Một số ngư dân Việt Nam đã bị phía Trung Quốc giam giữ tại quần đảo Hoàng Sa hơn sáu tháng, theo báo cáo của một viện nghiên cứu ở Trung Quốc, thông tin này được đư ra vài ngày sau khi phía Việt Nam ra yêu sách đòi Trung Quốc thả toàn bộ ngư dân và thuyền cá, cũng như ngưng sách nhiễu hoạt động đánh cá của Việt Nam.
Sáng kiến Thăm dò Biển Đông, viết tắt SCSPI, là một viện nghiên cứu được chính quyền hậu thuẫn có trụ sở ở Bắc Kinh, viết trên tài khoản mạng xã hội X của họ rằng những ngư dân này “bị bắt giữ vào tháng Tư và tháng Năm”, vì đánh cá trái phép trên khu vực biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, họ không cho biết thông tin chi tiết về số lượng người bị bắt giữ.
Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, còn được biết đến dưới tên Tây Sa trong tiếng Trung, và Paracels trong tiếng Anh, nhưng phía Bắc Kinh mới là bên kiểm soát toàn bộ quần đảo này từ năm 1974, sau khi đánh bại quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Tuần trước, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố phía Hà Nội đã phản đối “dữ dội” và yêu cầu Trung Quốc “ngay lập tức thả các ngư dân và ngư cụ, bồi thường thỏa đáng cho những thiệt hại, và chấm dứt quấy nhiễu ngư dân Việt Nam”, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Phía Việt Nam khẳng định khu vực quần đảo Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của nhiều thế hệ ngư dân, nhưng Trung Quốc gần đây đã ngăn cản và trục xuất tàu cá của Việt Nam khỏi khu vực này, và thậm chí còn giam giữ cũng như đòi tiền phạt.
_________
Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu Trung Quốc thả ngư dân Việt Nam
Chủ tịch xã: Ba xuồng Trung Quốc với 30 người tấn công tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa
__________
Một ngư dân (Giữa) được điều trị y tế khi về đến nhà sau khi thuyền của anh bị tàu Trung Quốc đâm và sau đó đánh chìm gần quần đảo Hoàng Sa, đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, miền trung Việt Nam ngày 29 tháng 5 năm 2014. (STRINGER Việt Nam/Reuters)
Tháng trước, Việt Nam cho biết lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã lên một tàu đánh cá từ tỉnh Quảng Ngãi và dùng thanh sắt đánh thủy thủ đoàn, khiến 4 người trong số họ bị thương nặng, buộc chính phủ Việt Nam phải công khai phản đối.
Hoạt động đánh bắt “hủy diệt”
Viện SCSPT cho rằng những ngư dân Việt Nam bị bắt giữ vì “đánh bắt san hô sống, sử dụng kích điện và các hình thức đánh bắt hủy diệt môi trường khác”.
Tổ chức này còn công bố hình ảnh mà họ cho là thuốc nổ và kíp nổ được sử dụng bởi ngư dân người Việt tại Hoàng Sa.
Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh vào ngày 1 tháng 11, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian), cho biết phía Trung Quốc hy vọng Việt Nam sẽ “thực tâm giáo dục ngư dân và đảm bảo họ sẽ không vi phạm pháp luật trên vùng biển mà Trung Quốc quản lý”.
Chính quyền Việt Nam thì khẳng định vì quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam, nên ngư dân Việt hoàn toàn có quyền hoạt động trên vùng biển này.
Giới chức tỉnh Quảng Ngãi trong năm nay đã nói với truyền thông rằng hầu hết thuyền đánh cá của tình này đều sử dụng các hình thức đánh bắt an toàn như lưới kéo, câu và lặn.
Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á, viết tắt là AMTI, có trụ sở ở Hoa Kỳ cho biết tính riêng về hoạt động kéo lưới thì “Trung Quốc và Việt Nam chiếm thị phần lớn nhất trong tổng sản lượng đánh bắt ở Biển Đông”.
Trong báo cáo ‘Những vết sẹo xanh sâu thẳm’ được công bố vào tháng 12 năm 2023, tổ chức AMTI cũng cáo buộc Trung Quốc gây ra nhiều vụ phá hủy rạn san hô nhiều nhất ở Biển Đông thông qua việc nạo vét và lấp đất, chôn vùi khoảng 4.648 mẫu Anh (18,8km2) rạn san hô.” Việt Nam đứng thứ hai với 1.402 mẫu Anh (5,7km2).
Báo cáo của AMTI cho biết ngư dân Trung Quốc cũng đang sử dụng một phương pháp đánh bắt cực kỳ nguy hiểm là “kéo cánh quạt bằng đồng được chế tạo đặc biệt” để đào xới bề mặt rạn san hô nhằm thu hoạch ngao khổng lồ.