Quan điểm về việc cộng điểm ưu tiên khu vực với thí sinh vào đại học

Vào trung tuần tháng tư, Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng áp dụng từ năm 2022. Trong đó, thí sinh đã tốt nghiệp Trung học Phổ thông (THPT) khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng không được cộng điểm ưu tiên khu vực.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng, việc vẫn cộng điểm ưu tiên cho thí sinh chuẩn bị tốt nghiệp trung học có thể tạo ra sự bất bình đẳng đối với thí sinh. Câu hỏi được nêu lên là liệu có nên bỏ hẳn chế độ cộng điểm ưu tiên theo khu vực?

Một giáo viên ở Sài Gòn không muốn nêu tên cho rằng nên bỏ cộng điểm ưu tiên mới công bằng:

“Chúng ta thấy theo thống kê của ba bốn năm vừa qua thì mức điểm thi phổ thông quốc gia của các em cũng tương đối đều ở các khu vực… Điều đó chứng tỏ chất lượng đào tạo đã dần dần dàn đều ra các khu vực. Thứ hai, với sự phát triển kinh tế xã hội, thì các khu vực khó khăn càng ngày càng hẹp đi, hệ thống các trường cũng được trải đều ở các nơi…. Cho nên việc thay đổi điểm ưu tiên sẽ giúp cho việc xét tuyển vào các trường đại học cao đẳng công bằng hơn. Công bằng hơn cho những em không được hưởng ưu tiên, và cũng công bằng hơn cho những em được hưởng ưu tiên ở chỗ đó là xác nhận chính thức trình độ của các em.”

Chính sách cộng điểm cho các đối tượng ưu tiên được áp dụng tại miền Bắc Việt Nam từ những năm 60. Đây là chính sách nhằm đền ơn đáp nghĩa cho những gia đình có công với ‘chính quyền cách mạng’ hoặc cho những thành phần thiếu điều kiện khác. Ban đầu, chính sách này cộng thêm điểm ưu tiên cho các thí sinh ở các khu vực xa xôi, hẻo lánh đặc biệt khó khăn, con của người có công với cách mạng, thương binh nặng, liệt sĩ…

Qua nhiều lần thay đổi, hiện nay chính sách cộng điểm ưu tiên chỉ còn áp dụng theo khu vực: Khu vực 1 được cộng 1,5 điểm gồm vùng dân tộc và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng biển, hải đảo, xã biên giới… Khu vực 2 Nông thôn, gồm các địa phương vùng sâu vùng xa không thuộc KV1, điểm được cộng 1.

Khu vực 2 là các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoặc huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương được cộng 0,5 điểm. Khu vực 3 không được cộng điểm gồm các quận nội thành của thành phố trực thuộc trung ương.

Nếu đi thực tế thì mình có quan điểm nên duy trì, nhất là ở vùng núi, vùng sâu việc học tập cực kỳ khó khăn và ở đó họ cũng thiếu nhân lực cho các ngành nghề, thì việc ưu tiên là hợp lý.
-Giáo viên Đỗ Việt Khoa

Dù nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ chế độ cộng điểm ưu tiên. Nhưng giáo viên Đỗ Việt Khoa, giảng dạy tại Trường Trung học Phổ thông Thường Tín – Hà Nội, khi trả lời RFA hôm 19/4 lại cho rằng vẫn nên giữ điểm cộng ưu tiên khu vực:

“Nếu đi thực tế thì mình có quan điểm nên duy trì, nhất là ở vùng núi, vùng sâu việc học tập cực kỳ khó khăn và ở đó họ cũng thiếu nhân lực cho các ngành nghề, thì việc ưu tiên là hợp lý. Hiện nay giữa nông thôn và thành thị khoảng cách vẫn còn lớn lắm, trẻ em thành thị có điều kiện học tập tốt hơn. Cho nên theo tôi nên tiếp tục cộng điểm ưu tiên khu vực, nhưng tính toán biên độ cho hợp lý. Ví dụ vùng đặc biệt sâu xa thì có mức ưu tiên cao hơn, còn những vùng khác thì giảm một chút.”

