Mô hình tượng đất nung, Tử Cấm Thành ở Đà Lạt bị phản ứng mạnh!

Sở Du lịch Lâm Đồng ngày 31/8 tiến hành họp khẩn cấp với mục đích được nói để xử lý vụ “đội quân đất nung” nghi là tượng Trung Quốc chuyển về đặt trong một khu du lịch ở Đà Lạt.

Trước đó, mạng xã hội cuối tuần qua loan truyền một số hình ảnh các xe tải lớn từ Bình Dương về Đà Lạt chở tượng quân lính thời phong kiến được chia làm 3 nhóm đều mang vũ khí gồm quân phục toàn thân phủ màu nhũ vàng; quân phục có xe màu nhũ vàng và đỏ; hoặc mặc áo vải.

Từ những hình ảnh đó, nhiều bình luận đặt nghi vấn có thể một chủ đầu tư đang xây dựng một tử cấm thành kiểu Trung Quốc hoặc đang xây dựng dạng du lịch tâm linh mang yếu tố Trung Quốc. Lý do được cho biết vì hình dạng quân lính được đặt gần một công trình mô phỏng Vạn Lý Trường Thành được xây dựng cách đây 20 năm, khiến nhiều người liên tưởng đến Tử Cấm Thành và đội quân Trung Quốc.

Trao đổi với RFA tối 31/8, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương – Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch đưa ra nhận định về sự việc lần này như sau:

“Tôi cho rằng mình tiếp thu văn hóa quốc tế thì cũng không vấn đề gì để mình có thể lan tỏa sự giao lưu văn hóa trong hoạt động du lịch. Tuy nhiên trong trường hợp cụ thể này cần phải rất cân nhắc bởi vì khi mình lựa chọn một chủ đề thì trước tiên nó phải khá phù hợp với văn hóa địa phương, cụ thể đây là của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và của Việt Nam nói chung. Về lịch sử Trung Quốc thì tôi cho rằng cái đó liên quan đến lịch sử một thời kỳ phát triển của Trung Quốc thì mình cũng ghi nhận để biết. Còn chuyện chúng ta lại tái tạo lại chuyện như thế tôi nghĩ ta cần phải cân nhắc lại. Tôi cho rằng điều đó chưa phù hợp lắm trong lúc này.”

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Phó phòng Nghiên cứu Văn học và Lịch sử, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho rằng việc làm những mô hình nhỏ của những điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới để mọi người có thể đến tham quan trong chốc lát thì nhiều nơi đã từng có.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Xuân Diện đưa ra nguyên nhân vì sao khi dựng lại mô hình Vạn Lý Trường Thành và các lính dõng trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở Đà Lạt gây ra sự bức xúc lớn trong dư luận:

000_19A0UK.jpg
Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc.
AFP

“Tôi cho rằng khu du lịch như thế rất phản cảm vì nó đưa lại một triều đại của Trung Quốc chả vẻ vang gì của một tên bạo chúa Tần Thủy Hoàng với đội quân đi diệt, thôn tính khắp thế giới như vậy rất nguy hiểm, không đem lại hình ảnh đẹp đẽ gì hết cho thành phố Đà Lạt. Thứ nhất bởi vì thời điểm hiện nay là thời điểm nhạy cảm trong chuyện đó. Thứ hai nữa ở đấy chỉ đơn độc mỗi cái Vạn Lý Trường Thành đó mà không có những thứ khác. Thứ ba nữa là người ta đọc những sự bao biện của ông Quang Phúc là ông chủ khu du lịch thì thấy rất chây bừa. Ví dụ như ông ấy bảo những cái khiên mà các người lính cầm là hình trống đồng, chim lạc như thế lại càng dở vì người lính Tàu, lính dõng của Trung Quốc mà lại cầm khiên hình chim lạc của Việt Nam thì đó lại càng nguy hiểm hơn, càng cần sự phản đối hơn.”

