đề xuất đó nó cũng có tính chất vá víu và có tính chất không minh bạch, tiếp tục không minh bạch. Thế thì về khoản này là phải trả nợ thì viết vào khoản trả nợ chứ không thể viết vào khoản đầu tư tiếp được.

Vì đây là một dự án mà Bộ Giao thông vận tải quản lý trực tiếp chứ không phải là Hà Nội, thế thì ở đây tôi chỉ cho rằng là nó là trả nợ gốc, bắt đầu phải trả lãi thì đưa vào khoản trả nợ, đưa vào hạng mục trả nợ chứ không đưa vào hạng mục đầu tư công tiếp, thì nó mới có một nền tài chính minh bạch.

Đường cao tốc Lào-Trung dài hơn 400 km do Trung Quốc thi công chỉ mất 5 năm,
bằng nửa thời gian xây Metro Hà Nội. Ảnh: Xinhua/PLO

Cao Nguyên: Tuyến đường sắt cao tốc dài 414 km nối từ Vientiane (Lào) tới biên giới Trung Quốc vừa hoàn thành sau năm năm xây dựng với số vốn đội lên gấp khoảng năm lần so với ban đầu. Trong khi đó, Cát Linh-Hà Đông chỉ 13km và xây dựng đã 10 năm nhưng vẫn chưa xong. Tại sao Lào làm được mà Việt Nam không làm được?

GS Đặng Hùng Võ: Đấy thì tôi vẫn cho rằng trong ký kết các điều khoản có cái gì đấy không minh bạch, và cái này chắc chắn người chủ đầu tư dự án bên Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải sẽ phải làm giải trình trước Quốc Hội.

Theo tôi là một người dân thì tôi cho rằng phải làm những cái giải trình chi tiết trước Quốc Hội về việc quản lý dự án này. Tại sao lại hớ hênh đến thế! Tại sao để ra nhiều cái hậu quả nặng nề đến như vậy!

Tôi cho là cái hậu quả lớn nhất là làm mất lòng tin của người Việt Nam, còn tiền bạc là hậu quả tiếp theo đối với những dự án Chính phủ tiếp nhận kế hoạch dưới dạng ODA.

Cao Nguyên: Phải làm sao để Chính phủ hay là Bộ Giao thông vận tải phải công khai hợp đồng của dự án này, thưa ông?

GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng cần phải Tổng thanh tra đối với dự án này. Bởi vì với ODA thì chắc chắn là không làm gì được với phía cung cấp ODA, nên nội bộ Việt Nam phải làm rõ là tại sao lại có những cái thất thoát đối với Việt Nam. Tại sao lại có những cái điều khoản vô lý đối với Việt Nam, kể cả từ giá cả, giá trị ODA, việc dùng ODA, cái giá trị đó được dùng vào những việc gì, thì mới có thể nhìn thấy được những cái khuất tất nếu có, hoặc là có những cái hớ hênh trong tranh chấp về ký kết.

Thì tất cả những cái đó phải làm thật rõ. Và đây tôi cho rằng cũng là nguyện vọng của rất nhiều người Việt Nam mong muốn.

Cao Nguyên: Theo ông, bây giờ làm sao để Chính phủ Việt Nam có thể giải quyết dứt điểm dự án này?

GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng khi mà tôi nói đó là một cái tượng đài thì tôi đã nói lên một cái ý bóng gió rằng bây giờ có đưa vào hoạt động thì chưa chắc nó đã mang lại lợi ích. Vậy thì hãy để cho nó làm một cái việc khác, có thể là một con đường đi bộ để dạo quanh Hà Nội chẳng hạn, có khi lại có lợi hơn là vận hành tiếp tục cái đường sắt này.

Cao Nguyên: Xin cảm ơn Giáo sư rất nhiều vì đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông được phê duyệt vào năm 2008, chính thức khởi công vào 10/2011, và dự tính sẽ vận hành thương mại vào năm 2015. Dự án này liên tục chậm tiến độ, đội vốn, từ mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD) lên 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD). Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng. Sau 10 năm thi công, tàu vẫn chưa được đưa vào vận hành.

Trong khi đó, Trung Quốc vừa mới bàn giao đoàn tàu cao tốc mang tên Lane Xang cho Lào hôm 16/10 vừa qua. Đoàn tàu này có vận tốc 160km/giờ, sẽ chạy trên tuyến đường sắt cao tốc dài hơn 400km nối Vientiane và biên giới Trung Quốc, được khởi công vào năm 2016.

Related posts