Phụ nữ tham gia chống rác thải nhựa ở  Việt Nam

Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác đang phải chống chọi với tình trạng gia tăng rác thải nhựa trong môi trường sống và môi trường tự nhiên.

Họ là ai?

Một bài toán nan giải đang hiện hữu tại Việt Nam nói riêng và nhiều nơi nói chung là hầu hết các thành phố lớn đều thiếu phương tiện và khả năng tiếp cận vấn đề. Bên cạnh đó, công việc thu gom, phân loại để xử lý hầu như không được trang bị đủ. Vào khi việc tái chế đang phát triển thì cùng lúc những núi rác thải nhựa cũng nhanh chóng cao lên, nhiều bãi chôn lấp tràn ngập chất thải nhựa nguy hại này.

Đó là nhận định của giám đốc Jennifer Turner, người quản lý chương trình Khởi Xướng Những Điểm Gây Sốc Trên Toàn Cầu đưa ra tại hội thảo ở Trung tâm Wilson, Hoa Kỳ, hôm 2/3. Bà Jennifer Turner cho biết mục tiêu chính của hội thảo: 

Tại hội thảo trực tuyến hôm nay, chúng tôi sẽ thảo luận về vai trò tiên phong của các tổ chức phi chính phủ do phụ nữ lãnh đạo, đang vận động cho các giải pháp từ trên xuống và từ dưới lên đối với những thách thức về rác thải nhựa ở Việt Nam”.

Tham gia buổi hội thảo là ba diễn giả Việt Nam gồm, bà Nguyễn Ngọc Ly, người sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng; bà Nguyễn Hoài Linh thuộc tổ chức Môi trường &Phát triển Trong Hành động, gọi tắt là ENDA và bà Trang Nguyễn, đồng sáng lập Green Hub Vietnam, Sáng Tạo Xanh VN.  

Theo lời bà Jennifer Tuner, ba người phụ nữ trên cùng với các tổ chức phi chính phủ của họ đang đấu tranh để chấm dứt rác thải nhựa ở mọi giai đoạn, từ nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến khích việc tái chế cho đến việc thu thập dữ liệu nóng về rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường sống về lâu về dài. 

Các nhóm này, bà nói, đang làm việc với những người thu gom chất thải, với các nhà hoạch định chính sách về chất thải, nhằm tiến tới những luật lệ tiến bộ, công bằng hơn, hoàn chỉnh hơn cho những người đang làm công việc thu gom rác thải nhựa mà phần lớn là phụ nữ ở Việt Nam.

Mở đầu phần thuyết trình về “Phụ Nữ Thực Hiện Hành Động Xử Lý Rác Thải Nhựa Ở Việt Nam”, từ Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Ly của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, trình chiếu một video clip, cho thấy theo ước tính của Ngân Hàng Thế Giới thì Việt Nam phát sinh hơn 27 triệu tấn rác thải/năm, trong đó khoảng 80% được đưa tới các bãi tập trung đang trong tình trạng quá tải. Các bãi chôn lấp đóng góp khoảng 5% vào tổng lượng khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu. Bà Ly nói:

Trong các hoạt động giảm thiểu rác thải ở Việt Nam thì những bà nội trợ, những ‘phụ nữ ve chai’, những người thu gom và tái chế có sự đóng góp rất lớn. Phụ  nữ tham gia ở mọi khâu, từ  nhặt nhạnh, phân loại, xử lý, giúp giảm thiểu khí nhà kính, giảm thiểu chi phí xử lý rác.”

Bà Ly qua đó đưa ra một ví dụ điển hình tại Đà Nẵng về việc thực hiện phân loại rác của 20 hộ gia đình, đã giảm khoảng 3,06 tấn CO2/tháng.

Bà thừa nhận mặc dù ‘phụ nữ ve chai, đồng nát’ ở Việt Nam đóng góp không nhỏ vào việc giảm thiểu khí nhà kính, họ cũng đối diện với rất nhiều khó khăn. Đa số là nghề tự phát, không được công nhận, thu nhập thì bấp bênh môi trường làm việc không bảo đảm mà còn bị xã hội coi thường.

