Mô hình ‘Thị trưởng’ chỉ là hình thức nếu thể chế không thay đổi

Bộ Nội vụ vừa đề xuất áp dụng  mô hình tòa thị chính, thị trưởng ở một đô thị tại Việt Nam. Bộ Nội vụ đưa ra đề xuất vừa nêu tại Hội nghị đô thị toàn quốc, phổ biến về ‘Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045’.

Theo Bộ Nội vụ, cơ chế vận hành bộ máy hành chính đô thị tại Việt Nam hiện bị cắt khúc theo từng cấp trong nội bộ; điều hành hành chính thì mang tính tập thể của ủy ban; trách nhiệm cá nhân người đứng đầu là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) chưa rõ ràng, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của chính quyền đô thị.

Do đó, Bộ Nội vụ cho rằng cần đổi mới tổ chức đơn vị hành chính đô thị theo hướng phân định, điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm vùng miền và quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kinh nghiệm các nước về mô hình tòa thị chính, thị trưởng ở đô thị cho phù hợp với đặc thù Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, nhận định hôm 5/12:

“Nghe ‘Thị trưởng’ thì rất hay, giống như các nước trên thế giới là người đứng đầu một thành phố. Nhưng quan trọng nhất là thể chế chính trị của Việt Nam có thay đổi theo cái tên ‘Thị trưởng’ hay không? Hay là Thị trưởng chỉ là thay cho tên gọi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, rồi bên cạnh đó ông Thị trưởng lại là Phó bí thư đảng bộ địa phương, rồi dưới sự lãnh đạo của đảng bộ địa phương, bên cạnh đó còn có hội đồng nhân dân…”

Theo ông Phúc, bây giờ nếu ông thị trưởng phải thực hiện theo sự lãnh đạo của đảng, của Hội đồng Nhân dân… thì cái tên mà Bộ Nội vụ đề xuất chẳng qua chỉ đặt một cái tên mới, để giống các nước phương Tây. Ông nói tiếp:

“Nhưng các cơ chế vận hành chính quyền đô thị thì sẽ không có gì thay đổi nếu chúng ta không sửa luật và không làm theo cách vận hành thể chế của một thành phố giống như các nước phương Tây. Chính vì vậy, đây chỉ là thay cái áo mới, nhưng nội hàm của nó thì không thay đổi, cho nên không giải quyết được vấn đề, mà đây chỉ là tên gọi mà thôi.”

Nghe ‘Thị trưởng’ thì rất hay, giống như các nước trên thế giới là người đứng đầu một thành phố. Nhưng quan trọng nhất là thể chế chính trị của Việt Nam có thay đổi theo cái tên ‘Thị trưởng’ hay không?
-Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc

Vai trò Thị trưởng là người đứng đầu và đại diện cho chính quyền địa phương của một thành phố, đô thị tự quản hoặc thị xã/thị trấn. Thị trưởng có quyền bổ nhiệm nhân sự và ban bố các chính sách tại địa phương đó.

Trong nhiều hệ thống chính quyền trên thế giới, thị trưởng là chính trị gia được bầu lên để đứng đầu cơ quan hành pháp của địa phương. Có nhiều khác biệt rộng lớn tại các nước về luật và tục lệ địa phương liên quan đến quyền lực và trách nhiệm của một thị trưởng cũng như cách thức mà một thị trưởng được bầu lên hay được ủy nhiệm.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống từ Hà Nội hôm 5/12, nhận định:

“Tôi nghĩ chỉ là hình thức thôi, bởi vì bầu cử Thị trưởng thì phải có tranh cử rõ ràng, phải có luật bầu cử rõ ràng… Chứ còn bầu cử như từ trước đến nay, nếu chỉ chọn ra một người để bầu không có tranh cử thì cũng vô nghĩa. Chẳng qua chỉ là thay cái tên, đáng lẽ là Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành Thị trưởng. Cái này nằm trong hệ thống tổ chức chính quyền, nó phải dựa vào Hiến pháp. Có thể người ta thấy hình thức Thị trưởng của các nước phương Tây có cái hay.”

