Hiện trạng giao thông tại Việt Nam đang chứng minh Nghị định 168/2024 nói riêng và khả năng quản trị – điều hành xã hội của chính quyền Việt Nam nói chung chỉ có khả năng tạo ra các thảm họa. Việc đột ngột nâng mức phạt vi phạm giao thông từ vài lần đến vài chục lần mà không hề thực hiện bất kỳ biện pháp nào để bảo đảm sự thông thoáng chỉ nâng cao bất an, bất bình trong dân chúng, khiến kinh tế – xã hội tại Việt Nam vốn đã bất ổn còn bất ổn hơn.
Sau khi công chúng chỉ ra việc ban hành Nghị định 168/2024 vi phạm pháp luật, cụ thể là vi phạm Khoản 1 – Điều 151 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (quy định thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước trung ương thông qua hoặc ký ban hành không được sớm hơn 45 ngày) [1], một số viên chức hữu trách và cơ quan truyền thông của nhà nước Việt Nam đã phản bác phát giác vừa đề cập với lý do “Nghị định 168/2024 được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn” nên có thể thực thi ngay lập tức [2], đồng thời quy kết phát giác này là “thủ đoạn xuyên tạc, gây nhiễu” [3]. Tuy nhiên một số người, một số nơi, chẳng hạn như Tạp chí Luật Khoa đã tập hợp dữ liệu, phân tích sâu hơn để chứng minh việc ban hành Nghị định 168/2004 của chính quyền Việt Nam không chỉ vi phạm pháp luật mà cả hệ thống còn cố tình bảo vệ vi phạm ấy vì có đủ bằng chứng cho thấy việc soạn thảo, thẩm định, ban hành Nghị định 168/2024 không hề tuân thủ “trình tự, thủ tục rút gọn” như Luật ban hành VBQPPL dã xác định [4].
___________
Nghị định 168: Tính toán sai lầm của ông Tô Lâm
Nghị định 168 và 176: Chính phủ ca ngợi, người dân ca thán
Nghị định 168 có hiệu lực chỉ năm ngày sau khi ban hành: gấp gáp như phục kích người dân
___________
Do đã có nhiều nơi, nhiều người đề cập đến tác động của Nghị định 168/2024 tới nhân tâm, dân ý cũng như tác hại của Nghị định 168/2024 đối với kinh tế – xã hội cả trong ngắn hạn lẫn tương lai nên người viết bài này xin bỏ qua, không bàn thêm về những yếu tố ấy nữa mà chỉ đề cập đến tâm và tầm của một số cá nhân liên quan đến sự xuất hiện của Nghị định 168/2024. Sở dĩ cần chú ý đến tâm và tầm của những cá nhân này bởi Nghị định 168/2024 chỉ là ví dụ mới nhất cho viễn cảnh tồi tệ hơn…
Tháng 5/2022, Dân Trí giới thiệu video clip dài 27 giây ghi lại cảnh tài xế một chiếc xe loại SUV do nhích dần về phía trước, vượt qua vạch xác định điểm phải dừng khi có đèn đỏ để mở đường cho xe cứu thương và bị… phạt [5]. Đó không phải là trường hợp đầu tiên và cũng vì vậy, Dân Trí tổ chức thăm dò dư luận (nên tuân thủ, chờ đèn đỏ hay vượt đèn đỏ để nhường đường xe cứu thương?). Kết quả, có 13% không chấp nhận vượt đèn đỏ. 35% cho biết sẽ lập tức vượt đèn đỏ nhường đường cho xe cứu thương dù phải vi phạm luật giao thông, họ sẵn sàng trả tiền phạt để cứu mạng ai đó. 52% cho biết sẽ quyết định có nhường đường hay không dựa trên tình hình thực tế [6]…
Năm 2022, mức phạt vượt đèn đỏ đối với xe hai bánh dao động trong khoảng từ 800.000 đến một triệu đồng, đối với xe từ bốn bánh trở lên dao động trong khoảng từ bốn triệu đến sáu triệu đồng. Năm nay, sau khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực thực thi, mức phạt vượt đèn đỏ đối với xe hai bánh dao động trong khoảng từ bốn triệu đến sáu triệu đồng, đối với xe bốn bánh trở lên dao động trong khoảng từ 18 triệu đến 20 triệu đồng [7]. Có thể vì giá phải trả cho những người có thiện ý – sẵn sàng vượt đèn đỏ, nhường đường cho xe vận chuyển người đang trong tình trạng nguy hiểm tới tính mạng – tăng vọt, không chỉ bốn, năm đối với xe bốn bánh trở lên, thậm chí là sáu lần đối với xe hai bánh nên dân chúng Việt Nam mới có cơ hội mục kích cảnh xe cứu thương kẹt cứng giữa rừng người và xe, tất cả cùng bất động vì phía trước là đèn đỏ. Đáng lưu ý là CSGT phớt lờ cả ánh đèn lẫn tiếng còi cầu cứu, thản nhiên vẫy tay ra hiệu cho dòng xe phía trước tiếp tục băng ngang con đường có xe cứu thương đang mắc kẹt [8].
