Ngành giao thông thanh minh trước tin mời Trung Quốc sửa chữa mặt cầu Thăng Long

Hôm 4/9, Tổng cục Đường bộ chính thức khẳng định việc Trung Quốc tham dự vào phương án sửa chữa mặt cầu Thăng Long hoàn toàn không chính xác.

Vẫn theo Tổng Cục Đường Bộ, công nghệ sửa cầu Thăng Long do chuyên gia trong nước đề xuất, nghiên cứu và được thực hiện bởi nhà thầu trong nước.

Theo truyền thông trong nước, trường đại học Giao thông Vận tải đề xuất giải pháp sử dụng công nghệ lõi của Châu Âu để sửa chữa cầu Thăng Long. Qua quá trình nghiên cứu, phương án này được đánh giá khả thi và hiệu quả.

Theo lời người đại diện Tổng Cục Đường Nộ, là cơ quan chủ quản của phương án sửa chữa mặt cầu Thang Long, chỉ có thiết bị rải lớp bê tông siêu tính năng và bảo dưỡng hơi nước được nhập khẩu từ Công ty Thành Hưng của Trung Quốc nên quá trình vận hành, bàn giao theo hợp đồng mua sắm thiết bị rải và bảo dưỡng lớp bê tông siêu tính năng có 2  kỹ thuật viên nhà thầu Trung Quốc thực hiện.

Còn lại, toàn bộ quá trình nghiên cứu đề xuất giải pháp sửa chữa và tiến hành thi công đều được thực hiện bởi tư vấn và nhà thầu xây dựng trong nước. Vật liệu cũng được sử dụng trong nước, không phải nhận chuyển giao công nghệ từ bất cứ quốc gia nào.

Cầu Thăng Long, nối bờ Nam với bờ Bắc sông Hồng, là cây cầu lưỡng dụng 2 tầng dành cho cả đường sắt và ô tô, được Trung Quốc khởi công xây dựng với khoản viện trợ không hoàn lại từ năm 1974. Đến năm 1978  Trung Quốc cắt viện trợ và rút hết chuyên gia về nước.

Công trình dở dang được Liên Xô tiếp quản cho đến lúc chính thức khánh thành ngày 9/5/1985.

Ông Nguyễn Văn Ất, tác giả bài “ Sách trắng về cây cầu mang tên Thăng Long”, từng là trợ lý kiêm phiên dịch cho trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô trong giai đoạn tiếp nối, cho biết việc xây dựng cầu Thăng Long phức tạp và đắt tiền hơn nhiều so với cầu bê tông ô tô thông thường.

Ông viết nguyên văn “ Những ngày này chuyện sửa chữa mặt cầu Thăng Long đang khiến dư luận hết sức bất bình vì tại sao công trình này do Trung Quốc đã phá bĩnh, bỏ dở , Liên Xô phải vào giúp hoàn thành, nay Bộ Giao Thông Vận Tải lại cho Trung Quốc vào sửa chữa?!”.

   gg
Hình minh hoạ. Công nhân sửa cầu Thăng Long đang ngồi nghỉ hôm 27/8/2020
AFP

Một blogger ở Hà Nội, không muốn nêu tên, nói rằng đặt vấn đề như thế  khiến dư luận thắc mắc là phải, nhất là trong bối cảnh đường sắt trên cao Hà Nội-Hà Đông, do nhà thầu Trung Quốc đảm trách xây dựng, chưa thể vận hành vì nhiều lý do bất ưng từ phía nhà thầu Trung Quốc.

Tuy nhiên blogger này thêm rằng:

Câu chuyện phải chờ chuyên gia Trung Quốc thì chưa đủ cái độ tin cậy. Người ta ghét Trung Quốc thì người ta gán vào, đâm ra sự việc có cái lý của nó”.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, chuyên ngành ngành kết cấu xây dụng, cho rằng nên tìm hiểu kỹ về chuyện mời chuyên gia Trung Quốc vào công việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long là vì:

Chuyện mời chuyên gia Trung Quốc sang chữa cái mặt cầu tôi thấy cũng lạ. Theo ý của tôi thì chuyên gia Việt Nam đủ sức làm được tại  vì mình làm nhiều cầu rồi, những cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Chương Dương, ngay cả cầu Bãi Cháy… Rất nhiều cầu lớn, thì cầu Thăng Long là Việt Nam làm được thôi. Nói chung việc mời chuyên gia Trung Quốc sang chữa cầu Thăng Long thì dư luận trong nước chả tán thành lắm đâu”.

