Hoa Kỳ sẽ tăng cường tương tác tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

“Quý vị sẽ chứng kiến một số hoạt động ngoại giao cấp rất cao trong vòng sáu tháng tới”.

Ông Kurt Campbell, Điều phối viên của Nhà Trắng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, phát biểu như vừa nêu tại buổi trò chuyện với Asia Society hôm 6 tháng 7 về chiến lược của Hoa Kỳ dưới nhiệm kỳ Joe Biden trong khu vực:

“Có một sự nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của Châu Á và quý vị sẽ thấy điều đó từ tổng thống trở xuống. Tôi ghi nhận đánh giá của Danny (Russell, nhà ngoại giao-pv) về những tương tác ở Đông Bắc Á, nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi hoàn toàn nhận ra rằng để thực sự có một chiến lược Châu Á, một sự tiếp cận Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hiệu quả, chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa ở Đông Nam Á”.

Tổng thống Biden hồi tháng Giêng đã bổ nhiệm nhà ngoại giao Kurt Campbell vào vai trò điều phối viên, một vị trí mới được tạo, đặc trách về các vấn đề của Châu Á. 

Ông Campbell trước đó đã từng phục vụ trong vai trò trợ lý thứ trưởng ngoại giao về Đông Á dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Một lĩnh vực trước mắt mà Hoa Kỳ sẽ gia tăng tương tác là qua chính sách ngoại giao vắc-xin. Ông Kurt Campbell nói: 

“Các quốc gia sẽ không an toàn cho đến khi người dân được tiêm chủng đầy đủ. Chúng tôi sẽ có chương trình vắc-xin của riêng mình, nhưng cũng đang làm việc với Bộ Tứ (Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc). Chúng tôi can dự sâu để đảm bảo rằng chúng tôi sẽ cung cấp vắc-xin vào năm 2022 cho khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Chúng tôi nghĩ rằng đây là đóng góp quan trọng nhất mà có thể thực hiện trong thời gian ngắn tới đây. Vắc-xin của các quốc gia khác cũng đóng vai trò quan trọng nhưng chúng tôi nghĩ chúng không bền vững như một số vắc-xin mRNA và vắc-xin của Hoa Kỳ”. 

Tuy nhiên ông Campbell nhìn nhận rằng vị thế của Hoa Kỳ đã có phần suy giảm trong những năm gần đây. Điều này dẫn đến một số nguy cơ và Mỹ sẽ phải tăng cường đầu tư vào khu vực trên toàn diện. Ông nói:

“Một số khoản đầu tư đó không chỉ nằm trong các vấn đề liên quan đến quân sự hoặc các hiệp định (thương mại). Các đầu tư này xoay quanh vấn đề nhân sự và quan hệ cá nhân. Chúng tôi cần đảm bảo rằng chúng tôi có một nhóm đồng minh trong chính phủ Hoa Kỳ và trong lĩnh vực kinh doanh thực sự có hiểu biết sâu sắc về Châu Á nói chung. Tôi có phần hơi ngạc nhiên và thấy Hoa Kỳ cần phải làm tốt hơn trên mặt trận này. Năng lực của chính phủ Hoa Kỳ vẫn chưa đủ so với những thách thức phía trước. Đây không phải là một tập hợp các sáng kiến sẽ chỉ tốn một vài năm mà là một nỗ lực của cả một thế hệ … ”

Ông Kurt Campbell tiết lộ chính quyền Biden sẽ công bố một số sáng kiến xây dựng hạ tầng cơ sở tại Đông Nam Á cũng như về biến đổi khí hậu khi Tổng thống Hoa Kỳ tiếp đón các nhà lãnh đạo Bộ Tứ bao gồm Úc, Nhật Bản và Ấn Độ tại Mỹ vào cuối năm nay.

Ông cũng nhận xét rằng trong một số trường hợp Hoa Kỳ bị vượt mặt khi Trung Quốc và Nga đã điều động đồng minh vào những vị trí lèo lái một số thể chế quốc tế, tạo một số khó khăn cho Hoa Kỳ.

“Thách thức trước mắt là Hoa Kỳ sẽ phải đưa ra một chiến lược mang lại cho Trung Quốc cả những cơ hội và thách thức nếu họ có hành động đi ngược với việc duy trì hòa bình và ổn định”. -Kurt Campbell

Một trong những diễn biến địa chính trị khiến ông kinh ngạc khi trở lại lĩnh vực ngoại giao sau 10 năm là tư thế quyết đoán hơn của một Bắc Kinh muốn đóng vai trò đứng đầu trên trường thế giới, muốn định hình lại các quy luật tại Châu Á để có lợi hơn cho Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi liệu và làm sao Hoa Kỳ có thể tránh một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc, ông Campbell bác bỏ mô hình đó, thay vào đó ông mô tả quan hệ hai bên sẽ là một sự tranh đua với một số sự liên kết về chính sách trong những vấn đề có lợi cho hai bên như biến đổi khí hậu.

Ông nhấn mạnh: “Thách thức trước mắt là Hoa Kỳ sẽ phải đưa ra một chiến lược mang lại cho Trung Quốc cả những cơ hội và thách thức nếu họ có hành động đi ngược với việc duy trì hòa bình và ổn định”.

Trong vấn đề Đài Loan ông khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ một quan hệ không chính thức với Đài Bắc. Hoa Kỳ không hỗ trợ một Đài Loan độc lập.

Related posts