Theo thầy Đỗ Việt Khoa, học sinh miền núi nhiều em học lực rất kém nhưng giáo viên ở đó phải cho điểm cao để động viên các em đi học. Thầy Khoa nêu ví dụ:

“Nhiều em ở miền núi tốt nghiệp loại giỏi nhưng khi tôi gặp hỏi vài vấn đề đơn giản thì các em không giải quyết được. Cho nên tôi khẳng định chất lượng giáo dục ở các vùng chênh lệch rất lớn. Còn giữa thành thị và nông thôn không phải vùng sâu thì chênh lệch không đáng kể. Như Hà Nội và Nam Định thì chưa chắc ai hơn, nhưng nếu so sánh học sinh Hà Nội với Lai Châu, Sơn La hay vùng miền núi Hòa Bình… thì khoảng cách cực kỳ lớn.”

Một lớp học ở Mù Cang Chải – Yên Bái (Ảnh minh họa). AFP.

Lý giải vì sao chỉ bỏ cộng điểm ưu tiên khu vực đối với thí sinh đã tốt nghiệp phổ thông, bà Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học khi trả lời báo nhà nước mới đây cho rằng: Các thí sinh đã tốt nghiệp có lợi thế, có cơ hội học tập, thời gian ôn luyện hơn hẳn so với các thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp lần đầu.

Bà Thủy còn cho rằng, nhiều trường hợp các thí sinh này đã chuyển tới địa phương, thành phố có điều kiện tốt hơn, tập trung để ôn thi với số môn ít hơn. Trong khi đó, các thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng tại năm tuyển sinh đó phải học tập nhiều môn hơn và chịu áp lực nhiều hơn.(!?)

Họ có thể có những cách khác như giúp đỡ về tiền bạc… Chẳng hạn những người nào ở vùng sâu vùng xa thì đi học có thể miễn học phí toàn phần hoặc một phần.
-Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, giảng dạy tại Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, cho RFA biết ý kiến của mình hôm 19/4:

“Đó là cố gắng của người quản lý để bù đắp thiệt thòi cho người ở khu vực yếu thế. Chẳng hạn như ở miền núi thì khó lòng học hành đầy đủ phương tiện như ở thành phố nên họ cộng thêm một số điểm. Tuy nhiên cách làm này, trên giả định điểm số của các em là đúng đắn mà cộng thêm điểm cho người ở khu vực yếu thế, thì mặc nhiên mình chấp nhận tiêu chuẩn kép khi vào đại học. Người đủ điểm vào đã đành, nhưng người yếu hơn cũng vào, như vậy là không cân bằng về trình độ. Thay vì người ta bù đắp cơ hội đi học, nhưng không nhân nhượng với trình độ… thì bây giờ bằng cách cho thêm điểm… đã nhân nhượng với trình độ…”

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng cho biết, ngày nay nhiều người cho rằng cách làm đó là bất cập. Theo ông Dũng, có thể có những cách làm khác:

“Họ có thể có những cách khác như giúp đỡ về tiền bạc… Chẳng hạn những người nào ở vùng sâu vùng xa thì đi học có thể miễn học phí toàn phần hoặc một phần. Nếu như bù đắp cái không cân bằng giữa vùng này vùng kia bằng cơ hội hơn là bằng việc hy sinh trình độ… thì tôi nghĩ dễ dàng chấp nhận hơn rất nhiều.”

Phó Giáo sư Văn Như Cương khi trả lời báo Nhà nước trước đây cho rằng, ở các thành phố, ai cũng được đi học và có điều kiện học tập tốt.Trong lúc điều kiện học tập của học sinh nông thôn rất khó khăn, chính sách chế độ ưu tiên nhằm bù đắp sự thiệt thòi của học sinh. Theo Phó Giáo sư Văn Như Cương, chính sách ưu tiên cho những vùng sâu, hẻo lánh là cần thiết, song cần có chính sách nhằm thu hút người có trình độ đến làm việc ở các khu vực này, thì mới mong sau này có thể bỏ cộng điểm ưu tiên khu vực.

Related posts