Khóa tu mùa hè: học cái tốt hay tiêm nhiễm mê tín dị đoan?

Mạng xã hội nhiều ngày qua lan truyền các video clip được cho là ghi lại từ ‘khóa tu mùa hè’ ở Chùa Ba Vàng thuộc huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Trong clip xuất hiện hình ảnh một cô gái bị ‘vong nhập’ với chú thích “do nghiệp từ kiếp trước”.

Mặc dù Trụ trì chùa Ba Vàng sau đó lên tiếng khẳng định clip trên không phải từ khoá tu mùa hè đợt 1 tại chùa nhưng nhiều bình luận từ các phụ huynh thể hiện sự lo lắng cho con em họ khi tham gia khoá tu có thể bị tiêm nhiễm mê tín dị đoan.

Phụ huynh lên tiếng

Một phụ huynh ở Việt Nam, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 21/6/2024 cho RFA biết ý kiến:

“Lẽ ra, trong thời gian nghỉ học vào mùa hè, thì phụ huynh nên cho con em mình vui chơi, giải trí bằng những hoạt động lành mạnh, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến kỹ năng sống như làm việc theo nhóm, bơi lội, leo núi, cắm trại… Song, thay vì hướng các em vào các hoạt động lành mạnh nói trên thì phụ huynh lại cho các em vào các ‘khóa tu mùa hè’! Nơi đây là cơ sở tôn giáo, nhưng ‘khóa tu mùa hè’ lại thu tiền học viên như những cơ sở giáo dục, là không đúng bản chất của một nơi mà mọi người tìm đến để nghe thuyết giảng về giáo lý của nhà Phật. Đằng này họ chỉ tuyên truyền nhảm nhí về những điều mê tín dị đoan, thần thánh hóa vào những điều không hề có trong một xã hội bùng nổ về thông tin, khoa học – kỹ thuật phát triển!”

Nơi đây là cơ sở tôn giáo, nhưng ‘khóa tu mùa hè’ lại thu tiền học viên như những cơ sở giáo dục, là không đúng bản chất của một nơi mà mọi người tìm đến để nghe thuyết giảng về giáo lý của nhà Phật.
Một phụ huynh

Theo vị phụ huynh này, các em nhỏ có thể bị ảnh hưởng rất nhiều khi tham gia các‘khóa tu mùa hè’ này. Ông lý giải tiếp:

“Các em là những thiếu niên, đầu óc chưa được phát triển toàn diện nên những điều mê tín dị đoan rất dễ tiêm nhiễm vào đầu các em, sau này lớn lên sẽ ảnh hưởng rất nguy hại khi ra làm việc, tham gia vào đời sống xã hội! Nếu tôi là cha mẹ các cháu đó thì tôi sẽ không bao giờ đưa các cháu vào đây để tham dự ‘khóa tu mùa hè’ mà sẽ hướng các cháu vào những hoạt động lành mạnh, giáo dục ‘kỹ năng sống’ cho các cháu!”

Báo Lao động hôm 20/6/2024 có bài dẫn lời các phụ huynh gửi con đến học tại các khóa tu mùa hè ở các cơ sở tôn giáo, tựu chung cho rằng, họ muốn con đến khoá tu mùa hè để học cái hay, cái đẹp, nhưng nếu bị tiêm nhiễm mê tín dị đoan thì phản tác dụng, nguy hiểm.

Liên quan đến clip về cô gái bị cho là “vong nhập”, hôm 19/6, Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh tại cuộc họp báo thường kỳ của tỉnh Quảng Ninh xác nhận clip trên đúng là của chùa Ba Vàng nhưng từ năm trước, không phải tại “khoá tu mùa hè đợt 1” vừa kết thúc vào ngày 19/6.

Khoá tu có thu phí là không nên

Một Thượng tọa – Trụ trì một ngôi chùa tại Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trao đổi với RFA hôm 21/6/2024, giải thích:

“Chuyện mấy anh em khóa học mùa hè đã có từ lâu, từ lúc Chùa Hoằng Pháp, có thầy Chân Tính cũng có rồi. Nhưng mục đích của họ bây giờ mình không rõ, mình cũng không dám nói, đào tạo như thế nào, tốt thì xã hội tốt, xấu thì xã hội xấu.”

khoa-tu-mua-he-2024-3-2316.jpg
Khóa tu mùa hè ở Chùa Ba Vàng thuộc huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Courtesy Chùa Ba Vàng.

Liên quan thông tin chùa Ba Vàng thu phí để tổ chức các ‘khóa tu mùa hè’, Thượng tọa này nói:

“Chuyện thu phí thì thầy chưa thấy, chỉ nghe thôi nên không xác nhận được, không nói được. Phải thấy phải nghe, chứ không thể vu oan là trái lương tâm người tu. Theo thầy chuyện thu phí là không nên, phát nguyện như thế thì nên chỉnh trang văn hóa bản sắc tâm linh. Nói chung là Phật giáo hay các đạo khác cũng vậy, tập hợp các em lại để truyền bá tư tưởng tốt đẹp đời, chứ không dính tiền bạc vào, vì tiền bạc làm mệt và rắc rối lắm, họ lợi dụng khóa tu mùa hè để thu tiền. Ví dụ như chùa Ba vàng, bắt hồn, cầu bóng, cầu vong… rồi đòi tiền… như vậy là không được.”

