Người dân Hà Lộc bất an, lo “biển nuốt nhà”!

Tình trạng bờ biển sạt lở ăn sâu vào đất liền những năm gần đây ngày càng nhiều khiến hàng chục hộ dân với cả trăm nhân khẩu ở thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam lo lắng, bất an. Nhiều người cho rằng sẽ là thảm hoạ nếu nơi đây không được gia cố khẩn cấp trước khi mùa mưa bão 2021 đến.

Ám ảnh vì sạt lở

Một người dân tên B. (không muốn nêu tên thật vì lý do an toàn) nhớ lại đợt sạt lở gần nhất do gió to, sóng lớn khiến nhiều nhà ở thôn Hà Lộc bay nóc, đổ nát, ông kể:

“Sóng đánh lở tới đó luôn, nếu sóng động bay vô dỡ nhà họ, chòi bay, nhà đá bay hết, nhà yếu, sát biển đều bị”.

Cũng người dân này cho hay trong mùa mưa bão năm ngoái (2020) nhiều nhà cửa và các công trình xây dựng tại thôn Hà Lộc đều bị gió và nước biển cuốn phăng, đổ nát.

Gần nửa năm đã trôi qua nhưng nhiều gia đình không có đủ kinh phí để tu sửa lại nhà cửa khiến thôn Hà Lộc theo người dân nơi đây cho biết vẫn còn tiêu điều với những ngôi nhà hư hỏng, tróc mái, những đống gạch đổ nát trên cát, những miếng tole che chắn tạm bợ của những ngôi nhà dọc bờ biển.

Ông B. nói thêm:

Sạt lở ở đây do sóng vỗ sóng lấn. Cái nhà mới đắp bị thổi đi mất rồi trong cơn bão số 9. Không có bão vẫn sạt lở, năm thì vô đây, năm thì xuống đó. Mỗi mùa đông là bà con họ sợ, mỗi lần lở là họ tản cư lên Tam Kỳ ở”.

“Sạt lở nói chung là cỡ tháng 7, 8, 9 sóng vô là dân họ bỏ đi hết, không ở đây được”.

Theo lời kể của ông B. thì trong một năm, có 3 tháng bà con Hà Lộc phải chuẩn bị tinh thần dời nhà đi nơi khác ở để tránh sạt lở và mưa bão. Họ chỉ kiếm sống nhờ vào việc đánh bắt cá trong những tháng vào hè.

Và theo chia sẻ của một ngư dân khác thì không ai muốn cuộc sống bị xáo trộn như thế nhưng do không biết làm gì nên người dân thôn Hà Lộc chỉ còn một cách duy nhất “trốn bão và sóng lớn”.

“Không có kinh phí nên bà con đứng ngó nhìn thôi, không thể làm được bởi vì tai họa biển vô sao họ chống được. Bão họ có thể chống được chứ sóng lấn họ không chống được”.

25 hộ dân bị “uy hiếp” & giải pháp!

Bão số 9, tên quốc tế Molave đổ vào Việt Nam vào cuối tháng 10/2020 đã khiến nhiều tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam thiệt hại nhiều về người và của, trong đó có thôn Hà Lộc.

Những đống gạch đổ nát trên cát của những ngôi nhà dọc bờ biển.

Ông Nguyễn Xuân Uy, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến khi trao đổi với truyền thông Nhà nước vào ngày 15/4 vừa qua cho hay tình trạng bờ biển sạt lở lấn sâu vào bờ kéo dài dọc biển thôn Hà Lộc khoảng 700m và đang uy hiếp trực tiếp đến nhà của 25 hộ dân.

Ông Uy cũng cho biết thêm, hiện chính quyền xã đang vận động người dân tự gia cố, phòng chống sạt lở trước mùa mưa bão sắp đến.

Tuy nhiên, nhiều người dân ở thôn Hà Lộc cho biết, nhà cửa có gia cố kỹ đến đâu cũng sẽ bị sóng biển “nuốt” hoặc đánh phăng nếu như chính quyền địa phương không có giải pháp căn cơ hơn để bảo vệ người dân.

Do đó với họ cách trước mắt là đi nơi khác “lánh nạn”. Hai người dân nhà gần với ông B. nói:

“Mưa gió lên xóm Tam Kỳ ở”

“Chắc phải chạy đi chỗ khác chứ sao chống được”

“Dân ở đây đi loang quanh ở mấy nhà kia, khi nào hết gió họ quay trở lại”.

Ngoài việc phải đi nơi khác lánh nạn, nhiều người dân ở thôn Hà Lộc còn mong muốn chính quyền đầu tư làm kè chống sạt lở để giúp dân giữ được nhà.

Ông N.K.D cho biết:

“Cái này chỉ chờ nhà nước đưa xi măng, đưa đồ đúc bê tông kè chỗ lở, còn để này thì nó ăn vô”

“Mong muốn nhà nước kè giùm cái này thì dân mới giữ được đất, cất nhà, còn không cứ đi vô miết”.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam vào đầu tháng 5 vừa qua cũng đã đề nghị phải khẩn cấp xây dựng kè, nếu không mùa mưa bão năm 2021, sạt lở sẽ ảnh hưởng trực tiếp, đe dọa đến cuộc sống của hơn 20 hộ dân sống dọc bờ biển này.

Tuy nhiên khi trao đổi với RFA, Giáo sư Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng xây dựng bờ kè không chỉ nói và xây là xong và đó là biện pháp trực quan chứ chưa có nghiên cứu cụ thể. Ông giải thích:

“Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) đã chỉ ra khá nhiều giải pháp. Đầu tiên là phải khảo sát cụ thể, chi tiết địa hình tại đó. Từ mô hình không gian địa lý đó mới có thể đưa ra các khả năng sạt lở, khả năng bị ảnh hưởng của lũ lụt vùng ven biển cũng như nước biển dâng, thay đổi thủy triều. Từ đó mới đưa ra giải pháp mà phía các chuyên gia WB gọi là quyết định mang tính thuận thiên tức phù hợp quy luật thiên nhiên tại đó.

Như vậy các giải pháp đó mới là giải pháp mang tính căn cơ để giải quyết vấn đề.

Bước cuối cùng là phải đưa ra các quy hoạch cụ thể trên cơ sở quy hoạch đó phải được tính tới ảnh hưởng của sạt lở, bão lũ vùng ven biển. Từ đó theo quy hoạch đó mới đưa ra các triển khai cụ thể để vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là bảo vệ tính mạng người dân sống tại vùng ven biển hay còn gọi là dải ven bờ.”

Related posts