Lợi ích nhóm đằng sau việc trì hoãn quản lý thuốc lá điện tử?

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được phép nhập khẩu và lưu hành tại Việt Nam nhưng theo điều tra nghiên cứu chọn mẫu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) thời điểm 2020,  đã có tới 12,6% nam và nữ sinh trung học đang sử dụng sản phẩm này. Sự thiếu thống nhất trong cách nhìn nhận và quản lý của các bộ chuyên ngành về loại hình thuốc lá mới này cũng như sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá vào các chính sách kiểm soát của Việt Nam đang được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng này.

Trào lưu đáng báo động

Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo hiện chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN) hay còn gọi là thuốc lá thế hệ mới ít nguy hại hơn thuốc lá truyền thống … nhưng số lượng thanh thiếu niên đến với TLĐT, thuốc lá nung nóng không ngừng gia tăng ở Việt Nam. Theo một điều tra Quốc gia sức khỏe học đường do Bộ Y tế Việt Nam thực hiện trong năm  2019, có tới 2,6% học sinh từ 13-17 tuổi hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, tăng 13 lần so với tỷ lệ này của này của năm 2005 (0,2%).

Thuốc lá điện tử còn gọi là thuốc làm nóng, có tác hại với sức khỏe con người, chứa nicotine là chất gây nghiện mạnh và gây hại cho sức khỏe đặc biệt là trẻ em, vị thành niên và phụ nữ có thai. Các chất độc được thấy trong dung dịch điện tử và trong khói. Tiếp xúc lâu sẽ tăng nguy cơ gây các bệnh như ung thư, tim mạch, hô hấp và các bệnh nguy hiểm khác. 

Trao đổi với RFA, BS.TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), cơ quan điều phối liên minh Phòng chống các Bệnh Không Lây nhiễm – Việt Nam (NCDs-VN) cho biết tình trạng thanh thiếu niên gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là vấn đề rất đáng báo động ở Việt Nam:

“Trong tương lai, một khối lượng khổng lồ người Việt nam sẽ đi tiếp vào con đường hút thuốc lá vì thuốc lá điện tử là đầu dẫn cho thuốc lá truyền thống, chưa kể các loại nghiện hút khác”- TS Tuấn nói và cho biết một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng người hút thuốc lá điện tử có nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá truyền thống cao hơn gấp 3,5 lần so với nhóm chưa từng dùng TLĐT cũng như bất cứ loại thuốc lá nào.

Theo giới chuyên môn, tác hại của thuốc lá điện tử với trẻ em nữ cao hơn, lâu dài hơn, đa dạng hơn, nhiều mặt hơn so với trẻ nam. Ảnh: AFP

Ngoài ra, ông Tuấn cho hay thuốc lá mới còn nguy hại ở chỗ nó cho phép người sử dụng có thể tự pha chế thêm một số chất khác trong quá trình hút, khiến nguy cơ gây hại sức khỏe ngày càng cao.

TS Tuấn chia sẽ tiếp:

“Báo cáo toàn cầu gần đây của Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không Thuốc lá (CTFK) tác hại đối với trẻ em nữ cao hơn, lâu dài hơn, đa dạng hơn,  nhiều mặt hơn so với trẻ nam khi gắn với chức năng sinh sản và thiên chức chăm sóc trẻ em của người mẹ”.

Nguyễn Đình Cẩm Vân, một bạn trẻ tại Hà Nội trong một cuộc tọa đàm về TLĐT do kênh truyền hình GTV tổ chức gần đây nhân ngày Thế giới không có khói thuốc (31/5) nói rằng TLĐT, TLNN đã trở thành một trào lưu trong giới trẻ Việt Nam trong những năm gần đây. Theo Cẩm Vân, việc mua bán các loại thuốc lá này khá dễ vì chúng được rao bán gần như công khai trên các trang mạng xã hội:

“Hiện tại em thấy chưa có chính sách hay chưa có cơ quan nào cấm cản việc mua thuốc lá điện tử cả. Tiếp thị TLĐT với giới trẻ vẫn được nhiều người tiếp cận, mua rất nhiều và dễ dàng” – bạn Cẩm Vân nói và cho biết theo quan sát của cá nhân Vân, tỷ lệ sử dụng TLĐT tại các trường đại học ở Hà Nội khá cao và rất ít trường cấm loại hình thuốc lá mới này.

