Sáng 02/1, một xe hơi đi vào ngã tư Tôn Đức Thắng thuộc phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng khi đèn xanh và đồng hồ đếm ngược đang chỉ số 50 thì đột nhiên đèn chuyển sang đỏ. Sự việc được một camera hành trình của xe hơi phía sau ghi lại và sau đó loan truyền trên mạng internet.
Ở một video khác đăng tải trên nhóm Facebook OFFB Sub, một xe hơi nhãn hiệu Vios dừng trước đèn đỏ ở một con phố trong đêm tối. Đèn đỏ chuyển sang đèn xanh một hai giây rồi lại chuyển sang đỏ khiến người tài xế không kịp phản ứng.
Cũng theo thông tin trên nhóm Facebook OFFB Sub, vào chiều ngày 03/1, trên quốc lộ 51 ở tỉnh Đồng Nai đã xảy ra vụ kẹt xe kéo dài hàng cây số, nguyên do là vì đèn tín hiệu giao thông bị trục trặc, và không có cảnh sát giao thông điều khiển nên các tài xế không dám đi vì sợ phạt vì lỗi đèn đỏ.
Trên đây chỉ là một số ít trường hợp người tham gia giao thông ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam gặp phải do lỗi của hệ thống đèn tín hiệu giao thông, trong bối cảnh lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) tăng cường xử phạt người vi phạm trật tự giao thông theo Nghị định 168, có hiệu lực từ ngày đầu tiên của năm 2025.
Theo nghị định mới, tài xế điều khiển xe hơi sẽ bị phạt từ 18 triệu đến 20 triệu đồng nếu vượt đèn đỏ, tăng so với mức 4-6 triệu đồng theo các văn bản cũ. Mức phạt mới đối với người điều khiển xe mô tô, gắn máy là 4-6 triệu đồng so với mức 800.000 đến một triệu đồng trước kia.
Từ Hà Nội, nhà quan sát Nguyễn Anh Tuấn cho biết gần đây nhiều người tham gia giao thông phản ánh việc đèn giao thông như “cái bẫy.” Có trường hợp đang còn khoảng 35 giây đèn xanh bất ngờ chuyển sang luôn đèn đỏ mà không có đèn vàng, khiến nhiều lái xe trở tay không kịp.
Có trường hợp khác, đèn giao thông cùng lúc bật cả ba màu khiến lái xe không biết nên đi tiếp hay nên dừng lại.
Bên cạnh đó còn có trường hợp biển báo nằm khuất tầm nhìn khiến nhiều lái xe không hề biết nội dung biển báo. Thêm nữa, có nhiều đoạn đường vạch kẻ đường mờ, không còn nhìn rõ nét đứt hay nét liền.
Ông cho rằng cần phải xem xét lại việc áp dụng mức phạt cao khi cơ sở hạ tầng còn nhiều khiếm khuyết.
Một tài xế taxi công nghệ ở Hà Nội cho biết tình trạng tắc đường trở nên tồi tệ hơn mấy ngày nay khi áp dụng mức phạt mới vì nhiều người dừng xe trước giao lộ kể cả khi đèn còn xanh để tránh bị phạt, bên cạnh việc hệ thống đèn chập chờn ở nhiều giao lộ.
Ông cho biết việc ùn tắc từ hệ quả của nghị định mới ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống mưu sinh của những người thường xuyên bám đường như ông. Ông nói trong điều kiện ẩn danh.
“Tôi thấy quy định mới đưa ra thì rất đúng, nhưng chưa phù hợp với cơ sở hạ tầng nên tắc đường nghiêm trọng. Hai hôm nay đi đường, có đoạn tắc 300 mét thay vì chỉ 100 mét trong năm cũ khiến tôi mất nhiều thời gian chờ đợi.
Thiệt hại của bản thân tôi là rất đáng kể nếu tình trạng tắc đường như này kéo dài.”
Một cư dân ở thành phố Hồ Chí Minh cho RFA biết người này thường xuyên đi làm bằng xe hơi, và hai ngày nay phải mất nhiều thời gian hơn mới đến được chỗ làm ở tỉnh Đồng Nai.
“Trước tôi đi làm bằng ôtô mất nửa giờ mới đến nơi nhưng mấy ngày nay mất hơn một giờ vì tắc đường. Trước giờ mình vẫn đi đúng chứ có đi sai đâu, không bao giờ bị phạt vượt đèn đỏ.”
Ông N., một người lái xe dịch vụ du lịch ở Nam Định, cho hay ông thường xuyên đưa khách từ quê nhà đi khắp các miền, đôi khi cũng gặp trường hợp tín hiệu đèn giao thông bị trục trặc, và trong một số thời điểm thì vẫn phải đi, chấp nhận việc có thể bị phạt để đến được đúng thời gian theo yêu cầu của khách.
Tuy nhiên, từ ngày Nghị định 168 có hiệu lực với mức phạt đến 20 triệu đồng thì ông không còn dám mạo hiểm nữa, cho dù có phải mất nhiều thời gian chờ đợi đèn đỏ.
Theo một luật sư ở Hà Nội, người không muốn nêu danh tính vì lý do an ninh, nói rằng người dân sẽ không bị phạt hành chính nếu chứng minh đèn giao thông bị lỗi.
Khi gặp phải trường hợp đèn tín hiệu giao thông trong tình trạng hư hỏng, không hoạt động hoặc tín hiệu không rõ ràng, người bị phạt có thể ghi lại bằng chứng bằng cách chụp ảnh hoặc quay video để chứng minh đèn giao thông không hoạt động đúng quy định vào thời điểm xảy ra sự việc.
Nếu bị phạt nguội, người bị phạt có thể chủ động khiếu nại việc bị phạt khi làm việc với cơ quan CSGT kèm theo các hình ảnh, video thể hiện lỗi của đèn giao thông để được giải quyết đúng quy định, thậm chí khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng việc này mất thời gian và “chờ được vạ thì má đã sưng.”
Nhà quan sát Nguyễn Anh Tuấn cho rằng việc đèn tín hiệu giao thông bị hỏng là điều khó tránh khỏi nhưng nhà chức trách cần phải hành động nhanh để bảo đảm giao thông không bị ngừng trệ, bằng cách cử cán bộ CSGT ra điều tiết.
Về việc xử phạt người dân trong tình huống này ông nói:
“Cần ngay lập tức ban hành hướng dẫn ghi hình và cung cấp hình ảnh đúng quy chuẩn, về việc đèn giao thông bị lỗi, chủ phương tiện sau ghi hình đủ quy chuẩn, có thể tự tin di chuyển qua giao lộ, rồi sau đó, chủ phương tiện có thể tự bảo vệ mình bằng quy trình khiếu nại xoá lỗi vượt đèn, một cách dễ dàng nhanh chóng, thuận tiện như khiếu nại qua mạng internet, ít phiền hà cho người dân.”