Quan hệ Việt – Đức phát triển trước mối đe doạ từ Trung Quốc

Tàu chiến Đức ghé thăm Việt Nam

Ngày 6/1, khinh hạm Bayern của Đức cập cảng TP.HCM để thực hiện chuyến thăm Việt Nam kéo dài bốn ngày. Đây là lần đầu tiên tàu chiến Đức ghé cảng Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975. Thông cáo báo chí do Đại sứ quán Đức tại Hà Nội công bố cho biết việc triển khai tàu Bayern nhấn mạnh khía cạnh an ninh trong hướng dẫn chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, được chính phủ Đức thông qua vào tháng 9/2020 sau các bước đi tương tự của các quốc gia châu Âu khác (1).

Trước đó, ngày 15/12/2021, khinh hạm Bayern đã đi vào Biển Đông lần đầu tiên sau gần 20 năm. Đây là một động thái cho thấy Berlin tham gia cùng các quốc gia phương Tây khác trong việc mở rộng sự hiện diện quân sự ở khu vực trong bối cảnh báo động ngày càng tăng về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc. Các quốc gia khác bao gồm Anh, Pháp, Nhật Bản, Australia và New Zealand cũng đang mở rộng hoạt động ở Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tàu khu trục Bayern là tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua Biển Đông kể từ năm 2002. Đây là vùng biển có tới 40% hoạt động ngoại thương của châu Âu đi qua. Các quan chức ở Berlin tuyên bố hải quân Đức sẽ bám sát các tuyến đường thương mại chung.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế hồi năm 2016 rằng Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý cho những tuyên bố này, và đã xây dựng các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo trong vùng biển có nhiều mỏ dầu và thủy sản phong phú.

Việc Đức cử tàu đến khu vực diễn ra trong bối cảnh một số nước lớn châu Âu như Anh và Pháp cũng đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Cả hai quốc gia này đều đã cử khinh hạm, tàu ngầm hay thậm chí là tàu sân bay đến khu vực trong năm ngoái và đi qua Biển Đông – nơi Trung Quốc đang đưa ra các yêu sách chủ quyền vô lý.

Khinh hạm Bayern của Đức. Reuters

Bối cảnh quan hệ Việt – Đức

Việt Nam và CHLB Đức bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1975. Việt Nam lập quan hệ ngoại giao với CHDC Đức ngày 03/02/1955 và giữ quan hệ tốt đến khi thống nhất nước Đức. Sau khi lập quan hệ ngoại giao năm 1975, hai nước đã triển khai một số bước phát triển quan hệ như trao đổi đoàn, chuẩn bị đàm phán hiệp định hợp tác KHKT, xây dựng một số dự án, v.v… Từ năm 1990, quan hệ Việt Nam và CHLB Đức phát triển nhanh, chuyển biến sâu sắc cả về chất và lượng. Hai bên thúc đẩy trao đổi nhiều đoàn cấp cao, hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chính trị, kinh tế, giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, an ninh, v.v… Để tạo khuôn khổ cho hợp tác, Việt Nam và CHLB Đức đã ký Hiệp định hợp tác Văn hóa (1990), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (1993), Hiệp định hợp tác hàng không (1994), Hiệp định hợp tác hàng hải (1995), Hiệp định nhận công dân trở lại (1995), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (1996), Hiệp định Hợp tác Khoa học-Kỹ thuật (1999).

Tháng 10/2011, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Angela Merkel, hai nước ký Tuyên bố Hà Nội về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vì tương lai. Tuyên bố gồm một kế hoạch hành động chiến lược (SAP) nêu rõ các lĩnh vực hợp tác ưu tiên, đó là chính trị – ngoại giao, thương mại-đầu tư, pháp luật, môi trường, truyền thông, văn hóa, công nghệ, khoa học và giáo dục.

Theo Tuyên bố Hà Nội, hai nước thành lập Nhóm điều hành chiến lược (SSG) do Thứ trưởng Ngoại giao của hai nước đồng chủ trì. Phiên họp thứ nhất Nhóm điều hành chiến lược Việt-Đức diễn ra tại Berlin vào ngày 10/9/2012.

Quan hệ kinh tế – thương mại

Về hợp tác kinh tế, thương mại, Đức tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu với kim ngạch hai chiều tăng dần đều trong 10 năm qua. Kim ngạch thương mại hai nước kể từ năm 2010 đến nay đã tăng gấp đôi, đạt trên 10 tỷ USD với mức tăng trung bình trên 10%/năm.

Năm 2020, Việt Nam đã vượt Malaysia và Singapore để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á, còn Đức tiếp tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU từ nhiều năm qua.

Trong lĩnh vực đầu tư, Đức đã vươn lên vị trí thứ ba trong EU với 391 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký hơn 2,22 tỷ USD tại 38 tỉnh, thành của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã có 41 dự án đầu tư vào Đức với trị giá hơn 218 triệu USD. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 cũng giúp doanh nghiệp hai nước có điều kiện tiếp cận thị trường của nhau thuận lợi hơn, mang lại lợi ích cho cả đôi bên (2).