Đúng như những chia sẻ của Cẩm Vân, chúng tôi đã thử gõ cụm từ “mua thuốc lá điện tử” trên trang Google và trong vòng 0,56 giây, có hơn 16 triệu kết quả về các trang mua, bán TLĐT hiển thị. Từ đó dễ dàng nhận ra rằng, chính quyền Việt Nam đang bỏ ngỏ việc quản lý kinh doanh mặt hàng này. 

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có hình thức hiện đại, bắt mắt, mẫu mã đa dạng nên rất dễ khiến nhiều phụ huynh không nhận biết được con mình đang sử dụng thuốc lá” – TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm RTCCD, cơ quan điều phối liên minh Phòng chống Các bệnh không lây nhiễm – Việt Nam (NCDs-VN) 

000_DV1576321.jpg
Ảnh minh họa: Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và phụ kiện có hình thức rất bắt mắt. Ảnh: AFP

Quản lý Nhà nước: Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Trong khi đó, chia sẻ với truyền thông Nhà nước vào cuối tháng 4/2021, Luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết, thuốc lá điếu truyền thống bị chi phối và kiểm soát bởi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá của Việt Nam và Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC -WHO) mà Việt Nam tham gia; còn thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì vẫn vào từ các nguồn hàng lậu nhưng chưa chịu sự quản lý hay chính sách nào. Do đó, theo luật sư Huế, cần sớm đưa cơ chế quản lý và qui định chế tài để cơ quan chức năng không lúng túng trong thu giữ và xử lý sản phẩm nhập lậu.

Theo TS Trần Tuấn, Việt Nam hiện đang trong quá trình phát triển chính sách quản lý TLĐT, TLNN, các bộ ngành liên quan còn những quan điểm khác biệt nên việc xây dựng chính sách cũng như hoạt động kiểm soát mặt hàng nhập lậu này trên thực tế còn gặp nhiều lúng túng.  Ông Tuấn cũng cho biết Bộ Y tế những năm gần đây luôn giữ quan điểm đề xuất cấm nhập khẩu các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhưng Bộ Công thương lại đề xuất “thử nghiệm đánh giá tác hại”“thí điểm lưu hành các sản phẩm TLĐT, TLNN tại Việt Nam”, ông nhận xét:

“Trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại VN thì Quản lý thị trường lại thuộc về Bộ Công thương. Gần đây Bộ Công thương thậm chí còn gửi công văn kiến nghị Thủ tướng cho nghiên cứu thử nghiệm đánh giá tác hại của TLĐT, TLNN. Như vậy có thể  thấy cách đặt vấn đề của Bộ Công thương là cách đặt vấn đề dường như chấp nhận thị trường đối với TLĐT và đây là điều hết sức nguy hiểm – một cách mở đường cho việc công nhận TLĐT”.

Ông cũng cho biết sau khi Bộ Công thương đưa ra công văn số 728/BCT-CN ra ngày 2/2/2020 về vấn đề này, Bộ Y tế đã có phản đối quyết liệt và có kiến nghị Chính phủ cấm chứ không nghiên cứu đánh giá tác động sức khỏe của loại sản phẩm này. Từ đó, Bộ Y tế và các tổ chức y tế cộng đồng ở Việt Nam trong đó có liên minh NCDs-VN do ông phụ trách đã tổ chức rất nhiều hội thảo phân tích về tác hại của TLĐT, TLNN để vận động Chính phủ Việt Nam có chính sách cứng rắn đối với sản phẩm mang tính độc hại này.

