“Mini Cấp cao” Việt – CPC – Lào: “Thoát Việt” là nỗi lo lớn nhất của “ông anh Cả”

Ngày 26/9/2021, tại Hà Nội, Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) Hun Sen và Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (LPRP) Sisoulith đã có cuộc gặp cấp cao Việt – Miên – Lào. Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, lần đầu tiên trong nhiều năm, tại trụ sở của ĐCSVN ở Hà Nội, TBT Nguyễn Phú Trọng đã mật đàm với những người đứng đầu các đảng của Campuchia và Lào. Dù không ra Tuyên bố chung nhưng “Mini cấp cao” được báo chí do nhà nước kiểm duyệt gọi là cuộc gặp nhằm củng cố “mối quan hệ truyền thống và gắn bó giữa ba đảng, ba nước”. Các nhà quan sát cũng cho rằng, cuộc tập hợp hiếm hoi này có mục đích quan trọng trong bối cảnh sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với hai đồng minh lâu năm của Hà Nội.

Đưa tin về cuộc gặp “Mini cấp cao” nói trên, báo Phnompenh Post cho biết, ba nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác và củng cố mối quan hệ vì lợi ích của nhân dân ba nước, nhằm duy trì hoà bình cũng như ổn định trong khu vực [1]. Tương tự, Vientiane Times nói rằng các nhà lãnh đạo ba đảng thảo luận về sự hợp tác trong những năm gần đây cũng như đường hướng cho tương lai, đồng thời thống nhất về tầm quan trọng của mối quan hệ truyền thống, đoàn kết và hữu nghị giữa ba đảng, ba nước từ lịch sử cũng như hiện nay [2]. Thực tế, nội tình cuộc gặp phức tạp và nan giải hơn nhiều. Thế kẹt của Việt Nam nằm ở bang giao “tay tư” tế nhị giữa Trung Quốc khổng lồ với ba nước Đông Dương. Nếu Hà Nội trên thực tế luôn thừa nhận có quan hệ 4 tốt và 16 chữ vàng với Trung Quốc thì không có lý do gì, Việt Nam lại cản trở hai “ông em” xây đắp mối quan hệ “môi răng” với đại cường Bắc Kinh. Chưa nói là Bắc Kinh nhất cử nhất động đều nắm rất vững các biến động nội bộ từng nước. Mà cả ba nước lại đều muốn tranh thủ sự ủng hộ rất quyết định của Trung Quốc đối với quyền lực của mỗi cá nhân trong nội bộ mỗi nước.

Hẳn nhiên là ba đảng có những liên hệ sâu xa từ lịch sử cách mạng của các dân tộc trên bán đảo Đông Dương. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (LPRP) lên nắm quyền với sự hậu thuẫn chính trị và quân sự của Việt Nam vào tháng 12/1975 và tiếp tục có mối quan hệ thân thiết với “người bảo trợ” Việt Nam. Trong khi đó, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông Hun Sen lên nắm quyền vào năm 1979 sau khi quân đội Việt Nam đánh bại chính thể cộng sản Khmer Đỏ mà trước đó cũng nhận được sự bảo trợ của Hà Nội, trước khi quay lại chống chế độ này vào đầu những năm 1970. Tuy nhiên, ngày nay, vai trò chi phối của ĐCSVN đối với hai đảng anh em tất nhiên không còn như ngày xưa. Điều này thể hiện trong quan hệ với Campuchia, hiện Việt Nam đang đau đầu do quan hệ giữa đất nước Chùa tháp với Bắc Kinh đang ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và phát triển của Việt Nam ở mức độ đáng báo động. Với Lào tuy chưa nghiêm trọng như với Campuchia, nhưng tương lai, tình hình cũng không khả quan hơn.

“Đối với Việt Nam, mối quan hệ với Lào và Campuchia đóng một vai trò quan trọng trong mọi mặt, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng,” Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nhận định từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak. “Do đó, việc duy trì mối quan hệ với hai nước này cũng như sự ảnh hưởng đối với họ ở mức cao nhất có thể là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”. Theo TS Hiệp, mục tiêu này của Việt Nam đang vấp phải những thách thức đáng kể từ sự cạnh tranh chiến lược của Trung Quốc ở Campuchia và Lào trong 10 năm trở lại đây. Trung Quốc, theo nhà nghiên cứu của ISEAS, giàu có hơn, đã bỏ nhiều tiền của hơn để đầu tư vào các mối quan hệ với Lào và Campuchia, đặc biệt thông qua các gói cứu trợ, các khoản vay ưu đãi và các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng [3].