2011-10-11T120000Z_532649470_GM1E7AB14CQ01_RTRMADP_3_VIETNAM.JPG
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng bắt tay sau lễ ký bản ghi nhớ hướng tới quan hệ đối tác chiến lược hai nước ở Hà Nội hôm 11/10/2011. Reuters

Triển vọng của quan hệ đối tác chiến lược Việt – Đức

Bên cạnh sự phát triển của quan hệ kinh tế – thương mại, Việt Nam và Đức có quan điểm tương đồng về các vấn đề quốc tế lớn như toàn cầu hóa, chống khủng bố, cải cách Liên hợp quốc…; ủng hộ lẫn nhau khi ứng cử vào các vị trí tại các diễn đàn đa phương. Đức ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, tăng cường quan hệ mọi mặt với Châu Âu và EU. Việt Nam ủng hộ Đức tích cực tham gia hợp tác khu vực ở châu Á-Thái Bình Dương, hợp tác Đức- ASEAN.

Đối với Đức, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong ASEAN. Việc tăng cường quan hệ với Việt Nam là một phần quan trọng trong chính sách của Đức đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, được triển khai trên ba trụ cột: Thịnh vượng-Bền vững-An ninh (3).

Tuy nhiên, trong quan hệ Việt – Đức, điều đáng chú ý là hợp tác quốc phòng và an ninh không phải là ưu tiên được đề cập đến như một trọng tâm trong quan hệ đối tác chiến lược của hai nước.

Trong một bài viết gần đây, tác giả Nguyễn Hồng Hải cho rằng việc chưa có sự hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh trong quan hệ Việt – Đức phản ánh các ưu tiên chiến lược của hai nước vào thời điểm quan hệ đối tác chiến lược được thiết lập (4). Tuy nhiên, điều này sẽ phải thay đổi khi bối cảnh chiến lược trên thế giới đang có những biến đổi.

Trước đây, chính sách của Đức đối với Trung Quốc luôn chủ yếu là về kinh tế. Chỉ trong những năm gần đây, người ta dần nhận ra rằng nguyên tắc chỉ đạo trong quan hệ Đức – Trung, thay đổi thông qua thương mại”, đã không mang lại hiệu quả như mong đợi. Không một lượng hợp tác kinh tế và thương mại nào có thể khiến Bắc Kinh xích lại gần hơn với các giá trị tự do của phương Tây, kể cả trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, Bộ Ngoại giao Đức đã nhấn mạnh đến sự kiên định của mình đối với một trật tự dựa trên luật lệ, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và công nhận phán quyết của Tòa trọng tài thường trực năm 2016 khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý hoặc yêu sách lịch sử ở Biển Đông thông qua “Đường 9 đoạn” của họ.

Việt Nam thì luôn tỏ ra là một quốc gia kiên cường chống lại các tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông. Những năm gần đây, do bất mãn trước các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam đã cố gắng thoát ra khỏi sự lệ thuộc từ Trung Quốc và xích lại gần phía Mỹ và các nước phương Tây. Cùng với sự đe doạ của Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường”, Việt Nam và Đức cùng tìm thấy những điểm chung trong việc phát triển quan hệ giữa hai quốc gia này, kể cả trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng.

Đức luôn tán thành quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình và thực hiện một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở Biển Đông. Sự đồng thuận về lợi ích này tạo ra động lực rõ ràng để Việt Nam và Đức mở rộng quan hệ đối tác chiến lược, gồm hợp tác quốc phòng và an ninh theo hướng thực chất hơn, dù tiến độ trong lĩnh vực này còn chậm.

Chuyến ghé thăm của tàu Bayern tại cảng TP.HCM vào những ngày đầu tiên của năm 2022 là tín hiệu cho thấy mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Đức sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian sắp tới, đặc biệt trong lĩnh vực hải quân. Theo tác giả Nguyễn Hồng Hải, tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng sẽ là bước tiếp theo trong việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược hiện tại lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian ba năm, thời điểm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, với thực tế là Đức và Việt Nam đều là đối tác thương mại lớn nhất của nhau trong EU và ASEAN.

______________

Tham khảo:

1. https://twitter.com/GermanyinHanoi/status/1479841496958267395?s=20

2. https://baoquocte.vn/quan-he-doi-tac-chien-luoc-viet-nam-duc-thuc-chat-hieu-qua-va-ben-vung-161289.html

3. https://baotintuc.vn/thoi-su/nhieu-du-dia-de-phat-trien-quan-he-song-phuong-viet-namduc-20211016095835847.htm

4. https://thediplomat.com/2022/01/the-vietnam-germany-strategic-partnership-takes-another-step-forward/

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Related posts