Hợp nhất lực lượng an ninh cơ sở có phải để gia tăng kiểm soát?

Dự thảo luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở được Bộ Công an giới thiệu tại buổi hội thảo ở Hà Nội hôm 9/2/2022.

Trong dự thảo, Bộ Công an muốn hợp nhất công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở với khoảng 300.000 người.

Phát biểu tại Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cho biết, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện, hỗ trợ bảo vệ an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn…

Họ muốn tạo ra một mạng lưới chân rết quần chúng sát với từng người dân. Tôi nghĩ họ muốn tạo ra một hệ thống thật kính kẽ, để nắm được từng chân tơ kẽ tóc, rồi nắm được mọi hoạt động tiềm ẩn, theo họ có thể là nguy cơ…
-Cựu Đại úy Võ Minh Đức

Cựu Đại úy Võ Minh Đức, thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam, vào tối 10/2 đưa ra nhận xét với RFA như sau:

“Tôi nghĩ ngay đến hai vấn đề, một là họ muốn tạo ra một mạng lưới chân rết quần chúng sát với từng người dân. Ví dụ cũng có thể đó là một anh chạy xe ôm, hay một anh bán tạp hóa, vì lực lượng đó là trong dân kiêm nhiệm mà. Tôi nghĩ họ muốn tạo ra một hệ thống thật kính kẽ, để nắm được từng chân tơ kẽ tóc, rồi nắm được mọi hoạt động tiềm ẩn, theo họ có thể là nguy cơ… thì họ phát hiện được sớm. Vấn đề thứ hai, trước đây họ chỉ trả cho những người này tiền sinh hoạt phí, tiền xăng xe, tiền điện thoại thôi… Nhưng bây giờ hình thành hẳn một lực lượng như thế, thì hình thức gần nhu bán vũ trang, thì rõ ràng tiền phải rót xuống nhiều tiền hơn, ngân sách rót nhiều hơn, rồi chi phí dụng cụ hành nghề… thậm chí có thể là vũ khí nóng… rõ ràng là tốn kém nhiều hơn.”

Trong khi hiện nay theo ông Võ Minh Đức, tiền ngân sách mà chính phủ công khai cho lực lượng công an đã gấp bốn lần y tế và giáo dục cộng lại, đã tốn kém của dân rất nhiều.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trọng Hòa – Phó Viện trưởng Viện Khoa học – Ban Tổ chức Trung ương, khi phát biểu tại Hội thảo cho rằng lực lượng này là mô hình tự quản, là hành động tự nguyện, tự giác của cộng đồng, không nên đặt nặng kinh phí, nguồn ngân sách của nhà nước.

Vậy nếu dự thảo này được thông qua thành Luật, thì sao còn gọi là ‘tự quản’?

Ảnh minh họa: Lực lượng công an ở Đà Nẵng trước đây. AFP.

Theo Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, lực lượng được kiện toàn theo dự thảo Luật này sẽ là cánh tay nối dài cho công an chính quy cấp xã, qua đó an ninh trật tự ở cơ sở chắc chắn sẽ được đảm bảo.

Trước đó vào tháng 3 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khi làm việc với công an một số đơn vị có liên quan về việc xây dựng tiềm lực công an xã chính quy cho biết: ‘Công an xã chính quy sau gần một năm triển khai đã xử lý hơn 13.000 vụ việc an ninh trật tự, bắt giữ hơn 32.000 đối tượng, vận động hơn 84 đối tượng truy nã.’

Chị Nguyễn Thị Châu ở Bến Tre, trả lời RFA khi đó cho biết về cách làm việc của lực lượng này:

“Chị thấy họ không làm gì nên hồn, chỉ đi dọa nạt người dân chứ làm gì có giúp đỡ. Chị thấy thời gian gần Tết đây cũng hay đi kiểm tra sân đá gà, sòng bài thì thấy có đi kiểm tra liên tục, buổi tối đi tuần tra nhiều nhưng nói chung đi cho có thôi, lúc người ta đi có người xi nhan nên đóng rồi, nên người ta đi cho có lệ, chứ nói giúp đỡ người dân ngoài đường chị không thấy.”

Vậy nếu lực lượng công an xã chính quy làm việc hiệu quả như lời Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thì sao bây giờ còn phải hợp nhất lực lượng công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng thành lực lượng an ninh cơ sở?

Bây giờ trong xã hội, họ chính thức dùng ‘dân trị dân’… Thế thì tôi hỏi nhà nước để làm gì? Trong khi khái niệm nhà nước ai cũng biết, nhà nước tồn tại chỉ duy nhất một lý do là phụng sự cho dân. Vậy lực lượng công an để làm gì, rồi hợp nhất này kia? Điều đó là trái khoáy.
-Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, một cựu tù nhân quyền, khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 10/2, nhận định:

“Lực lượng này là những người 18 tuổi trở lên và tự nguyện tham gia… nói chung là tổ dân phố, dân phòng… Trước đây chưa chính thức, còn bây giờ họ đang soạn dự thảo luật này có nghĩa là chính thức thành lập lực lượng gọi là tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Có nghĩa là họ đã trao quyền, tôi muốn nhấn mạnh khi lực lượng này chính thức được thừa nhận bởi luật… thì làm gợi lại quá khứ kinh hoàng với khái niệm gọi là ‘tai mắt nhân dân’.”

Theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, lực lượng này sẽ sinh ra những hệ lụy như rình mò, hạch sách, trấn áp, lộng quyền… làm ông nhớ đến thời kỳ quân quản sau 1975, cũng như thời kỳ cải cách ruộng đất ở miền Bắc hơn 60 năm trước. Ông Nguyễn Ngọc Già nói tiếp:

“Những năm sau này, người dân cũng thấy rất nhiều hệ lụy của chuyện gọi là ‘hiệp sĩ đường phố’… Hay bản thân tôi ở tù cũng dám khẳng định là họ dùng cái gọi là ‘tù trị tù’; Trong trường học thì họ dùng ‘học trò trị học trò’, đó là đội sao đỏ mà rất nhiều hậu quả xảy ra… Rồi bây giờ trong xã hội, họ chính thức dùng ‘dân trị dân’… Thế thì tôi hỏi nhà nước để làm gì? Trong khi khái niệm nhà nước ai cũng biết, nhà nước tồn tại chỉ duy nhất một lý do là phụng sự cho dân. Vậy lực lượng công an để làm gì, rồi hợp nhất này kia? Điều đó là trái khoáy.”

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho biết, ông tin rằng lực lượng này dù có hợp nhất hay không, cũng sẽ không giữ được an ninh trật tự như mong muốn của nhà cầm quyền cộng sản khi soạn luật… mà nó sẽ làm mất an ninh trật tự và xã hội sẽ trở nên hỗn loạn hơn.

Related posts