Theo Thượng tọa, như vậy là mê tính dị đoan, đạo Phật không cho phép tam bảo làm điều đó. Ông giải thích thêm:

“Làm điều đó phát xuất từ phát nguyện, phát tâm… Ví dụ tín đồ đến thì người ta phát tâm cúng dường, ví dụ khóa tu mùa hè họ ở lại 5-10-15 ngày thì phải ăn uống, người ta giác ngộ họ biết được chùa chiền đâu có ngân khoản, tài khoản nào… thì mình phát tâm cúng dường ví dụ năm bảy chục, một trăm ngàn gì đó để ăn trong mười mấy ngày mình tu. Mình mượn phương tiện đó để trợ giúp cho vấn đề niệm Phật thì mang kết quả thành tựu thì được, chứ còn không có định giá và thu tiền, nó khó coi lắm.”

Cấm đoán có phân biệt?

RFA hôm 21/6 liên lạc Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh qua số điện thoại trên website, nhưng không ai bắt máy. Tuy vậy, trong trả lời báo Lao động hôm 20/6 liên quan video clip khóa tu được cho là của chùa Ba Vàng, ông Nguyễn Đăng Kiên – Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh xác nhận, video clip được quay từ năm 2019 và sư trụ trì chùa Ba Vàng Thích Trúc Thái Minh đã bị xử lý theo quy định.

Ông Nguyễn Đăng Kiên cũng cho biết, qua sự việc trên, Ban Tôn giáo tỉnh cũng cần phải có kiến nghị với Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ ban hành quy chế riêng về việc quản lý đối với các khóa tu mùa hè trong toàn quốc để phù hợp với các quy định của pháp luật.

Họ kiểm soát theo kiểu xin cho, làm chi được mà tự do giống như ngày xưa các vị Tôn Túc đi thuyết giảng vùng này vùng nọ. Bây giờ sống Xã hội Chủ nghĩa là phải vậy đó.
-Một Thượng tọa

Nói về khoá tu tại các cơ sở tôn giáo, ông Nguyễn Thanh Phong – Tổng vụ thanh sinh Trung ương Giáo hội Phật giáo Hoà hảo thuần túy, hôm 21/6/2024 cho RFA biết ý kiến:

“Tất cả những chùa là bên quốc doanh nắm giữ hết còn những khóa niệm Phật thì những cái cốc, cái am, tịnh thất của những tu sĩ bên đạo Phật giáo Hòa hảo thì người ta làm riêng, một số người, chừng 5, 7 người, 10 người đổ lại, còn đông quá cũng bị cấm thôi.

Tôi là Tổng vụ thanh sinh Trung ương Giáo hội PGHH thuần túy, những khóa học này đúng ra do tôi tổ chức, nhưng không thể tổ chức được vì bị cấm. Nhưng những người có tư lợi, chiếm đoạt tiền bạc thì người ta muốn lợi dụng tư tưởng của những em nhỏ học sinh, sinh viên… như vậy không đúng với đạo lý.”

Ông Phong cũng cho biết thêm những quy định của Giáo hội PGHH:

“Nói chung là tôi không thì kiêng ngã về đâu, bên Phật giáo Hòa hảo theo lời của thầy tất cả là cấm mê tính dị đoan, điều đó là cấm tuyệt đối, chứ không có nhập nhằng, nghe ông này nghe ông kia, lạy ông này nói này, lạy ông kia nói kia. Dứt khoát tai nghe mắt thấy mới làm được, chứ còn dạng mê tín, ông lên bà xuống, dẫn dắt thế này thế kia là không được… Con người ta có nhiều cách lợi dụng cũng chỉ vì tiền thôi…”

Còn Trụ trì muốn ẩn tên nêu trên thì cho biết, cơ quan chức năng đã quản lý nội dung thuyết giảng từ lâu, chứ không phải có chuyện xảy ra ở chùa Ba Vàng thì giờ mới đề nghị ban hành quy chế:

“Đúng ra là kêu gọi thanh niên lớp trẻ tập hợp lại, được bao nhiêu ngày thì phát tâm vào đó, cũng ăn chay niệm Phật, nhưng học giáo lý họ dạy gì trong đó thì mình không biết. Theo như tôi biết một ông thầy nào của Nhà nước mà muốn thuyết giảng hay thuyết trình một đề tài gì đó đương nhiên phải soạn bài, rồi gửi sang Sở Văn hóa Thông tin duyệt, rồi bước thứ ba mới Thuyết pháp Thuyết giảng cho tín đồ Phật tử nghe. Bên cạnh đó khi thuyết giảng cũng được họ chú ý theo dõi, nếu không thuyết giảng đúng theo cái đã đăng ký cũng phải chịu trách nhiệm. Họ kiểm soát theo kiểu xin cho, làm chi được mà tự do giống như ngày xưa các vị Tôn Túc đi thuyết giảng vùng này vùng nọ. Bây giờ sống Xã hội Chủ nghĩa là phải vậy đó.”

Related posts