Từ năm 1985 đến nay, cầu Thăng Long đã nhiều lần được duy tu, bảo trì mà lần sửa chữa lớn nhất là vào năm 2009. Đợt bảo trì lần này do cơ quan chủ quản là Tổng Cục Đường Bộ thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải đảm trách.

Kỹ sư Đỗ Thái Bình, cho hay theo tìm hiểu của ông thì phần lớn công việc duy tu bảo trì mặt cầu Thăng Long sắp tới đều do chuyên gia Việt Nam phụ trách:

Vật liệu do Việt Nam mua của Châu Âu về, nhưng để cán để trộn bê tông và chất dẻo các thứ vân vân thì mua máy của Trung Quốc, cho nên phải cần có chuyên gia Trung Quốc sang để hướng dẫn cách dùng cái máy trộn ”.

“Người ta cũng phê phán ở chỗ là chỉ cái máy trộn mà phải nhờ Tàu là thế nào, mua về là phải sử dụng được chứ máy trộn có gì đặc biệt đâu. Nhưng mà công ty làm việc này là đúng thủ tục vì khi dùng cái máy nào nào thì phải có chuyên gia vào hướng dẫn khởi động cái máy đó. Yếu tố Trung Quốc là như vậy chứ không phải nhờ Trung Quốc thầu hết”.

Theo Tổng cục Đường Bộ Việt Nam, do tính chất phức tạp của việc sửa cầu, Bộ Giao Thông Vận Tải đã thành lập ban chỉ đạo dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Tổng Cục Đường Bộ cũng lập tổ cố vấn gồm các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực này, để phân tích nguyên nhân và tìm cách khắc phục.

Cái này  có yếu tố về mặt ngoại giao nhưng cũng khẳng định thêm về sự khéo léo của Việt Nam, thể hiện với Trung Quốc là Việt Nam vẫn hợp tác. Tuy rằng sự hợp tác này không phải chuyện quá quan trọng tại vì đã có nhiều bên cung cấp kỹ thuật cao, công nghệ cao, thẩm định chuyên môn rất uy tín. – Đinh Gia Hưng

Ông Đinh Gia Hưng, giảng viên Trường Quốc Tế Hoa Kỳ tại Đà Nẵng, lý giải điều gọi là yếu tố Trung Quốc trong chuyện này chỉ là động thái chính trị nhiều hơn là khoa học, kỹ thuật hay điều gì khác :

Cái này  có yếu tố về mặt ngoại giao nhưng cũng khẳng định thêm về sự khéo léo của Việt Nam, thể hiện với Trung Quốc là Việt Nam vẫn hợp tác. Tuy rằng sự hợp tác này không phải chuyện quá quan trọng tại vì đã có nhiều bên cung cấp kỹ thuật cao, công nghệ cao, thẩm định chuyên môn rất uy tín. Như vậy tôi nghĩ đây là một động thái chính trị nhiều hơn là động thái về mặt khoa học”.

Được biết từ khi có dự án sữa chữa mặt cầu Thăng Long vốn đang bị bong tróc và xuống cấp nặng sau 35 năm chịu đựng tải trọng quá lớn và liên tục từ xe cộ đi về, Tổng Cục Đường Bộ thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải đã mời 5 chuyên gia vào công trình tái thiết này.

