Lấy ý kiến dân về Luật đất đai: Có lắng nghe hay chỉ là hình thức?

Luật Đất đai sau nhiều lần sửa đổi vẫn bị cho là bất công với người dân. Liệu lần sửa đổi này Chính phủ có nghe theo ý nguyện của dân, hay vẫn chỉ lấy ý kiến dân theo hình thức như lâu nay?

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Nghị quyết số 150 ban hành Kế hoạch hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) hôm 14/11/2022. Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT) cùng các bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo theo kế hoạch của Quốc hội. Sau đó lập báo cáo trình Chính phủ trước ngày 10/3/2023, gửi Thường trực Ủy ban Kinh tế trước ngày 1/4/2023.

Luật Đất đai lần đầu tiên được ban hành là năm 1987. Sau đó được bổ sung, sửa đổi nhiều lần vào năm 1993, 2003 và 2013. Liệu năm 2023, luật này có được sửa đổi theo ý kiến của Nhân dân hay không?

Luật sư Đặng Trọng Dũng nêu nhận định của ông với RFA sáng 16/11/2022:

“Cứ mỗi 10 năm họ thay đổi một lần. Không chỉ Luật Đất đai mà cả Luật dân sự, Luật Hình sự và Luật Luật sư cũng thay đổi mỗi 10 năm. Cái cách của Việt Nam nó là như vậy. Ở các quốc gia khác như Pháp, Mỹ thì bộ luật của họ tồn tại cả trăm năm không thay đổi. Theo tôi, việc thay đổi Luật Đất đai chắc chắn là có, bởi trong những vấn đề kiện tụng thì cứ hai, ba vấn đề là có một vấn đề liên quan tới đất đai. Cho nên việc liên quan đến đất đai nó ảnh hưởng đến sự an toàn pháp lý của chính Nhà nước và của người dân rất nhiều. Do đó họ không thể không sửa đổi Luật Đất đai. Có thể họ không nhận sở hữu đa thành phần. Tôi thấy họ cũng dám làm cái sự chuyển hướng từng bước liên quan đến vấn đề đất đai, cho nên tôi tin họ sẽ sửa đổi.”

Hồi tháng 8/2022, tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà phát biểu rằng, tinh thần là nếu không làm được tốt hơn cho người dân, không bảo vệ được tốt hơn quyền lợi cho dân, không đảm bảo lợi ích cho Nhà nước… thì chưa nên ban hành luật. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh mục tiêu sửa đổi Luật Đất đai lần này nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai.

Theo tôi, việc thay đổi Luật Đất đai chắc chắn là có, bởi trong những vấn đề kiện tụng thì cứ hai, ba vấn đề là có một vấn đề liên quan tới đất đai. Cho nên việc liên quan đến đất đai nó ảnh hưởng đến sự an toàn pháp lý của chính Nhà nước và của người dân rất nhiều. Do đó họ không thể không sửa đổi Luật Đất đai. – Luật sư Đặng Trọng Dũng

Mới cách đây vài hôm, tại hội thảo tham vấn ý kiến Đại biểu Quốc hội về một số nội dung quan trọng trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà một lần nữa nhấn mạnh: “Là cơ quan chủ trì soạn thảo, chúng tôi luôn ghi nhớ lời nhắc nhở của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đó là, Luật Đất đai (sửa đổi) là minh chứng đánh giá năng lực của Chính phủ, của Quốc hội trong việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng.”

Ông Nguyễn Đình Ngọc, từng kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, việc lấy ý kiến Nhân dân chỉ là hình thức. Ông phân tích:

“Sửa đổi Luật Đất đai nói riêng cũng như các bộ luật khác nói chung là việc làm vô ích, vì ngay từ lời nói đầu của hiến pháp đã quy định là thể chế hóa cương lĩnh của Đảng rồi. Cho tới tận ngày hôm nay thì cái tư duy trại lính với đặc trưng là thi hành trước, khiếu nại sau được nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam áp dụng vào quản trị quốc gia thông qua luật pháp. Nó gây xung đột dữ dội trong Luật Đất đai nói riêng và các luật khác nói chung, bởi vì người dân không phải là quân nhân để áp dụng tư duy trại lính. Thêm vào đó là tư duy lệnh miệng. Tư duy này đã xói mòn gần như là nhạt nhòa tính trách nhiệm. Nó gây ra những khó khăn trong việc khai triển Luật Đất đai nói riêng cũng như các bộ luật khác nói chung.

