Làm sao giảm tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục?

Đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát tại Việt Nam từ tháng 4 đến tháng 10 năm 2021 khiến ngành giáo dục buộc phải cho học sinh học online – theo giải pháp chung của các quốc gia bị đại dịch hoành hành trước đó. Dù thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện học trực tuyến, nhưng hàng triệu học sinh vẫn không có thiết bị và đường truyền internet để học.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuối năm 2021, cả nước có khoảng 7.300.000 học sinh học trực tuyến, nhưng có hơn 1.500.000 học sinh chưa có thiết bị để học. Riêng tại TP.HCM, trong tổng số gần 700.000 học sinh trung học, có khoảng 17.000 học sinh không có thiết bị và đường truyền internet để học trực tuyến, hơn 5.000 học sinh có thiết bị nhưng lại không có internet.

Báo Thanh Niên dẫn nhận định của Thạc sĩ Lê Minh Tiến, giảng viên Khoa Xã hội học, Trường ĐH Mở TP.HCM, rằng: “Một trong những điều mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy là trong thời kỳ dịch bệnh, sự bất bình đẳng trong giáo dục đã hiện rõ hơn khi nhiều em học sinh thuộc các gia đình, các khu vực khó khăn đã không có đầy đủ các phương tiện để học tập khi ngành giáo dục chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến. Chắc chắn là trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều em học sinh đã thật sự bị bỏ lại phía sau xét về khía cạnh tiếp cận với giáo dục”.

Trước khi đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát, Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ là ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tuy ông Phúc nhắn nhủ như vậy nhưng người nghèo vẫn bị bỏ lại phía sau, cụ thể là học sinh và giáo viên.

Em có ba đứa con, đứa lớn nay 12 tuổi học lớp bảy, mùa dịch bệnh này không làm được gì. Giờ học online, nhà trường bắt mua máy, nhưng không đủ tài chính để mua máy. Muốn mua phải năm sáu triệu, kiếm máy cho bé học rất khó. Em cũng ráng nhưng không được, bây giờ con học theo kiểu có thì học, không có thì thôi. – Anh Nguyễn Quốc Trầm

Anh Nguyễn Quốc Trầm, một tài xế Grab, từng cho hay anh không có tiền mua máy tính cho con để học online:

“Em có ba đứa con, đứa lớn nay 12 tuổi học lớp bảy, mùa dịch bệnh này không làm được gì. Giờ học online, nhà trường bắt mua máy, nhưng không đủ tài chính để mua máy. Muốn mua phải năm sáu triệu, kiếm máy cho bé học rất khó. Em cũng ráng nhưng không được, bây giờ con học theo kiểu có thì học, không có thì thôi. Em xài mạng nhờ bên hàng xóm, bây giờ đang không chạy Grab nên cho bé học đỡ trên máy điện thoại chạy xe công nghệ của em. Mai mốt rồi tính tiếp chứ cũng không biết thế nào.”

Ngoài chuyện học sinh không thể tiếp cận giáo dục do cha mẹ không có tiền mua sắm thiết bị học online, nhiều giáo viên cho biết, họ cũng là nạn nhân của hiện tượng bất bình đẳng trong giáo dục khi họ không thể sống bằng nghề của mình.

Tuy nghề giáo là một nghề được tôn vinh trong xã hội, nhưng đời sống của thầy cô giáo không được quan tâm đúng mực. Họ chỉ được đề cao bằng hư vinh. Để tồn tại, nhiều giáo viên phải làm thêm những công việc khác nên họ không thể toàn tâm, toàn ý cho chữ nghĩa.

Thầy giáo Ngọc Sơn ở TP.HCM chia sẻ:

“Tình trạng học sinh thiếu máy móc để học online là rất nhiều mà từ hồi nào đến giờ mình cũng không biết cái quỹ dành cho giáo dục là cái gì hết. Tôi chỉ biết là mỗi lần cho chương trình gì đó thì ngân sách chi cho giáo dục cũng nhiều lắm. Vấn đề là chi cho mấy ông đó rồi mấy ổng có làm hết cho giáo dục hay không thì có Trời mà biết.

 Còn về lương giáo viên thì nói thẳng là lương lãnh hàng tháng không thể nào đủ sống. Một người nuôi một người đã không đủ nói gì đến nuôi vợ, nuôi con. Tôi đi dạy 25 rồi mà lương lãnh chỉ có tám triệu mấy, làm sao đủ sống. Muốn đủ sống thì người ta phải làm đủ thứ các việc khác. Đa số là dạy thêm. Mà muốn yên ổn dạy thêm thì phải im lặng trước các bất công trong xã hội; im lặng trước các việc làm mờ ám của ban giám hiệu để họ lơ đi mà kiếm thêm thu nhập. Chỉ có vậy thôi. Giáo viên bây giờ họ lo cái nồi cơm của họ là vậy.”

Thế giới luôn công nhận lợi ích của việc cung cấp giáo dục cho tất cả mọi người. Điều này nằm trong Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (Sustainable Development Goals), được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc.

Chủ yếu là về tài chánh. Tôi cho rằng có hai nguồn mà có thể làm được. Một là ngân sách nhà nước thông qua chính phủ ở mức độ nhất định để tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dục. Hai là động viên sự đóng góp, người nhiều kẻ ít, cho tương lai con em. Chúng ta chủ động được như vậy thì chắc chắn ngành giáo dục không bị động được như thời gian vừa qua. – Giáo sư Đặng Hùng Võ 

Ở Việt Nam, muốn mọi người được bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, nhà nước cần hỗ trợ về nhiều mặt, nhất là tài chính như lời Giáo sư Đặng Hùng Võ nói với RFA sáng 31 tháng 1 năm 2022:

“Chủ yếu là về tài chánh. Tôi cho rằng có hai nguồn mà có thể làm được. Một là ngân sách nhà nước thông qua chính phủ ở mức độ nhất định để tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dục. Hai là động viên sự đóng góp, người nhiều kẻ ít, cho tương lai con em. Chúng ta chủ động được như vậy thì chắc chắn ngành giáo dục không bị động được như thời gian vừa qua.”

Giáo sư Đặng Hùng Võ nói thêm, do những tiêu cực xảy ra trong đại dịch như vụ kit test Việt Á, vụ ăn chặn tiền từ các ‘chuyến bay giải cứu’ …, nên ít nhiều người dân cũng ngại ngần khi đóng góp tài chính cho giáo dục:

“Tuy vậy tôi vẫn đưa ra mấy cái ý là: Quyên góp là một. Hai, là ngân sách. Thế còn quyên góp thì tôi cho rằng ta cứ quyên góp. Người nào tin và họ đưa ra được thì tốt. Còn người ta không tin, người ta không góp cho thì cũng chịu chứ làm thế nào?

Và đấy là cái hậu quả của ngành giáo dục từ xưa tới nay nó tạo ra những con người như vậy, chứ cũng chả có cách nào cả! Nhưng mà trách nhiệm của nhà nước thì cũng phải lo. Sau mùa dịch, tôi nghĩ là cái chấn hưng đầu tiên của Việt Nam lại cũng phải là giáo dục.”

Với đại dịch COVID-19, chênh lệch trong tiếp cận giáo dục thể hiện rõ ở trẻ em nghèo và trẻ em vùng nông thôn. Thực tế cho thấy các cháu chịu bao thiệt thòi chứ không hề như kêu gọi của cựu thủ tướng và nay là chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.   

 

Related posts