Bà Ly nói tiếp:

Chưa có một cơ quan nào quản lý, chưa có một hành lang pháp lý nào, chưa có một chính sách bảo hộ hay sự  ghi nhận nào từ phía Nhà Nước. Vì vậy chính phủ cần chính thức hóa hoạt động nhiều rủi ro này”.

Một phụ nữ nhặt rác bên đường ở Bắc Ninh hôm 16/12/2019. AFP

Góp tiếng trong buổi thảo luận, bà Nguyễn Hoài Linh, cho biết những công việc mà tổ chức của bà đã làm trong thời gian qua:

“Tính từ 2017 cho đến giờ, khi  Việt Nam vượt qua được tình trạng đói nghèo, trọng tâm của ENDA  vẫn là lãnh vực xử lý rác thải cùng với  những người hoặc những nhóm người gọi là đi lượm rác không chính thức”

TPHCM thải 9.500 tấn rác sinh hoạt/ngày, trong đó 1.500, tức 60%  là rác thải nhựa. Lượng rác sinh hoạt còn tăng từ 6 đến 10% mỗi năm, trong lúc biện pháp thu  gom, chôn lấp, xử lý và tái chế gần như  không xuể.”

Theo tìm hiểu của ENDA thì chỉ 21 hay 22% rác nhựa từ các hộ  gia đình, 21% rác nhựa từ công sở, và 4% rác nhựa từ các cửa hàng thực phẩm là được thu  gom để tái chế mà thôi, bà Nguyễn Hoài Linh nói thêm:

Khoảng 4.200 người nhặt rác hộp và ve chai đang hành nghề không chính thức trong thành phố Hồ Chí Minh, trong đó 45% là phụ nữ. Những người đàn bà này thu mua rác nhựa từ các hộ gia đình. Họ rửa sạch những loại rác đó rồi mang đến những điểm tập kết để bán lại.”

“Mặc dù giữ vai trò quan trọng như vậy trong chuỗi thu mua và xử lý rác, họ cũng khó được xã hội chấp nhận như những người đi làm ăn lương”.

Tuy nhiên, vẫn lời bà Nguyễn Hoài Linh, những người hay những nhóm phụ nữ làm nghề rác không chính thức đa phần chỉ nghĩ đến chuyện kiếm sống, ý thức của họ về những gì liên quan đến môi trường, môi sinh…thì hoặc là không muốn biết hoặc là rất kém.

Và đó là lý do ENDA tiếp tục làm việc và hỗ trợ những phụ nữ thuộc lãnh vực này từ 2006 đến giờ.  Bà Ly kết luận

Vì Hạ Long sạch đẹp

Diễn giả Trang Nguyễn của Green Hub Vietnam, tổ chức phi chính phủ thành lập  năm 2016, hiện đang hoạt động tại 20 tỉnh, thành và đang cộng tác với các tổ chức phụ nữ ở địa phương. Tại buổi hội thảo bà tập trung nêu vấn đề xử lý rác ở Vịnh Hạ Long:

“Từ 2015 đến 2018 Vịnh Hạ Long bị rác  xâm chiếm  khiến môi trường không còn được trong lành. Green Hub đã tiếp cận với chính quyền địa phương, dẫn đến quyết định làm sạch rác như một cuộc chạy đua với thời gian”

“Đối với những phụ nữ đi gom góp rác mà qui vị thấy trên màn hình tôi đưa lên đây, họ là những bà những cô cảm nhận được công việc của mình là bảo vệ vùng đất và vùng nước tuyệt đẹp này. Họ đã cố gắng không ngừng trong công việc làm sạch môi trường, đồng thời họ biết làm như vậy là bảo vệ bản thân và con cái họ trước ô nhiễm cũng như thiên tai”.  

Bà Trang Nguyễn khẳng định những phụ nữ thu gom rác đã góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn và bảo tồn một di sản thiên nhiên tuyệt đẹp cho thế giới. 

Vào khi cuộc hội luận ‘Phụ Nữ Thực Hiện Hành Động Xử Lý Rác Thải Nhựa ở Việt Nam’ diễn ra tại Wilson Center ở Hoa Kỳ, cùng ngày 2/3 tại thủ đô Nairobi của Kenya, Liên Hiệp Quốc cũng mở cuộc họp nhằm tiến tới Hiệp ước được cho là lịch sử trong việc chống nạn ô nhiễm chất thải nhựa trên thế giới.

Related posts