Trước khi cuộc họp diễn ra, ngày 30/8, theo nguồn của Tuổi Trẻ Online, các xe tải chở 230 bức tượng được nói đến là của ông Ngô Quang Phúc – chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Liên Minh (Liên Minh Group, trụ sở tại Đà Lạt) – mua lại từ Khu du lịch Đại Nam ở Bình Dương. Ông Phúc khẳng định toàn bộ tượng này đều là tượng quân lính Việt Nam thời phong kiến, quân phục trên áo giáp và khiên của tượng có hoa văn chim lạc in nổi, tương tự như trên trống đồng Đông Sơn.

Đại diện Sở du lịch Lâm Đồng cho truyền thông Nhà nước Việt Nam biết đang xác minh thông tin từ nhiều phía và chưa có kết luận chính thức về vụ việc này.

Chị Thu Trang, hiện đang ở Sài Gòn, thường đi du lịch Đà Lạt một lần mỗi tháng cho biết cảm nhận của chị qua Facebook Messenger như sau:

“Có lẽ nhiều người đổ về Đà Lạt vào mỗi cuối tuần do khí hậu mát mẻ và không quá xa thành phố nên các khu du lịch liên tục mọc lên và khi hết ý tưởng thì người ta làm như vậy. Đà Lạt bây giờ ngày càng mang tính thương mại chứ không phải chỉ những công trình, khu du lịch mang tính đặc trưng bản địa như Đà Lạt trước đây. Thật sự chị nghĩ nếu chỉ làm về danh lam thắng cảnh các nước thì không sao, nhưng lại liên quan đến lịch sử nước ngoài thì cũng không nên, vì có nhiều người lịch sử nước mình còn không biết. Vậy nên nếu được thì có thể thay đổi cho người dân ngoài tham quan ra còn có thêm kiến thức về Việt Nam thì sẽ tốt hơn. Cả chính quyền tỉnh Lâm Đồng cũng nên siết chặt hơn trong việc phê duyệt các công trình du lịch địa phương nữa.”

TS. Nguyễn Xuân Diện cũng có cùng quan điểm nêu trên, đồng thời đưa ra đề nghị:

“Tại sao trong lịch sử Việt Nam có rất nhiều biểu tượng hay những hình ảnh đẹp như chiến thắng Bạch Đằng hoặc cuộc hành quân thần tốc của Quang Trung Nguyễn Huệ, hoặc hàng loạt sự kiện lịch sử, hình ảnh biểu tượng đẹp lại không làm mà làm Vạn Lý Trường Thành làm gì? Tôi thấy ngành Văn hóa và du lịch tỉnh Lâm Đồng cần yêu cầu hủy bỏ những bức tượng đó. Hủy trước rồi mới vùi lấp sau vì nếu không hủy thì sau này sẽ để lại những di họa không được tốt đẹp.”

Theo PGS. TS. Phạm Trung Lương, các khu du lịch và cả chính quyền tỉnh Lâm Đồng cần suy tính kỹ hơn khi muốn phát triển mảng du lịch địa phương:

“Trong lâu dài tôi nghĩ rằng mình phải hết sức cân nhắc, lựa chọn những gì đặc biệt về văn hóa. Câu chuyện này mang tính lịch sử nhiều, còn văn hóa Trung Quốc thế nào… thì nó không thể hiện rõ lắm. Nó phải nằm trong một tổng thể gì đó, chứ nếu mình cứ làm theo kiểu để hút khách hay giật gân thì nó chưa được phù hợp lắm.”

Đây không phải lần đầu tiên ngành du lịch Lâm Đồng vấp phải phản ứng gây gắt từ dư luận, xã hội.

Cách đây không lâu, vào ngày 15/7, Khu du lịch Quỷ Núi ở huyện Lạc Dương, Lâm Đồng cũng do Liên Minh Group làm chủ đầu tư đã bị ngưng hoạt động để thanh tra sở xác minh do có nhiều hình tượng ma quái, phản cảm khiến dư luận bất bình.

Related posts