Mỹ hỗ trợ Indonesia xây dựng trung tâm huấn luyện cảnh sát biển ở Natuna

Mỹ và Indonesia vừa khởi công xây dựng một trung tâm đào tạo cảnh sát biển trị giá 3,5 triệu đô la tại Batam – một trung tâm công nghiệp và giao thông ở cuối phía nam Biển Đông, nhằm tăng cường năng lực của Indonesia trong việc chống tội phạm trong nước và xuyên quốc gia. Mạng báo BenarNews, một nhánh của RFA, đưa tin ngày 28/6.

Phó Đô đốc Indonesia Aan Kurnia, người đứng đầu lực lượng Cảnh sát  biển Indonesia (hay còn gọi là Bakamla), cho biết việc xây dựng trung tâm đào tạo có sức chứa 50 học viên và 12 giáo viên này sẽ được hoàn thành vào năm tới, và sau đó, nó sẽ do Bakamla sở hữu và điều hành hoàn toàn. Ông khẳng định “sẽ không có quân đội Hoa Kỳ đóng quân ở đó”.

Vị quan chức Indonesia này cũng cho biết không có lý do cụ thể nào đằng sau việc lựa chọn địa điểm của cơ sở đào tạo mới này khi được hỏi liệu đó có phải là một nỗ lực tăng cường sự hiện diện trên biển của Indonesia trong bối cảnh các tàu đánh cá và tuần duyên Trung Quốc xâm nhập vùng biển gần đó hay không.

Ông Aan Kurnia nói với BenarNews rằng “Mọi thứ vẫn nằm trong hành lang nguyên tắc của một chính sách đối ngoại tự do và tích cực” và là một lực lượng mới (được thành lập từ 2014), năng lực còn hạn chế nên cảnh sát biển Indonesia cần nâng cao năng lực nguồn nhân lực.

Batam, thủ phủ của quần đảo Riau, chỉ cách phía nam Singapore 32 km, gần biên giới vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á.

Lực lượng cảnh sát biển Indonesia đẩy mạnh việc tuần tra trên biển trong những năm gần đây sau khi các tàu đánh cá của Trung Quốc được hộ tống bởi các tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Jakarta ngoài khơi quần đảo Natuna – tên gọi của Indonesia cho vùng biển của nước này ở cực nam Biển Đông.

Nhiều tàu cá và ngư dân Việt Nam trong thời gian qua cũng bị tuần duyên Indonesia bắt giữ với cáo buộc đánh bắt cá trái phép gần Natuna. Đây cũng là khu vực có vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn giữa Indonesia và Việt Nam hiện chưa được phân định.

Indonesia không coi mình là một bên trong các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông nhưng Bắc Kinh đã tuyên bố các quyền lịch sử đối với vùng biển có chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Aristyo Rizka Darmawan, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Chính sách Đại dương Bền vững tại Đại học Indonesia, cho rằng, việc xây dựng trung tâm đào tạo cảnh sát biển mới này là một sự phát triển thú vị trong quan hệ Indonesia-Hoa Kỳ, diễn ra vào thời điểm mà Jakarta có nhiều hợp tác hơn với Trung Quốc. Ông cho rằng sự hợp tác này là một sự phát triển tích cực cho cả Hoa Kỳ và Indonesia. Với Indonesia, nó khẳng định biểu tượng hiện diện của nước này ở biển Bắc Natuna đồng thời cho thấy nỗ lực của Indonesia trong việc cân bằng vị thế của mình trong bối cảnh cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng như đóng góp của Indonesia vào sự ổn định trong khu vực.

Ông Aristyo cho biết sáng kiến này của Hoa Kỳ cũng sẽ mở rộng sự hiện diện của Washington trong khu vực theo cách mà công chúng Indonesia chấp nhận được.

Related posts