52362MTINH.-ĐẠP-XE.jpg
Chiến dịch “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử” giai đoạn 2020-2021 do Bộ Y tế tổ chức với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu Vital Strategies. Ảnh: baovanhoa

“Cho đến nay, bộ Công thương vẫn giữ nguyên đề xuất đó. Bộ Công thương vẫn lấy vai trò chủ đạo về quản lý thị trường để đẩy lên cho chính phủ xem xét.  Do đó câu chuyện ra chính sách chưa tiến triển được gì thêm”– ông Tuấn cho biết.

Đặc biệt, ông cũng lý giải rằng mặc dù WHO đã chỉ ra những tác hại tiêu cực của thuốc lá thế hệ mới và một số quốc gia tiên tiến trên thê giới đã cấm các sản phẩm này nhưng do chịu tác động của ngành công nghiệp thuốc lá nên Bộ Công thương và gần đây có thêm Bộ Khoa học và Công nghệ (KH & CN) cũng muốn mở cửa cho loại sản phẩm này.

“Ngày 11/11/2020, Bộ KHCN lại ban hành bộ tiêu chuẩn quốc gia cho thuốc lá nung nóng. Như vậy, bây giờ, ít nhất ngành công nghiệp thuốc lá đã can thiệp vào để ít nhất hai bộ đang đặt những cơ sở cố gắng chứng minh cho sự tồn tại hợp pháp của những sản phẩm này” – ông Tuấn nhấn mạnh.

TS Nguyễn Huy Nga, Viện trưởng Viện khoa học Quang Trung –nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế tại cuộc tọa đàm về TLĐT do kênh truyền hình GTV tổ chức cũng cho rằng ngành thuốc lá đang có nhiều can thiệp vào các bộ ngành của Việt Nam thông qua các hoạt động tài trợ cho các hoạt động hội thảo, hội nghị, các hoạt động nghiên cứu, đi thăm quan nước ngoài. Ông chia sẻ:

“Khi tôi làm việc thì có người giải thích tôi là lương của cán bộ công nhân viên là từ thu nhập của ngành thuốc lá. Nếu cấm thuốc lá thì lấy tiền đâu mà trả cho cán bộ. Sau này thì ngành thuốc lá cũng can thiệp nhiều hoạt động. Họ cũng vận động nhưng người có uy tín trong lãnh đạo các bộ ngành rằng phải để cho lưu hành thuốc lá, không thể cấm toàn bộ được. Chúng ta phải có những nghiên cứu để thuyết phục Chính phủ và để những người quản lý của các bộ ngành, không tham gia vào các hoạt động tài trợ của ngành thuốc lá” – ông Nga nói và cho rằng Việt Nam cần có những quy định chống lại sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá cũng như các ngành sản xuất kinh doanh các sản phẩm độc hại khác đối với hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.

“Phải thừa nhận rằng chắc chắn phải có những thế lực để tuồn những sản phẩm này vào và thế lực đó phải đủ mạnh thì mới giữ thị trường TLĐT, TLNN này tồn tại vì không khó có thể nhận ra là sản phẩm đó xuất hiện. Không khó để thể tìm ra được những đường dây buôn lậu nhưng tại sao họ không tìm ra thì đó là câu chuyện về mặt quản lý. Tôi tin rằng câu chuyện quản lý này sẽ mãi mãi nằm trong các nhóm lợi ích nếu không có sự lên tiếng của công luận” – TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm RTCCD, cơ quan điều phối liên minh NCDs-VN. 

Bàn tay vô hình của Vinataba

Tổng công ty thuốc lá Việt Nam (Vinataba) hiện là doanh nghiệp thuốc lá lớn nhất, chiếm khoảng 55% thị phần thuốc lá tại Việt Nam. Tuy không sản xuất và kinh doanh thuốc lá thế hệ mới nhưng mối quan hệ gắn bó giữa doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công thương này với nhiều tập đoàn thuốc lá hàng đầu thế giới khiến nhiều người hoài nghi. Giải thích sâu hơn về vấn đề này, TS Trần Tuấn cho biết:

BAT Vinataba.png
Vinataba liên doanh với tập đoàn British American Tobacco – một nhà sản xuất thuốc lá điện tử lớn của thế giới. Ảnh: Bộ Công thương Việt Nam