Một số người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam đang chuyển cho nhau xem video clip ông Tô Lâm – Tổng Bí thư đảng CSVN – chỉ đạo như thế này về thực thi đèn đỏ: Đèn đỏ là phải dừng lại. Tất cả các nước đều như thế cả nhưng mà ở chúng ta thì đèn đỏ vẫn được ưu tiên, vẫn được đi qua, thế thì ông được ưu tiên không thực hiện luật. Điều đấy rất dở, đây là chuyện điều hành giao thông của mình. Trên thực tế tôi đi thực tế ở nước ngoài, có nước người ta bảo với tôi là tuy ông có xe cảnh sát dẫn đường nhưng dứt khoát đèn đỏ là ông phải dừng lại. Tôi nói lại là không hiểu tại sao số tôi rất may, tôi đi đến đâu là đèn xanh đến đấy nhưng ông tư lệnh bảo rằng không phải số ông may đâu, ông đi đến đâu là bộ phận điều hành của chúng tôi mở đèn xanh đến đấy. Mình không hình dung như thế! Bây giờ ở ta, anh em cảnh sát rất vất vả, người dân cũng rất vất vả, đang đèn xanh, đang đi thì phải đứng lại, ông cảnh sát phải ngăn người dân lại, rất nguy hiểm. Người ta đúng đường, đúng luật thì phải được đi chứ [9]!
Không rõ nên xếp tuyên bố“tất cả các nước đều như thế cả” của Giáo sư – Tiến sĩ Khoa học an ninh Tô Lâm vào loại nào? Không cần phải ra nước ngoài, chỉ cần ngồi tại nhà, vào Internet, dùng Google để đối chiếu thông tin cũng có thể dễ dàng xác định, Tổng Bí thư đảng CSVN có vấn đề về nghe – hiểu, đọc hiểu đối với đèn đỏ. Bởi thực tế phức tạp, nằm ngoài khả năng dự liệu của giới làm luật, rất nhiều quốc gia xem cách hành xử đối với tình huống phía trước là đèn đỏ, phía sau là các phương tiện giao thông có quyền ưu tiên (xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe cảnh sát,…) đang ứng phó với tình huống khẩn cấp là chuyện mà những người đang điều khiển các phương tiện giao thông khác phải tự quyết định để giải quyết xung đột giữa hai yêu cầu (phải ngưng di chuyển khi gặp đèn đỏ và phải nhanh chóng nhường đường cho những xe có quyền ưu tiên tiến về phía trước). Tiêu chí có tính bắt buộc được giới hữu trách nhắc nhở thường xuyên là việc vượt đèn đỏ để nhường đường cho những xe có quyền ưu tiên phải được thực hiện theo hướng bảo đảm an toàn cho mình và cho những người khác.
Ở châu Âu, bên cạnh những quốc gia tuy không xác định trên VBQPPL rằng người lái xe có quyền vượt đèn đỏ để nhường đường cho các xe ưu tiên song sẽ không phạt nếu người lái xe làm như thế một cách an toàn [10], còn có những quốc gia như Thụy Sĩ,… xác định trên văn bản rằng điều này là ngoại lệ hợp pháp [11]. Tại Úc, một số tiểu bang như Queensland, South Australia, New South Wales xác định, nếu thấy đủ an toàn, người lái xe được phép vượt đèn đỏ hoặc lái cả vào đường ngược chiều để nhường đường cho xe ưu tiên nhưng một số tiểu bang như Tasmania, Western Australia không có quy định như vậy [12]. Mỹ cũng tương tự như Úc,… Khẳng định “tất cả các nước đều như thế cả” của ông Tô Lâm không đơn thuần chỉ là một tuyên bố vô bằng. Nếu đúng là có “ông tư lệnh” nào đó quả đã nói đúng như ông Tô Lâm trần thuật thì thông tin mà “ông tư lệnh” ấy cung cấp chắc chắn không nhằm khai trí cho ông Giáo sư – Tiến sĩ Khoa học an ninh của Việt Nam nhưng ông Tô Lâm không đủ khả năng nhận ra và cũng chẳng đủ nội lực để lựa chọn!
Nhiều người Việt từng bật cười khi nghe câu chuyện dân gian về ông lang băm nửa đêm có khách gõ cửa nhờ bốc thuốc cho thân nhân đang đau bụng quằn quại. Hôm sau, ông lang băm bị huyện quan triệu tập vì người nhờ bốc thuốc kiện ông ra tòa, cho thuốc gây chết người. Bị huyện quan chất vấn, ông lang băm ưỡn ngực khẳng định, ông chữa bệnh theo sách và mở sách cho huyện quan xem. Đúng là trong sách có chỗ ghi “phúc thống phục nhân sâm” (đau bụng cho uống nhân sâm) song khi mở đến trang kế tiếp, huyện quan tìm thấy hai chữ “tắc tử” (chắc chắn chết). Những ý tưởng quái gở được đưa vào Nghị định 168/2024 (kiểu như khách bộ hành muốn không bị phạt khi qua đường phải dùng tay ra thủ hiệu [13]), rồi cách thức ban hành, thực thi bất chấp các VBQPPL khác và hậu quả như đang thấy chỉ là thêm một ví dụ chứng minh, ông Đại tướng, cựu Bộ trưởng Công an đang thiết lập một triều đại mà công an trở thành lực lượng có thể khuynh đảo toàn bộ hệ thống quyền và “tắc tử” là tương lai gần khó tránh!
____________________
Nguồn tham khảo
[2] https://tuoitre.vn/vi-sao-nghi-dinh-168-co-hieu-luc-sau-6-ngay-ban-hanh-20250112145940344.htm
[8] https://www.facebook.com/reel/622153396933964
[9] https://www.facebook.com/alwaystolam/videos/1294606708183967?st=asL5EtrDeN
[10] https://www.gansel-rechtsanwaelte.de/schlagzeile/was-darf-man-um-dem-rettungswagen-platz-zu-machen
[11] https://www.fedlex.admin.ch/eli/cc/1962/1364_1409_1420/de
[12] https://www.drive.com.au/caradvice/road-rules-emergency-vehicles-australia/
[13] https://www.facebook.com/hoangnhon/videos/1303427457454571
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do