Nghị định mới của Chính phủ siết chặt việc kiểm soát tổ chức họp báo vì lý do an ninh quốc gia về xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản sẽ có tác động gì?

Chính phủ Việt Nam hôm 7/10/2020 ban hành nghị định về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí và hoạt động xuất bản.” Nghị định 119/2020/NĐ-CP do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký có một số thay đổi về việc xử phạt hành chính trong lãnh vực báo chí và xuất bản.

Theo mạng báo VN Express đưa tin ngày 13/10, Nghị định 119 thay thế Nghị định 159 của năm 2013, trong đó nổi bật là điều khoản ghi nhận mức phạt tiền đối với “hành vi họp báo có nội dung gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia” mà chưa đến mức nghiêm trọng mang trách nhiệm hình sự.

Hành động vi phạm theo Nghị định 119 bị phạt tiền từ 140-200 triệu đồng, tức là gấp đôi so với Nghị định trước đây.

Ngoài ra, mức phạt tiền tối đa đối với một số hành vi vi phạm hành chính khác cũng đã tăng lên nhiều. Ví dụ trong Điều 11 khoản 1, quy định hành vi họp báo nhưng không thông báo trước bằng văn bản hoặc thông báo không đúng thời gian quy định, với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, gấp 5-6 lần so với mức phạt tối đa từ 200.000 đồng đến 500.000 trước đây.

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, người từng viết cho Tạp chí Cộng sản, nhận định với Đài Á Châu Tự Do rằng trong khi internet và mạng xã hội phát triển, báo chí truyền thống cũng bị ảnh hưởng, “cuốn theo trào lưu mạng” chạy tin tích cực hơn xưa. Vì vậy, ông nhận định:

Nhà nước Việt Nam mới phải làm ra nghị định quy định những việc, gọi là để huýt còi (cảnh cáo) những cơ quan báo chí có thể đã vượt qua lằn ranh đỏ của Ban tuyên giáo cũng như các cơ quan báo chí nói chung”.

Về cụm từ “hành vi họp báo có nội dung gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia”, ông Bình lập luận rằng nó cố tình mập mờ không định nghĩa cụ thể “lợi ích quốc gia” là gì để chính quyền có thể tùy ý áp dụng trong khi phải xử lý những hoạt động báo chí mà họ cho là nhạy cảm.

Về lợi ích quốc gia, câu rất là chung, nhưng mình có thể hiểu là lợi ích quốc gia bao giờ cũng là an ninh quốc gia, và cả vấn đề đối ngoại nữa. Ví dụ như họp báo mà nói đến những vấn đề phê phán nhà nước, như kích động biểu tình hoặc gì đó thì cái đó là an ninh quốc gia. Nhưng mà họ không nói rõ lợi ích quốc gia cụ thể là gì. Còn một khía cạnh nữa là quan hệ đối ngoại, ví dụ như quan hệ Trung Quốc, rồi Việt-Mỹ Đó cũng là một trong những cái gọi là nhạy cảm”.

Đối với nhà báo Trương Châu Hữu Danh thì Nghị định 119, mức phạt tiền tối đa được nâng cấp không mang đủ tính cách răn đe, và ông cho là điều khoản về nội dung họp báo cũng không phải là một thực tế cần phải quan tâm. Ông nhận định:

Đối với tình hình chính trị Việt Nam, nếu như có những nhóm ngồi hội họp bàn chuyện thì rất là dễ để xử lý họ bằng những điều luật khác như là chống phá nhà nước, lật đổ chính quyền. Còn gọi là họp báo với nội dung đó trong thực tế không có. Quy định này có lẽ họ làm để mình nhìn trông có vẻ là chặt chẽ chứ còn chế tài thực sự tôi không nghĩ sẽ xảy ra”.