Nhưng theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống nó chỉ hay khi có tranh cử thật sự và người dân có quyền bầu cử hẳn hoi. Chứ còn nếu vẫn là hình thức đảng cử dân bầu thì đó chỉ là hình thức. Ông Cống cho rằng, khả năng để mà có một cuộc bầu cử dân chủ thực sự ở Việt Nam hiện nay là chưa có. Ông nói tiếp:

“Muốn có bầu cử như vậy thì phải có hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, phải mạnh lên, phải có một lực lượng nào đấy để hỗ trợ… Chứ còn hiện nay ở trong nước, hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự vẫn bị đàn áp một cách khốc liệt. Tình hình hiện nay dân chủ là chưa có, chưa thấy rõ ràng, đặt tên chẳng qua là để lừa dối, tôi không tin là thật sự có thể có chuyện như thế.”

412933d6-a94e-4f1d-90ea-3718561d9145.jpeg
Hình minh hoạ. Một tấm biển cổ động cho cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp ở Hà Nội hôm 22/5/2016. AFP.

Trong báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, được công bố hôm 12/4/2022, nước này đánh giá về quyền tự do chính trị ở Việt Nam rằng ‘Công dân không thể lựa chọn Chính phủ của mình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng, được tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín, nhằm đảm bảo quyền tự do biểu đạt và ý chí của người dân.’

Báo cáo kết luận rằng cuộc bầu Quốc hội khoá XV năm 2021 là không tự do cũng không công bằng, Chính phủ không cho phép các tổ chức độc lập được giám sát.

Khi nộp rồi thì người ta tổ chức cuộc họp của nhân dân, nó kinh khủng lắm, mục đích là làm thế nào để loại tôi. Tôi thấy rằng, có chui vào ứng cử mới biết rằng những thủ đoạn nham hiểm của người ta, nó kinh lắm.
-Giáo sư Nguyễn Đình Cống

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một trong những người tự ứng cử vào Quốc hội khóa XV, nói với RFA:

“Đợt vừa rồi tôi cũng là một trong các ứng viên, tôi ứng cử để biết nó như thế nào, chứ tôi nắm chắc là sẽ bị loại ngay từ vòng đầu. Cùng ứng cử với tôi cũng có một số người, nhưng người thì bị bắt, người thì bị truy tố, tôi cũng suýt nữa bị bắt. Thành ra điều họ nói những người ngoài đảng vào Quốc hội thì kết quả không đạt được gì cả, đấy chỉ là tuyên truyền thôi. Riêng trường hợp của tôi ứng cử thì người ta bày ra bao nhiêu thủ tục để ngăn cản, để làm cho tôi nản chí không thể tiếp tục được. Tôi phải vừa đấu lý, vừa hăm dọa mới nộp được đơn. Khi nộp rồi thì người ta tổ chức cuộc họp của nhân dân, nó kinh khủng lắm, mục đích là làm thế nào để loại tôi. Tôi thấy rằng, có chui vào ứng cử mới biết rằng những thủ đoạn nham hiểm của người ta, nó kinh lắm.”

Trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại Việt Nam diễn ra vào tháng 5 năm 2021, ngoài Giáo sư Nguyễn Đình Cống bị gây khó khăn, có hai người tự ứng cử đại biểu quốc hội ở phía Bắc là ông Trần Quốc Khánh và Lê Trọng Hùng bị bắt giam. Cả hai bị cáo buộc ‘Làm, tàng trữ, phát tán tài liệu chống Nhà nước’ theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.

Hầu hết những người trong danh sách để bầu vào Quốc hội khóa XV là do phía Đảng Cộng sản Việt Nam và cơ quan chức năng giới thiệu. Hoạt động này lâu nay bị chỉ trích là ‘đảng cử, dân bầu’ mang tính hình thức, không dân chủ.

Related posts