Theo tôi, Luật đất đai nói riêng và các bộ luật khác nói chung có muốn cũng không qua được những nghị quyết của Đảng, đặc biệt là nghị quyết của Bộ chính trị. Ngoài ra, về lý thuyết, Quốc Hội đã là cơ quan đại diện cho dân rồi, tức là ý kiến của Quốc Hội là ý kiến của dân, bây giờ hỏi lại ý kiến của người dân theo cách trực tiếp như vậy thì tôi cho đó là một việc làm bất khả thi.”

af10efe5-e25b-403e-b980-e662362c8226.jpeg
Dân oan mất đất lên khiếu kiện ở Thủ đô Hà Nội trước đây. AFP

Hội nghị Trung ương 5, Đảng Cộng sản VN khóa 13 vẫn duy trì chính sách “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” – tức người dân chỉ được quyền sử dụng đất mà không được quyền sở hữu mảnh đất mình bỏ tiền ra mua, được thừa kế hay được tặng, cho…

Với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, Nhà nước có toàn quyền trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đất đai. Pháp luật không cho phép tồn tại bất cứ hình thức sở hữu nào khác ngoài hình thức sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước là người đại diện.

Chính sách này được cho là đã tạo ra những nỗi đau cũng như những cơ hội vơ vét lợi ích của xã hội của những quan chức mà không ai có thể kiểm soát nổi.

Một trong các vụ cưỡng chế gây phản ứng mạnh trong công chúng là vụ Vườn rau Lộc Hưng, xảy ra vào những ngày giáp Tết 2019. Lúc đó, chính quyền quận Tân Bình đã huy động lực lượng đến san ủi, cưỡng chế hàng trăm căn nhà ở nơi đây. Những người dân bị cưỡng chế cho biết đất của họ là từ đời cha ông (thời Pháp) để lại, trong khi chính quyền cho biết những căn nhà bị cưỡng chế là do xây dựng trái phép từ đầu năm 2018.

Điển hình như vườn rau Lộc Hưng họ đã đập cách đây bốn năm. Đến bây giờ họ vẫn chưa có một động thái gì hết đối với người mà họ dùng thủ đoạn cướp đất, đó là bà con vườn rau Lộc Hưng. Cho nên, tôi không hy vọng gì việc Quốc hội họp và sửa đổi Luật Đất đai. – Ông Cao Hà Trực

Ông Cao Hà Trực, một nạn nhân trong vụ cưỡng chế nói với RFA về việc lấy ý kiến dân sửa đổi Luật Đất đai:

“Theo nhận định của tôi thì việc họ lấy ý kiến người dân chẳng qua là để đối phó trong bối cảnh kinh tế xáo trộn và chính trị bất ổn thôi. Trên thực tế thì họ không có thiện chí. Còn nếu họ có thiện chí để giải quyết và thay đổi Luật Đất đai có lợi cho người dân thì đó là cả một vấn đề nhiêu khê. Điển hình như vườn rau Lộc Hưng họ đã đập cách đây bốn năm. Đến bây giờ họ vẫn chưa có một động thái gì hết đối với người mà họ dùng thủ đoạn cướp đất, đó là bà con vườn rau Lộc Hưng. Cho nên, tôi không hy vọng gì việc Quốc hội họp và sửa đổi Luật Đất đai.”

Hiến pháp năm 1959 quy định hai hình thức sở hữu về đất đai là Sở hữu nhà nước và Sở hữu tư nhân. Giai đoạn từ 1959 đến 1980 tồn tại chủ yếu ba hình thức sở hữu về đất đai là Nhà nước, tập thể và tư nhân. Hiến pháp năm 1980 quy định một hình thức sở hữu về đất đai là Sở hữu toàn dân và tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp năm 1992, thời kỳ kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Related posts