Quốc hội dự kiến sửa gần 300 luật tại kỳ họp bất thường để thực hiện kế hoạch tinh giản bộ máy

Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ sửa đổi gần 300 luật tại kỳ họp bất thường vào cuối tháng 2 tới để thực hiện kế hoạch tinh giản bộ máy toàn quốc do Tổng bí thư Tô Lâm phát động. Đây là con số luật sửa đổi kỷ lục của Quốc hội trong một kỳ họp bất thường mà Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói với báo chí là công việc “hết sức lớn” và “sẽ không tính thời gian họp”.

Ông Mẫn được truyền thông Nhà nước trích dẫn phát biểu trong khai mạc phiên họp lần thứ 41 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong sáng 06/1:

“Kỳ họp này Quốc hội sẽ họp không tính thời gian mà làm sao để hoàn thành việc sửa đổi các luật, nghị quyết của Quốc hội, phục vụ cho việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về ‘Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” trong thời gian tới’.”

Ông Mẫn cho biết, gần 300 luật liên quan đến chuyên ngành và liên quan đến tổ chức sẽ phải sửa đổi; Bộ Tư pháp đã tổng kết có khoảng 4.922 văn bản, nghị định, thông tư liên quan đến điều chỉnh, sắp xếp bộ máy hành chính.

Một luật sư ở Hà Nội, người nói trong điều kiện ẩn danh, cho rằng Quốc hội dự kiến sửa quá nhiều luật trong thời gian ngắn mà lại không có lộ trình bài bản, do vậy, việc chất lượng sửa đổi khó có thể bảo đảm.

Một luật sư khác ở Hà Nội, người cũng không muốn công khai danh tính vì lý do an ninh, cho rằng thực chất việc sửa 300 luật trên chỉ là sửa tên bộ, ngành liên quan trong các luật đó, vì đã được đổi tên mới trong vụ sáp nhập đang diễn ra.

Ông cũng cho rằng các luật có trùng tên bộ, ngành bị đổi tên sẽ được gộp vào một bộ luật sửa đổi, bổ sung chứ không phải sửa từng luật.

Ví dụ Bộ Nội vụ sẽ phải rà soát các luật có điều khoản giao thẩm quyền cho bộ này nay đổi tên một loạt thành Bộ Nội vụ và Lao động rồi đưa chung vào một luật sửa đổi, bổ sung. Luật đó sẽ có tên là luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan.”

Kế hoạch tinh giản bộ máy tại Việt Nam được ông Tô Lâm thúc đẩy sau khi lên nắm chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 8 năm ngoái. Mục đích nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Đảng, Chính phủ, tránh trùng lặp nhiệm vụ giữa các cơ quan, tiết kiệm ngân sách. Theo kế hoạch, bộ máy Chính phủ mới sẽ chỉ còn 13 bộ, bốn cơ quan ngang bộ, giảm năm bộ và ba cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Khoảng 100.000 công chức sẽ bị ảnh hưởng trong đợt tinh giản lần này. Ban chỉ đạo Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương giảm tối thiếu 20% công nhân, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Ông Tô Lâm mong muốn việc thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế sẽ được hoàn thành vào trước kỳ Đại hội Đảng vào đầu năm 2026, nhằm đưa Việt Nam tiến tới thực hiện được mục tiêu đề ra là trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030, phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao

Related posts