Lương giáo viên vẫn quá thấp với thiên chức “trồng người”

Đầu năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục hiện hành, kiến nghị lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 21 tháng 2 cùng năm, đề xuất bảng lương riêng hoặc chế độ phụ cấp cao nhất đối với giáo viên đã không được tán thành.

Mức lương giáo viên cũng là vấn đề được nhiều người trong ngành giáo dục nói đến từ lâu. Có người cho rằng, muốn thay đổi hay vực dậy ngành giáo dục có quá nhiều tiêu cực trong những năm qua, điều đầu tiên cần làm là tăng lương cho giáo viên.

Cố Giáo sư Hoàng Tụy, lúc sinh thời giữ chức Viện trưởng Viện Toán học, từng nói thẳng rằng, nếu không tăng tiền lương cho thầy cô giáo thì mọi hô hào cải cách giáo dục đều vô nghĩa. Cải cách giáo dục phải bắt đầu bằng chuyện, người làm nghề giáo ít nhất phải sống được một cách đàng hoàng bằng lương, không phải lo lắng gì chuyện mưu sinh.

Vì vậy, ban giám hiệu muốn khá thì tìm cách bòn rút ngân sách, lạm thu, ăn chặn tiền của giáo viên lẫn học sinh (gọi chung là tiêu cực). Còn về phía giáo viên, giáo viên muốn khá phải dạy thêm tràn lan thậm chí ép học sinh học thêm. – Thầy giáo Ngọc Sơn 

Đến nay, qua nhiều lần cải cách giáo dục, mức lương căn bản của giáo viên vẫn bị coi là quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống ở mức tối thiểu. Thầy giáo Ngọc Sơn ở Sài Gòn nhận định nguyên nhân qua ứng dụng Facebook Messenger với RFA:

Theo mình nghĩ có hai nguyên nhân. Thứ nhất, đầu tư cho giáo dục ở Việt Nam rất thấp. Thứ hai, giáo viên là viên chức Nhà nước nên lãnh lương cũng theo quy định lương công chức viên chức mặc dù có thêm các khoản phụ cấp ưu đãi nhưng nhìn chung cũng khó đáp ứng được nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống. Vì vậy, ban giám hiệu muốn khá thì tìm cách bòn rút ngân sách, lạm thu, ăn chặn tiền của giáo viên lẫn học sinh (gọi chung là tiêu cực). Còn về phía giáo viên, giáo viên muốn khá phải dạy thêm tràn lan thậm chí ép học sinh học thêm. Cả hai trường hợp trên đều rất ít bị xử lý (báo chí phát hiện làm rùm beng một thời gian rồi đâu cũng vào đấy). Có thể hiểu ngầm đây là một đặc ân để câu lòng trung thành với chế độ.”

Nhiều người cho rằng, với mức lương quá thấp không đủ sống, một số giáo viên đã ‘sa ngã’ khi tìm cách kiếm thêm thu nhập không xứng với chức danh cũng như sự kính trọng mà xã hội

dành cho họ bấy lâu nay.

Có thể nêu vài ví dụ: Đầu tháng 1 năm 2021, một giảng viên của Trường cao đẳng Y tế Quảng Nam ‘vòi vĩnh’, nhận tiền của 44 sinh viên với tổng số tiền hàng chục triệu đồng. Hội đồng Nhà trường đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với giảng viên này, buộc trả lại tiền cho học sinh. Một tháng sau, một giảng viên thỉnh giảng môn tiếng Anh của Trường đại học Hoa Sen đã chủ động gợi ý sinh viên đóng mỗi người 500.000 đồng để được nâng điểm thi học kỳ môn này.

Học sinh trong một lớp tiểu học ở Hà Nội. AP

Trao đổi với RFA về vấn đề tiền lương giáo viên vào sáng 17 tháng 5 năm 2022, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, giáo sư danh dự của Đại học Liege, nêu quan điểm của ông:

Với cái số lương hiện nay mà chi cho các giáo sư đại học Việt Nam thì chỉ đủ ăn buổi sáng buổi trưa thôi là hết rồi cho nên nó không hợp lý tí nào và có thể nói là nó bóc lột sức lao động của các trí thức Việt Nam.

