Hoãn phiên xử 12 người tội “hoạt động lật đổ” vì bị can nhiễm COVID trong trại giam

Theo dự kiến, bà Trần Thị Ngọc Xuân cùng với 11 người khác bị truy tố về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo điều 109 Bộ luật hình sự năm 2015, bị Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm vào hai ngày 29 và 30/3/2022.

Tuy nhiên, vào chiều ngày 28/3, luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bảo vệ quyền lợi cho bà Trần Thị Ngọc Xuân, được thư ký toà án gọi điện thông báo rằng bà Xuân đang bị COVID nên phiên toà sơ thẩm sẽ hoãn lại. Luật sư Miếng nói với RFA:

“Hôm nay cô Xuân bị COVID, cho nên không thể ra phiên tòa được, do đó phải hoãn phiên tòa.

 Chiều nay tôi định gặp (bà Xuân – PV) một lần nữa nhưng chưa kịp gặp thì tòa thông báo tình trạng của Xuân như vậy.

Theo luật thì là hoãn một tháng, nhưng mà theo tình hình dịch bệnh, vừa rồi có nhiều phiên tòa họ không có theo cái thời gian đó, bởi vì nó dịch bệnh mà.”

Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho biết 12 bị can trong vụ án này bị bắt trong năm 2020 và ban đầu bị khởi tố theo 9 vụ án riêng lẻ ở nhiều tỉnh, thành khác nhau như TPHCM, An Giang, Đồng Nai, Đak Lak, Lâm Đồng, Kon Tum, Đak Nông và Phú Yên…

Từ tháng ba đến tháng 8/2020, các vụ án này đã bị nhập lại thành một vụ án lớn vì có chung các hành vi như đăng ký, tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, thực hiện “trưng cầu dân ý”, phát hành, tuyên truyền các tài liệu “hiến ước lâm thời”, “Hiến pháp Đệ III Cộng hòa” và “Sơ lược Tiểu sử Thủ Tướng Đào Minh Quân”,…

Theo cáo trạng, bà Trần Thị Ngọc Xuân được cho là người “hoạt động tích cực”, nên được xác định là ”lãnh đạo” của nhóm 12 người này. Tuy nhiên, luật sư Miếng đã bác bỏ cáo buộc này:

“Họ ép 12 người này vào một vụ án mà lại xếp cho cô Xuân giống như là người hoạt động tích cực, chứ giữa họ không phải là một nhóm, mối quan hệ của họ rất rời rạc, không phải một tổ chức.

Họ (12 bị cáo – PV) có mối quan hệ đó là chuyền cho nhau tài liệu để phân phát cho những người khác, xét cho cùng thì họ không phải là một tổ chức chặt chẽ, như có tổ trưởng, tổ phó.

Đúng là họ có một số hoạt động liên quan đến nhau, nhưng mà thực ra họ không biết gì về nhau cả.”

Luật sư Miếng cho biết thêm bà Xuân trước khi bị bắt làm nghề thợ may, là cột trụ trong gia đình, có chồng bị đột quỵ và ba con. Sau khi bà bị bắt, ông phải tự mình ngồi xe lăn đi bán vé số mưu sinh và đã qua đời vào ngày 01/11/2021.

Trong vụ án này, có đến 10 người bị truy tố ở khoản một, điều 109 BLHS năm 2015, tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, mà khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Hai người còn lại bị cáo buộc theo khoản hai, điều 109 BLHS năm 2015, có mức án cao nhất lên đến 12 năm tù giam.

Related posts