Trao đổi với đài Á Châu Tự Do, tiến sĩ Trần Bá Việt, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bê Tông Việt Nam, thành viên ACI Viện Bê Tông Hoa Kỳ từ năm 2002, cho biết:

Trong tổ chuyên gia thì có Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Viết Tuệ, tốt nghiệp  ở Đức và sau đó ở Áo, chuyên về cầu và lãnh vực UHPC. Thứ hai là Giáo sư Tống Trần Tùng, chuyên ngành cầu đường, nguyên vụ phó Vụ Khoa Học Công Nghệ của Bộ Giao Thông Vận Tải. ba là Giáo sư Cao Phú Cường, tốt nghiệp Đại Học Đồng Tế, Trung Quốc, hiện là giảng viên Đại Học Xây Dựng ở Hà Nội. Người thứ tư là tôi và thứ năm là bác  Chu Ngọc Sủng, từng tham gia làm cầu Thăng Long thời 1983-1985, có rất nhiều kinh nghiệm về quản lý cũng như kỹ thuật về cầu, đặc biệt là cầu thép”.

Qui trình sữa mặt cầu hoàn toàn do Việt Nam làm chủ, Tiến sĩ Trần Bá Việt nói tiếp, công nghệ  cao cấp UHPC sẽ là kỹ thuật áp dụng cho mặt cầu Thăng Long những ngày tới:

Kết luận đánh giá đến giờ phút này là hệ thống giàn thép chính của cầu vẫn đảm bảo chịu lực sau khi khai thác gần 30 năm. Tất nhiên một số bu lông cũng như một số vị trí cần phải bảo trì,  xiết nó lại hoặc thay thế. Về cơ bản thì hệ rầm giàn cầu thép  Thăng Long vẫn đảm bảo chất lương ngay cả trong điều kiện vượt tải. Thế còn hư hỏng là phần mặt cầu, tải trọng xe hiện nay vượt tải rất nhiều. Chính  điều ấy làm cho bản mặt cầu bị võng, bị trôi trượt khi ô tô phanh, dừng lại  hoặc phanh độ ngột với tốc đô 100 cây số. Suốt từ năm 2009 đến giờ gọi là vá víu lại thôi để gọi là đợi cái giải pháp căn cơ như bây giờ”.

Và bây giờ giải pháp đầu tiên là phải gia cường  bản mặt cầu thép trực hướng, sau đó mới phủ lên đấy một lớp bê tông polymer bám dính bằng keo ê mốc xin. Công nghệ trong này hoàn toàn  do Việt Nam làm chủ”.

Thế thì tại sao phải mời chuyên gia Trung Quốc khi mà chuyên gia Việt Nam đã nắm được công nghệ sửa chữa cao cấp rồi. Tiến sĩ Trần Bá Việt giải thích:

Trong quá trình làm thì đơn vị thi công có mua một số thiết bị của Trung Quốc, trong đó có nồi hơi để bảo dưỡng bê tông UHPC trên mặt cầu. Phần mềm của hệ thống nồi hơi này được viết và cài đặt  bằng tiếng Trung, cho nên phải đợi chuyên gia Trung Quốc sang để vận hành nồi hơi thôi. Còn nếu chuyên gia Trung Quốc không sang thì mình vẫn làm được, chỉ có là phần control (điều khiển) thì mình  làm nó thủ công hơn”.

Theo tin do tiến sĩ Trần Bá Việt cung cấp, 2 kỹ thuật viên Trung Quốc được mời đã có mặt tại Việt Nam nhưng hiện phải theo biện pháp cách ly trong vòng 14 ngày.

Dù vậy, vẫn theo lời ông, 2 kỹ sư người Trung này vẫn có thể liên lạc và làm việc với tổ chuyên trách sửa chữa cầu Thăng Long bằng những cuộc họp trực tuyến.

Theo dự kiến, chương trình thi công để gia cường và bảo trì bản mặt cầu Thăng Long chính thức bắt đầu ngày 12/9 tới đây. Việc tháo gỡ, làm sạch mặt đường, phân làn và những công trình  phụ diễn ra từ đầu tháng trước mà không gây trở ngại hay ách tắc giao thông.

Nếu mọi việc xuôi chảy, Tiến sĩ Trần Bá Việt cho biết, cầu Thăng Long sẽ có  bộ mặt mới vào ngày 15/12/2020.

Related posts