Những loại hội họp với nội dung ‘nhạy cảm’ như ông Trương Châu Hữu Danh đề cập, trên thực tế đã bị chính quyền theo dõi chặt chẽ, thậm chí ban tổ chức và báo chí tham gia bị làm khó dễ. Điển hình như tọa đàm về “Vùng biển bãi Tư Chính và Luật pháp Quốc tế” được tổ chức vào ngày 6 tháng 10 năm ngoái tại Hà Nội.

“Ở Việt Nam chưa bao giờ có một tổ chức nào ở ngoài nhà nước mà được họp báo cả. Chưa nói đến những tổ chức dân sự, người dân, không có. Kể cả cơ quan, muốn có họp báo phải có sự cho phép của chính quyền, chứ không phải muốn là họp báo được”. -Nhà báo Anton Tuấn

Nhà báo tự do Anton Tuấn của truyền hình CHTV thuật lại với Đài Á Châu Tự Do:

“Chúng tôi có đến quay phim lại. Chúng tôi làm rất công khai, không có gì dấu diếm. Nhưng khi anh em chúng tôi đi ăn trưa xong quay vào tiếp tục tọa đàm, thì Công an Hà Nội đã giữ anh em chúng tôi, gần như là bắt cóc chúng tôi, rồi đưa về đồn đến tối và thu giữ của chúng tôi 8 điện thoại, máy ảnh, máy quay phim. Như vậy là vi phạm pháp luật. Và họ không lập biên bản. Việc làm như thế, tôi có nói, ai ra lệnh các anh làm như thế”?

Ông nói buổi tọa đàm đó là việc chính đáng và có sự tham gia và đồng thuận của nhiều cấp trí thức, viên chức nên có bị hoãn một lần, nhưng không bị cấm hoàn toàn. Nhưng đối với nhà báo tự do như phóng viên của CHTV tại hiện trường, nhà nước muốn đàn áp thì cứ đàn áp, và ông cho là Nghị định 119 với điều khoản về những họp báo là thừa.

“Ở Việt Nam chưa bao giờ có một tổ chức nào ở ngoài nhà nước mà được họp báo cả. Chưa nói đến những tổ chức dân sự, người dân, không có. Kể cả cơ quan, muốn có họp báo phải có sự cho phép của chính quyền, chứ không phải muốn là họp báo được”.

Ông lập luận thêm rằng các họp báo chính thức, trước khi xúc tiếng, cũng đã trải qua nhiều vòng kiểm duyệt, từ người được quyền phát biểu cho đến người đưa tin phải có thẻ nhà báo:

“Từ trước giờ báo chí cũng đã bị kiểm duyệt rồi. Ngoài tổng biên tập, Ban tuyên giáo, Bộ thông tin truyền thông. Nhưng bây giờ trong nghị định này, còn thêm phần phải được sự đồng ý của người phát ngôn. Và ngay cả người phát ngôn cũng bị kiểm duyệt, đến lúc họ đồng ý thì mới được đăng, nếu phát ngôn sai thì không được đăng. Thì toàn bộ nó bị bóp méo sự thật của ngành báo chí”.

Ông nhận định toàn bộ Nghị định 119 vi phạm Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam về tự do báo chí, tự do ngôn luận. Và trong từng quy định xử phạt vi phạm trong hoạt động báo chí, chính quyền cũng có nhiều sai lầm:

“Nói chung Nghị định 119 tôi đánh giá nó vi hiến nhiều vấn đề chứ không chỉ việc họp báo ảnh hướng đến (lợi ích) quốc gia. Ngay như việc xử phạt, những cơ quan được phép xử phạt, ngoài chánh thanh tra của sở thông tin và truyền thông, thì còn có những cơ quan như là biên phòng, thuế vụ, cấp huyện, … Họ đã chắc nắm được gì về báo chí? Hải quan liên quan gì đến báo chí? Cũng lại đưa ra là được phép xử phạt. Thế thì rất nhiều điều không đúng với hiến pháp”.

Nghị định 119 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 12 năm 2020.

Related posts