Niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam giảm mạnh do lo ngại về COVID-19

Niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đã giảm xuống mức chưa từng thấy trong ít nhất 20 năm. Đây là một bức tranh tổng thể ảm đạm về tác động dai dẳng của đại dịch, ngay cả ở một quốc gia đã tiêu diệt COVID-19 và có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Mạng báo Nikkei Asia dẫn tin từ một cuộc thăm dò từ tháng 7 của Infocus Mekong Research, được công bố hôm 2 tháng 10, cho thấy chỉ 5% số người được hỏi cho biết họ kỳ vọng nền kinh tế năm nay sẽ tốt hơn năm ngoái.

Theo Nikkei Asia, đó là mức giảm mạnh so với mức tin cậy 70% từ cuộc thăm dò tương tự vào tháng 1 năm 2020, trước khi xảy ra dịch COVID-19. Đây là một thay đổi rõ rệt đối với người Việt Nam, những người thường được xếp hạng là một trong những người lạc quan nhất thế giới.

Ông Ralf Matthaes, giám đốc điều hành của Infocus Mekong Research, khi trả lời Nikkei cho rằng, 5% là mức độ tin cậy thấp nhất trong hai thập kỷ mà ông từng khảo sát người Việt Nam.

“Rõ ràng là mọi người đang ra ngoài ít hơn và cô lập nhiều hơn. Điều đầu tiên là hành vi, họ đi ra ngoài ít thường xuyên hơn, và điều thứ hai là tài chính.” Ông Ralf Matthaes nói.

Việt Nam đã ghi nhận 1.095 trường hợp nhiễm coronavirus và 35 trường hợp tử vong. Theo Infocus, dù Việt Nam được coi là có số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 thấp nhất trên toàn cầu, nhưng người dân địa phương, những người không còn phải tuân theo lệnh cấm, vẫn miễn cưỡng đi du lịch, ăn uống bên ngoài hoặc đi mua sắm.

Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế được dự báo sẽ có tăng trưởng dương vào năm 2020, sau khi ghi nhận mức tăng trưởng 2,62% so với cùng kỳ năm trước trong quý thứ ba. Nhưng tình trạng suy thoái của thương mại toàn cầu đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, khiến hàng triệu người phải mất việc làm hoặc giảm giờ làm.

Đáp lại, chính phủ đã tăng cường chi tiêu công và hôm thứ Năm 2/10 đã cắt giảm lãi suất tái cấp vốn từ 4,5% xuống 4% và lãi suất chiết khấu từ 3% xuống 2,5%.

Theo Nikkei Asia, cuộc khảo sát của Infocus cho thấy ba yếu tố sẽ khuyến khích người Việt Nam bắt đầu chi tiền mặt trở lại cho các gói kỳ nghỉ, mua xe hơi và các mặt hàng có giá trị lớn khác khi việc làm được đảm bảo, được tăng lương và chính phủ đảm bảo rằng mối đe dọa COVID-19 đã không còn nữa.

Related posts