“Từ Phillip Morris của Mỹ đến Imperial Tobacco có trụ sở ở Anh đều đi qua hoặc có quan hệ trực tiếp với Vinataba, do vậy chúng tôi có thể nói Vinataba có hậu thuẫn hay có một bộ phận gắn bó với ngành công nghiệp thuốc lá trên thế giới. Như vậy có thể nói những can thiệp của Vinataba vào những chính sách ở đây không chỉ còn đơn thuần là của Vinataba nữa mà nó nằm chung trong chính sách của ngành công nghiệp thuốc lá trên thế giới.” – TS Trần Tuấn nhận định và cho biết Vinataba có ba công ty liên doanh với các tập đoàn British American Tobacco (BAT) và và Phillip Morris InternationalImperial Tobacco  và các tập đoàn này ở nước ngoài đều sản xuất thuốc lá thế hệ mới. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, ngoài việc gắn bó với các tập đoàn thuốc lá nước ngoài, Vinataba còn có thiên hướng ủng hộ việc mở cửa cho thuốc lá thế hệ mới vào Việt Nam vì khi thị trường thuốc lá này có thêm người sử dụng thì các cơ sở sản xuất thuốc lá truyền thống của tổng công ty này cũng sẽ có thêm khách hàng vì sau một thời gian, người hút TLĐT, TLNN có xu hướng sẽ chuyển sang sử dụng các loại thuốc nặng hơn trong đó có thuốc lá truyền thống.

TS Trần Tuấn cũng cho biết doanh nghiệp nhà nước này có một mối quan hệ khăng khít với Bộ chủ quản của mình. Không chỉ tài trợ cho những chuyến thăm quan nước ngoài của quan chức trong bộ mà gần đây báo chí đã từng phản ánh, Vinataba còn gắn bó với Bộ Công thương trong vấn đề nhân sự.

“Thuyên chuyển cán bộ từ vị trí lãnh đạo của Bộ xuống Tổng công ty Vinataba và từ Tổng công ty thuốc lá Vinataba quay ngược trở về bộ là một chu trình đã có, đã thực hiện. Đấy là chiến lược mà chúng tôi gọi là chiến lược cài người của Vinataba nói riêng và ngành công nghiệp thuốc lá nói chung với Bộ Công Thương” – Ông Tuấn nói và đơn cử tháng 9/2020, ông Hà Quang Hòa, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công thương đã được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Vinataba hay trước đó ông Vũ Văn Cường – Chủ tịch HĐTV của Tổng công ty này trong giai đoạn 2013-2018 cũng từng là Chánh văn phòng Bộ Công Thương.

Ho Quang Hoa.jpg
Ông Hà Quang Hòa, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công thương (người bên trái) được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Vinataba tháng 9/2020. Ảnh: Vinataba

Theo ông Tuấn bằng việc duy trình một Tổng công ty thuốc lá là doanh nghiệp nhà nước, Việt Nam đã vi phạm Công ước quốc tế về Kiểm soát thuốc lá quốc tế (FCTC) của WHO.

“Công ước quốc tế FCTC kêu gọi không được để một DN thuốc lá trở thành công ty Nhà nước vì nguy cơ can thiệp vào chính sách công làm suy giảm lợi ích y tế công cộng. Như vậy làm sao để nói lên được cho các nhà chính trị Việt Nam biết vấn đề này, mà cụ thể là vi phạm điều 5.3 của công ước quốc tế FCTC khi không minh bạch, không rõ ràng trách nhiệm, tách bạch giữa cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Công thương với các công ty thuốc lá khi mà để Vinataba thuộc Bộ Công thương” – ông Tuấn nhấn mạnh và cho rằng cố gắng tác động duy trì được Vinataba là một công ty nhà nước cũng như việc cài cắm nhân sự được giới chuyên môn xem là những chiến lược của ngành công nghiệp thuốc lá tại Việt Nam và chiến lược này cũng đã từng được một số ngành sản xuất các sản phẩm nguy hại với sức khỏe khác áp dụng như  ngành sản xuất rượu bia hay tấm lợp ami-ăng.

Related posts