Vì thế, tại cuộc gặp cấp cao cuối tháng qua, cả “ba anh em” đều xét duyệt lại mối quan hệ giữa họ với nhau. Không nói ra công khai, nhưng nỗi lo lớn nhất của “ông anh Cả” Việt Nam là Campuchia và Lào đang “tuột dần” khỏi tay mình. Phía Lào và Campuchia, vì vậy luôn luôn muốn làm an lòng Việt Nam, rằng mối quan hệ của họ với Trung Quốc sẽ không gây hại cho lợi ích của VN trên bán đảo. Tuy nhiên, sức nặng của các cam kết ngoại giao từ hai nước “đàn em” không thể đối trọng lại ảnh hưởng trên thực tế của Trung Quốc. Việc Lào vẫn chưa chịu ngưng xây dựng các đập thuỷ điện trên sông Me Kong gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của gần 20 triệu dân Việt ở “vựa thóc” Nam Bộ là một bằng chứng khó chối cãi. Riêng với Campuchia thì vấn đề còn nghiêm trọng hơn bởi căn cứ quân sự không lồ của Trung Quốc tại căn cứ hải quân Ream. Mà chẳng nói Việt Nam, ngay Hoa Kỳ cũng đang đau đầu về chuyện này. Cách đây không lâu, ông Hun Sen vừa tuyên bố công khai: Campuchia không dựa vào Trung Quốc thì còn có thể dựa vào ai [4].

Thủ tướng Hun Sen không ngần ngại bảo vệ quan hệ gần gũi của Campuchia với Trung Quốc, nhấn mạnh sự hỗ trợ tài chính của Bắc Kinh cho Phnom Penh. Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á tổ chức trực tuyến hồi 20/5, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho rằng, những chỉ trích về việc Phnom Penh quá phụ thuộc vào Bắc Kinh là “không công bằng”. Trung Quốc là nước bảo trợ chính trị quan trọng và cung cấp viện trợ lớn nhất cho Campuchia. Quốc gia này đã đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Campuchia. Thủ tướng Hun Sen liên tục bác bỏ ý kiến rằng Campuchia cho phép tàu chiến Trung Quốc tiếp cận căn cứ hải quân của nước này. Ông nhấn mạnh Hiến pháp Campuchia cấm nước ngoài lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ, bày tỏ hoan nghênh mọi quốc gia điều tàu cập cảng Campuchia với mục đích viện trợ phát triển.

“Chúng tôi không đóng cửa với bất kỳ ai muốn hỗ trợ xây dựng Campuchia”, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh. Trong bối cảnh Campuchia đang chống chọi với đợt bùng phát COVID-19 lớn, ông cho rằng cần loại bỏ rào cản trong vận chuyển vật tư y tế qua biên giới để vắc-xin dễ tiếp cận hơn. Hun Sen vẫn thách thức về các lệnh trừng phạt thương mại của Liên minh châu Âu áp đặt lên nước này vào tháng 8 năm ngoái do các cáo buộc vi phạm nhân quyền. Brussels đã đình chỉ một phần quyền tiếp cận ưu đãi đối với 20% hàng hóa xuất khẩu của Campuchia vào EU, cáo buộc nước này “vi phạm nhân quyền có hệ thống.” Động thái này là một đòn giáng mạnh vào lĩnh vực sản xuất hàng may mặc trị giá 10 tỷ USD của Campuchia, vốn phụ thuộc vào thị trường châu Âu. Trong số các mối quan tâm của EU là việc chính quyền hiện hành đã buộc đảng đối lập chính của Campuchia, Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia, phải giải thế. [5].

Từ giữa thập niên 2010, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư bên ngoài lớn nhất ở cả Campuchia và Lào, đồng thời là một đồng minh chính trị ngày càng quan trọng của hai nước này. Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng khoảng 16 tỷ đô la vào Lào kể từ năm 1989, theo một tuyên bố gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào. Các dự án “Sáng kiến Vành đai Con đường” (BRI) của Trung Quốc tuy bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng chỉ ở mức độ có thể kiểm soát được. Các dự án BRI trọng điểm ở Campuchia, đặc biệt là đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville, các sân bay quốc tế mới ở Siem Reap, Phnom Penh và Lào, đặc biệt là đường cao tốc dự án đường sắt tiếp tục giữ được tiến độ. Dòng đầu tư tiếp tục của Trung Quốc và mối quan hệ thương mại ngày càng tăng giữa Trung Quốc với Lào và Campuchia sẽ mở rộng sự hiện diện và ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực, định hình một trật tự kinh tế với Trung Quốc là trung tâm [6].

Các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam nên hiểu một tâm lý phổ quát, Việt Nam (ngoại trừ bộ phận “thờ Tàu” trong chính quyền) muốn “thoát Trung” như thế nào thì Campuchia và Lào cũng muốn “thoát Việt” như thế. “Đừng làm điều gì mà anh không muốn người khác làm cho mình!”. Lời dạy này của Không Tử thiết nghĩ phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay. Và giải pháp có lẽ chỉ có một. Không thể chỉ “mạnh vì gạo bạo vì tiền” chạy đua với Trung Quốc trong việc “lôi kéo” Lào và Campuchia. Vấn đề là phải thay đổi não trạng về chính trị đối ngoại. Trong quan hệ quốc tế xưa nay chỉ có hai sự lựa chọn. Nếu cứ đi vào con đường “chư hầu” thì không những bản thân anh phải “lệ thuộc” , mà anh sẽ mất luôn các “đồng minh chí cốt” một thời. Vì vậy, cách giữ được Lào và Campuchia tốt nhất là phải đổi mới về chất mối quan hệ giữa ba nước. Phải tạo ra các cơ sở về an ninh và phát triển mỗi nước sao cho cả ba thực sự là “đồng minh” của nhau. Nếu muốn biến Lào hay Campuchia thành “chư hầu”, chắc chắn sẽ thất bại.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Related posts