Nhớ lại cái thời Việt Nam Cộng Hòa đó thì dạy ở trường trung học hay cả tiểu học thì cũng đủ nuôi cả gia đình. Còn bây giờ các nơi thì phải đi dạy thêm đi dạy ngoài trường tư thục thì mới đủ sống cho nên mà cái số lương mà họ nói họ tăng cường thì chỉ là ve vãn và an ủi thôi, chứ cái số lương chính thức của một vị giáo sư đúng nghĩa có học vị tiến sĩ quốc tế thì không phù hợp, không đủ và rất là tệ hại. Nhà nước có chính sách tăng lương nhưng lương thấp quá cho nên có tăng cũng chả ăn thua gì.”

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có buổi làm việc với Thành ủy, Ủy ban Nhân dân TP.HCM về các vấn đề giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện Bộ Giáo dục đang nghiên cứu triển khai thí điểm chọn một số trường công chất lượng tốt chuyển sang làm đề án thu học phí cao, lấy học phí này chi trả, giảm nguồn viên chức hưởng lương.

Đề nghị của ông Nguyễn Kim Sơn không nhận được đồng tình của nhiều người dân và cả một số nhà giáo. Đa số cho rằng, làm như thế thực chất là một hành vi phản giáo dục; là trái với nguyên lý giáo dục Việt Nam.

Với cái số lương hiện nay mà chi cho các giáo sư đại học Việt Nam thì chỉ đủ ăn buổi sáng buổi trưa thôi là hết rồi cho nên nó không hợp lý tí nào và có thể nói là nó bóc lột sức lao động của các trí thức Việt Nam. – Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng

Một số chuyên gia về giáo dục cho rằng, thay vì thu học phí cao trường công thì hãy để trường tư làm việc đó với điều kiện trường tư phải được đầu tư đúng cách. Nếu làm được như thế, hệ thống trường tư sẽ hỗ trợ nhà nước rất nhiều trong việc chi trả lương cho giáo viên, giúp họ có thu nhập xứng đáng với vai trò của một người mang kiến thức đến cho xã hội.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, giải thích:

Sự thực thì tôi cho rằng cái cách thức phát triển giáo dục ở Việt Nam nó không đồng bộ. Vấn đề lương thì thực sự mà nói thì nó phụ thuộc vào rất nhiều cái phát triển trường tư. Phát triển với hình thức đây là giáo dục chất lượng cao, kinh phí trả rất là lớn thành ra nó bó hẹp lại khu vực trường tư là chỉ cho những nhà giàu chứ nó không có các dạng trường tư cho người có thu nhập trung bình, để nó gánh vác việc giáo dục ở một mức độ phổ cập lớn hơn. Chính vì vậy mà khu vực công phải gánh vác quá nhiều và khi gánh vác quá nhiều, kể cả việc chi lương cho giáo viên thì không kham nổi. Chính vì vậy mà giáo dục ở Việt Nam nó vẫn vướng phải cái vòng luẩn quẩn.  

Chính vì vậy, tôi cho cái cấu trúc giữa trường công và trường tư, giữa khu vực chất lượng cao đòi hỏi nhiều tiền với khu vực mà giáo dục có chất lượng trung bình, chi phí chấp nhận được và khu vực công miễn phí hoàn toàn, nhà nước gánh vác hoàn toàn, đảm bảo cho những người nghèo mà quốc tế người ta vẫn làm, thì Việt Nam lại đôi khi có cái tư duy về phát triển trường tư theo kiểu của những đại gia đầu tư vào giáo dục. Tôi cho là không thành công. Hiện nay, việc giải quyết câu chuyện lương cho giáo viên là cực kỳ khó.” 

Giáo sư Võ cho rằng, nếu Công đoàn giáo dục Việt Nam – một công đoàn có vai vế rất lớn, quyết định nhiều thứ cho giáo dục – lên tiếng mạnh mẽ về chế độ tiền lương cho giáo viên thì mọi việc có thể được thay đổi. Tiếc rằng đến nay, lương giáo viên vẫn thuộc loại thấp, không xứng đáng cho thiên chức “trồng người” của họ.

Related posts